Giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt: “Công nghiệp bốn bánh” của Việt Nam có phát triển?

(PLO) - Chúng ta hy vọng có một ngành công nghiệp ô tô bao năm nay nhưng vẫn chưa có được, cơ hội không còn nhiều khi tới năm 2018 phải hoàn thành cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%. Muốn có ngành công nghiệp ô tô cần phải nhanh chóng tăng dung lượng thị trường…
Tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam hiện vẫn rất thấp
Tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam hiện vẫn rất thấp
Giá xe “hạ nhiệt”
Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để khuyến khích phát triển dòng xe ô tô thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển thị trường, tăng mức đầu tư để có khả năng cạnh tranh khi hội nhập (năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống giảm về mức 0%) về mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sẽ định hướng: “Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực”. 
Cụ thể: Giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển; đồng thời áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.0 lít, tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn. 
Theo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế vừa được công bố, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, thuế suất thuế TTĐB của nhiều dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh nhỏ đã bắt đầu giảm 5% và giảm mạnh từ 1/1/2019, đặc biệt có dòng xe giảm đến 25% (dung tích từ 1.000 cm3 trở xuống). 
Với dòng xe có dung tích từ trên 1.000cm3  đến 1.500cm3  và từ trên 1.500cm3  đến 2.000cm3 ,  mức giảm tương ứng 25% - 15%. Với mức giảm này, ông Thi cho biết có dòng xe giá bán giảm đến 42% vào năm 2019…
Chớ lo ngân sách giảm
Bên cạnh dòng xe ưu tiên phát triển có thuế suất giảm sâu, các dòng xe có dung tích xi lanh lớn, tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn… là đối tượng chịu thuế TTĐB cao. Thậm chí có dòng xe ngay từ 1/7/2016 đã áp dụng thuế suất 150%, tăng 90% so với hiện hành (loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 ).  
Tuy nhiên, ngân sách không trông chờ vào khoản tăng này mà theo ông Thi, với mức thuế suất giảm nhiều hơn sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô, tăng dung lượng thị trường đối với các dòng xe nhỏ đạt mức yêu cầu để đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. 
“Vì vậy, mặc dù sẽ có thể giảm thu ngân sách nhà nước nhất định trong những năm đầu thực hiện Luật nhưng việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với những dòng xe nhỏ hơn sẽ buộc một số nhà sản xuất phải lựa chọn đầu tư tiếp tục sản xuất, lắp ráp lâu dài tại Việt Nam, từ đó đem lại khả năng đầu tư, sản xuất trong nước từ công nghiệp phụ trợ đến sản xuất động cơ mà không dừng ở mức độ lắp ráp như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng sản lượng xe sẽ tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ liên quan như xăng, dầu, phụ kiện ô tô,... qua đó tăng thu ngân sách nhà nước...”- ông Thi phân tích.
Dưới góc độ phát triển ngành công nghiệp ô tô, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cũng kỳ vọng khi tăng dung lượng thị trường, ngành công nghiệp ô tô sẽ có cơ hội phát triển.  Ông này dự đoán, nếu Việt Nam công bố rõ lộ trình giảm thuế TTĐB cho các dòng xe ưu tiên ít tiêu thụ nhiên liệu, chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư. 
Mỗi dự án, theo tính toán, khi vào Việt Nam sẽ triển khai trong khoảng 2-3 năm. Điều này lý giải, đề xuất giảm thuế chỉ 5% từ năm 2016 nhưng tới năm 2018 và năm 2019, mức giảm sẽ được điều chính sâu hơn, khoảng 10% mỗi năm. “Ta tính toán như vậy để các nhà đầu tư tiếp cận được thị trường…” - ông Phạm Đình Thi khẳng định.
Vui mừng vì thuế TTĐB đối với nhiều dòng ô tô giảm song không quá vồ vập, đại diện một DN sản xuất ô tô cho biết, để có một ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam không chỉ có thế. Cho đến bây giờ, các DN ô tô vẫn “dài cổ” ngóng hướng dẫn chi tiết Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định 1168/QĐ-TTg) và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1211/QĐ-TTg) được ban hành từ  tháng 7/2014…
20 năm mới… tạo tiền đề?!
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm phấn đấu và trưởng thành, bước đầu đã hình thành nên một số ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tích lũy được kinh nghiệm trong việc lắp ráp ô tô và sản xuất một số phụ tùng, linh kiện, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất - chế tạo ô tô.
Theo Thứ trưởng Hưng, hạn chế lớn nhất là tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô con mới đạt bình quân 7- 10% (Thaco đạt 15 - 18%, TMV đạt 37% đối với dòng Inova) trong khi mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. 

Đọc thêm