Không công khai danh tính vì sợ tổn thương?
Những ngày qua, thông tin về những con số hàng trăm trường hợp được nâng khống điểm ở các địa phương Hòa Bình, Sơn La lần lượt đã được công bố tới dư luận. Ở Hòa Bình, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,5 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm…
Ở Sơn La, ngoài thông tin có tất cả 29 bài thi Ngữ văn được sửa điểm, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy, có thêm 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Còn ở Hà Giang trước đó, như Bộ GD&ĐT công bố, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm được nâng chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018, kết quả chấm thẩm định này là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2018; được sử dụng thay thế kết quả do các Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2018.
Điều đáng nói, đến nay danh sách này lại được giữ kín, không công bố với lý do đưa ra là tránh ảnh hưởng, tổn thương tâm lý đối với các thí sinh này. Dư luận đặt câu hỏi, vậy có công bằng không và những tổn thương đối với các thí sinh bị trượt đại học oan vì các trường hợp gian lận này đánh mất chỗ thì ai lo? Chưa nói đến chuyện mất đi cơ hội vào đại học đúng nghĩa và hướng đền bù thiệt hại chưa được nhắc đến.
Với việc công bố danh tính của thí sinh gian lận, quan điểm của Bộ GD& ĐT là phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và tuân thủ Luật Dân sự 2016. Việc công bố danh tính vào thời điểm nào, đến đâu, phải dựa vào việc tiếp tục điều tra của Bộ Công an. “Chúng ta không thể không tính đến tác động cực đoan đến thí sinh. Cơ quan điều tra sẽ tính thêm điều này”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay.
Điều đáng nói, phần đa các em đều đăng kí nguyện vọng vào khối trường công an, quân đội, nơi chỉ cần học xong, ra trường các em sẽ được bố trí việc làm. Bởi vậy, cuộc đua càng gắt gao hơn bao giờ.
Cụ thể, tại Học viện An ninh nhân dân, có 14 thí sinh đến từ Hòa Bình và 10 thí sinh từ Sơn La. Như vậy, chỉ tính riêng hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã có 24 thí sinh trúng tuyển trong tổng số 220 chỉ tiêu vào trường. Không những thế, thí sinh ở những địa phương này đều có số điểm rất cao. Ví dụ, khối C03, 2 Thủ khoa của Học viện An ninh nhân dân ở cả 2 đối tượng nam và nữ, 1 thí sinh khối D01 đạt 28,35 điểm cũng đều là thí sinh của Hòa Bình.
Về tổng điểm 3 môn thi cao (không có điểm cộng), danh sách có tên của hai thí sinh ở Sơn La dự thi khối C03 và D01. Ở khối trường quân sự, thí sinh đạt điểm cao ở Hòa Bình cũng không hiếm. Thủ khoa, Á khoa Học viện Hậu cần hệ quân sự đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình. Thủ khoa toàn trường, đồng thời là Thủ khoa khối A của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm 28,2 điểm xét tuyển (trong đó Toán 9,2; Vật lý 9; Hóa học 9,25 và 0,75 điểm ưu tiên khu vực).
Thủ khoa của Trường Sĩ quan Pháo binh, dẫn đầu toàn trường trong cả 2 khối xét tuyển A, A1 về điểm xét tuyển là 27,65 (Toán 9,4; Vật lý 8,25; Hóa học 9,25; điểm cộng ưu tiên khu vực là 0,75). Năm 2018, Thủ khoa của Trường Sĩ quan Phòng hóa là một thí sinh đến từ tỉnh Hòa Bình với điểm trúng tuyển khối A là 26,15 điểm.
Học viện Khoa học quân sự tuyển 5 ngành, mỗi ngành đều có chỉ tiêu cho nam và nữ, do đó sẽ có 10 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao nhất. 3 em trong số đó đến từ miền núi phía Bắc. Cụ thể, 2 nữ sinh của Hòa Bình đạt điểm xét tuyển cao nhất ngành Ngôn ngữ Anh (26,94) và Ngôn ngữ Nga (25,84).
Muốn che giấu sự phạm pháp?
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tính sơ qua với hơn 200 trường hợp “chạy điểm”, gian lận để đỗ vào các trường đại học thì đã đánh trượt cơ hội được vào đại học của một số thí sinh lớn hơn rất nhiều. Không chỉ khiến 200 con người khác bị đánh trượt oan mà là 200 nhân N lần mà N được xác định cho đến hết chu kỳ xét tuyển sinh theo mà Bộ GD&ĐT đưa ra.
Hơn 200 em bị đánh trượt đó tiếp tục đánh trượt 200 em khác ở các cơ hội xét tuyển đại học phía dưới và tạo nên một hiệu ứng dây chuyền đúng theo kiểu domino. Rất nhiều thí sinh bị trượt nguyện vọng đại học đúng nghĩa (khi đỗ được vào đại học nhưng thực tế đã bị trượt với khả năng thực sự của mình).
Trước việc công khai hay không, một nhà giáo lâu năm cho rằng, với các em gian lận này, về cơ bản, sẽ phân ra 2 luồng. Luồng thứ nhất, những bạn có lực học tốt, cực tốt sẽ chán nản, không thiếu những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng, các bạn ấy lại rất mạnh mẽ để nhanh chóng vượt qua điều đó, bởi ngần ấy năm phấn đấu rèn luyện đã tạo ra cho con người một bản lĩnh thép.
Thất bại lần này không phải tất cả, nên sẽ làm lại. Luồng thứ 2, những bạn có học lực trung bình và sẽ lựa chọn cho mình những bước đi tiếp theo. Những bạn này không hề sốc, vì bản thân luôn chuẩn bị tâm lý cho điều đó. Vậy nên, tôi cho rằng quan điểm phải bảo vệ mấy bạn được bố mẹ bỏ tiền/quan hệ ra “chạy điểm” là hết sức sai lầm. Chúng không bao giờ lo lắng…
Nhân đạo với kẻ trộm, kẻ phạm pháp là vô nhân đạo với người lành, người tôn trọng luật pháp. Minh bạch không có nghĩa là cực đoan, xin đừng mượn những lời lẽ hoa mĩ vì cái này, vì cái kia để che đậy hành vi gian trá trong thi cử. Hãy nhìn thẳng vào sự thật tại sao quan chức giáo dục từ cấp bộ tới cấp sở không muốn công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm tại Hoà Bình và Sơn La?
Cũng theo thầy giáo này, thực ra, đau khổ và sốc nhất của những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La và Hoà Bình không phải là việc các em bị công khai danh tính mà là việc các em bị loại khỏi trường đại học, nơi các em là sinh viên được hai phần ba năm học.
Cha mẹ dùng quyền hoặc tiền thông đồng với quan chức giáo dục nâng điểm cho con em mình là vi phạm luật pháp. Việc họ bị truy tố để xem họ phạm luật ở mức nào là điều đương nhiên trừ phi ai đó muốn che giấu sự phạm pháp này.
Thời nay, Internet đã có mặt ở mọi nhà, công khai danh tính cha mẹ phạm luật mà không công khai danh tính con cái khác nào dùng lá chuối rách để che chắn thân thể hở hang. Còn nếu không công khai danh tính cha mẹ các em được nâng điểm, xử lý những người phạm luật theo kiểu xử lý nội bộ thì quả là càng buồn hơn cho nền giáo dục nước nhà.
Những quan chức trong ngành Giáo dục dính tới đường dây “chạy điểm” tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đã bị truy tố, nhưng những người dùng quyền hay dùng tiền chi phối việc nâng điểm cho người thân của mình tại các tỉnh này vẫn chưa ai vướng vào vòng lao lý, cách xử lý này liệu có bất công hay không?
Và theo quan điểm của chuyên gia này thì rất không nên công bố danh tính thí sinh. Bởi nếu công bố thì đó sẽ là vết nhục không biết bao giờ phai trong tâm khảm thí sinh và cha mẹ của các cháu... Thậm chí, có thể khiến các cháu vì quá xấu hổ mà tìm con đường giải thoát tiêu cực khác... Bởi theo ông, cần khẳng định, chính là xã hội coi trọng bằng cấp hiện nay.
Chúng ta đang sa vào “chủ nghĩa bằng cấp”, đã biến không ít thanh niên Việt Nam “có bằng đại học” nhưng thiếu kiến thức và càng không có trí tuệ. Một xã hội chỉ nhìn vào bằng cấp mà không biết nhìn vào tài năng của con người thì việc gian lận trong thi cử, trong làm bằng gian, bằng giả để cầu mong thăng quan tiến chức... là đương nhiên, là tất yếu!
Đến người lớn cũng còn có không hiếm người gian lận khi thi cử, chạy chọt, mua bằng, rồi gian lận bằng cấp... Thế thì các bậc cha mẹ có dại dột “mua điểm” cho con mình cũng là điều không khó hiểu. Các cháu không có tội.
Tội ở xã hội bằng cấp, cha mẹ các cháu, những người thầy bán rẻ lương tri...Và nên chăng hãy cho các cháu một cơ hội : Cho đi ôn tập 6 tháng, và cho thi lại... Biết đâu, chính cái “ân” này sẽ giúp các cháu trưởng thành hơn, vị này bày tỏ…