Vẫn còn văn bản chồng chéo
Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung pháp luật, Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, từ khi Luật Ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực thì công tác xây dựng VBPL có nhiều chuyển biến mang tính đậm nét. Bởi Luật Ban hành VBQPPL 2015 có nhiều đổi mới quan trọng, có thể nói đột phá như quy trình chính sách tách khỏi quy trình soạn thảo. “Minh chứng điều này đó là tình trạng nợ văn bản trong thời gian qua giảm đáng kể. Năm 2016 các bộ ngành nợ 14 văn bản, năm 2017 là 9 văn bản còn tới 2018 là 4 văn bản”, ông Tuyến dẫn chứng.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đánh giá, trong thời gian qua, nhìn chung chất lượng VBQPL đã tăng lên, nợ giảm đi. Nhưng thực tế vẫn có văn bản gây nhiều tranh cãi, nhiều làn sóng phản đối từ dư luận. Theo bà Thảo, chính từ những văn bản này cho thấy năng lực của một số cán bộ pháp chế của các bộ. Ví dụ Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp về thức ăn chăn nuôi sẽ gây hiểu nhầm như lợn không ăn bèo tây, thỏ không ăn cà rốt minh chứng rõ.
Theo bà Thảo, thực tế đâu đó vẫn có văn bản còn cài cắm yếu tố xin – cho, còn vận động cho lợi ích nhóm khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hay các bộ, ngành vẫn muốn giữ lại thẩm quyền cấp phép, thủ tục hành chính.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, vẫn có nhiều văn bản có chất lượng chưa cao, chưa phù hợp thực tiễn, một số văn bản thiếu hướng dẫn chi tiết dẫn đến mỗi nơi hiểu một kiểu và thi hành một kiểu.
Cùng với đó, có nhiều văn bản chồng chéo với nhau. Theo ông Tuấn, chính những văn bản này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng rủi ro chính sách đang tăng dần và rủi ro chính sách lớn còn hơn rủi ro kinh doanh. “Nhiều văn bản pháp luật quy định các điều kiện kinh doanh quá cao hoặc can thiệp sâu vào vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Như vấn đề để kinh doanh bảo hiểm mũ bảo hiểm thì các cơ quan cho rằng cần có dây chuyền sản xuất mút xốp nhưng thực tế là không cần. Hay như doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì cần bằng này nhà máy gạo”, ông Tuấn dẫn chứng và cho rằng các chính sách sai sẽ có nhiều rào cản về chi phí cũng như hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Chú trọng trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo văn bản
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới để nâng cao những VBQPPL, ông Tuấn đề xuất cần nâng cao vai trò của cơ quan luập pháp từ việc minh bạch hóa hơn nữa quy trình xây dựng văn bản để người dân biết và giám sát. Cùng với cần có quy trình phản biện độc lập các văn bản trong quá trình xây dựng. Chính phủ có thể đề nghị những cơ quan này để cân bằng hơn việc đánh giá. Đặc biệt cần, gắn chất lượng của văn bản đối với uy tín, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan soạn thảo văn bản.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tính toán kỹ để làm sao phát huy kết quả đạt được như tăng cường phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành để đảm bảo một VBPL ra đời sẽ đúng quy định. “Mặt khác, khi một văn bản sau khi trình Chính phủ cho ý kiến thì vẫn được rà soát, đánh giá, tổng hợp phân tích để các điều khoản khả thi, sát tình hình thực tế. Nếu làm tốt những điều này thì chất lượng VBQPPL sẽ cao hơn trong thời gian tới”, ông Tuyến tin tưởng.
Trước đó, ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019, trong đó nhấn mạnh: Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.