Vẫn còn tình trạng chậm cấp Phiếu LLTP
LLTP được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Qua tổng kết thực tiễn 06 năm thi hành, Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, công tác LLTP vẫn còn một số hạn chế.
Đơn cử, quy định của Luật LLTP hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục cấp Phiếu LLTP, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu theo quy định của Luật LLTP còn chưa thuận tiện, bất cập trong thực tiễn. Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, ngoài Tờ khai còn phải kèm theo bản sao một số giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, hộ khẩu, giấy xác nhận tạm trú… mà không có quy định ngoại lệ áp dụng cho một số đối tượng như người chưa đủ 14 tuổi hoặc người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam…
Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP mà còn gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu.
Cũng theo quy định của Luật LLTP, việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân bị giới hạn theo nơi đăng ký thường trú, tạm trú và phải thực hiện trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Quy định này làm tăng chi phí và gây những khó khăn nhất định cho người yêu cầu cấp Phiếu, đặc biệt là những trường hợp đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài; cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Bên cạnh đó, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu vẫn còn (chiếm khoảng hơn 20%) chủ yếu là đối tượng công dân Việt Nam cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố, cư trú tại nước ngoài, người nước ngoài…
Người chưa đủ 14 tuổi: hồ sơ đơn giản hơn
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, Dự thảo Luật đã đa dạng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu LLTP; bổ sung hình thức Phiếu LLTP dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến).
Dự thảo Luật sửa đổi cũng mở rộng quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Luật LLTP (Điều 45) quy định công dân Việt Nam nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm LLTP quốc gia.
Để tạo thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đặc biệt là các công dân đi du học, công tác xa nơi đăng ký thường trú, người nước ngoài, Dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết thủ tục cấp Phiếu LLTP cho một số đối tượng như công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở nhiều nơi, đang cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú hoặc Cơ quan quản lý LLTP.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cấp Phiếu LLTP. Luật LLTP (Điều 48) quy định thời hạn cấp Phiếu LLTP không quá 10 ngày. Trường hợp công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì thời hạn không quá 15 ngày.
Để tạo thuận lợi hơn cho người yêu cầu cấp Phiếu, Dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn theo hướng giảm xuống là 07 ngày làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế công tác xác minh tình trạng án tích để cấp Phiếu LLTP đối với các trường hợp cá nhân đã từng bị kết án bởi nhiều bản án là rất phức tạp, Dự thảo Luật bổ sung trường hợp người được cấp Phiếu là người bị kết án bởi nhiều bản án thì thời hạn không quá 20 ngày.
Xuất phát từ thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP của người chưa đủ 14 tuổi, đây là đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự, Dự thảo Luật bổ sung quy định về hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu đơn giản hơn (không cần chứng minh nhân dân, chỉ cần có bản sao Sổ hộ khẩu; đối với người nước ngoài chỉ cần cần nộp bản sao hộ chiếu); không phải thực hiện tra cứu thông tin LLTP. Đồng thời, thời hạn cấp Phiếu được rút ngắn tối đa là 01 ngày làm việc.