Tranh cãi về mặt hàng phục vụ ngành sản xuất tôm giống
Nghị định 122 /2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi doanh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.
Việc ban hành Nghị định được biết là căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nghị định được Chính phủ ban hành đã bãi bỏ 13 Thông tư của Bộ Tài chính cùng 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước đó, trong đó có Thông tư 98 ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Tài chính. Tại Nghị định mới được Chính phủ ban hành, thuế suất mặt hàng trứng Artemia đã được cắt giảm từ 3% thành 0%.
Cần phải nhắc lại, tại Thông tư 98, Bộ Tài chính đã bổ sung trứng Artemia vào danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo quyết định của Bộ này, trứng Artemia, dùng làm thức ăn thủy sản sẽ phải chịu thuế suất 3%.
Việc áp thuế của Bộ Tài chính khiến doanh nghiệp và một số hiệp hội bức xúc cho rằng bất hợp lý. Theo nhiều doanh nghiệp, việc nhập Artemia nghiền ra thành bột thì được hưởng thuế 0%, còn trứng Artemia nhập về để nghiền ra đều làm thức ăn cho tôm thì lại tính 5%, trong khi thông lệ quốc tế chỉ có một mã số cho Artemia với tên gọi là sản phẩm dùng cho tôm.
Không đồng tình với cách áp thuế từ phía Bộ Tài chính, phía Bộ NN&PTNT cũng đề xuất giảm thuế mặt hàng này về 0% với lập luận, Artemia là loại thức ăn rất cần thiết cho ngành sản xuất tôm giống trong nước. Hơn nữa, tổng giá trị các doanh nghiệp nhập Artemia về trong nước theo Bộ này là không đáng kể. Bộ NN&PTNT cho rằng, việc đánh thuế nhập khẩu 5% hay 3% không có ý nghĩa, trong bối cảnh con tôm đang là “cứu tinh” trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm.
Thậm chí, khi Bộ Tài chính vẫn một mực bảo vệ quan điểm áp thuế của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những nhận định được đánh giá là mạnh mẽ: “Việc áp thuế Artemia 5% là đi chặn một cái vô cùng nhỏ, nhưng ảnh hưởng hiệu ứng nhập khẩu. Artemia nhập về tổng giá trị có đáng kể gì mà lấy 5% không có ý nghĩa gì cả, trong khi sản lượng người ta xuất khẩu đến 3-4 tỉ USD, mà lại rất cần chuỗi ban đầu để tạo ra được giống chất lượng. Phải giải thích để người ta hiểu. Nếu Bộ Tài chính không thống nhất được thì tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng”, Bộ trưởng Cường nói.
Ý kiến xác đáng đã được lắng nghe, giải quyết
Liên quan vấn đề này, Bộ Tài chính đã khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016, trong đó có giảm mức thuế suất nhập khẩu của mặt hàng trứng Artermia từ 3% xuống 0% là trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính tại Văn bản 11964/BTC-CST ngày 26/8/2016.
Cụ thể, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, kể từ ngày 1/9/2016 trở đi, thẩm quyền ban hành các Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện Luật thuế này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành 12 Nghị định về các Biểu thuế nói trên trong đó có Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 122/2016/NĐ-CP đã bãi bỏ các Thông tư về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà Bộ Tài chính đã ban hành trước ngày 01/9/2016, trong đó có Thông tư 98/2016/TT-BTC.
Về nội dung quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất của một số mặt hàng trên cơ sở kiến nghị của các bộ ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp đã gửi đến Bộ Tài chính trong 8 tháng đầu năm 2016, trong đó có kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng trứng Artemia.
Sau khi tổng hợp ý kiến các bộ ngành, Hiệp hội trong đó có Bộ NN&PTNT, Hiệp hội VASEP, để giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành tôm Việt Nam, tại Văn bản 11964/BTC-CST ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia từ 3% về 0%. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Chính phủ đã đồng ý giảm mức thuế suất nhập khẩu của mặt hàng trứng Artermia từ 3% xuống 0% tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Có thể thấy, việc Chính phủ xử lý nhanh chóng câu chuyện áp thuế mặt hàng trứng Artemia lần này là một dẫn chứng cho thấy những bức xúc của doanh nghiệp, những bất hợp lý trong điều hành luôn được Chính phủ lắng nghe và ghi nhận. Đó là một biểu hiện sinh động cho cam kết lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước như trong Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 mới ban hành gần đây.