AIDS… từ đâu tới?
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Vương Thế Linh, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC), Bình Dương có hơn 2 triệu dân thì có tới 1 triệu là người nhập cư (trong đó 80% là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, chủ yếu là nữ).
Hiện, số ca dương tính với HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh lũy tích là 7.509; Địa phương đang quản lý 3.939 bệnh nhân; Tính riêng 8 tháng đầu năm đã có 542 ca nhiễm HIV, tăng 18,3 so với cùng kỳ năm 2019; 50% bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở điều trị HIV là công nhân các khu công nghiệp.
Cũng theo bác sĩ Vương Thế Linh, đa số người nhiễm HIV ở Bình Dương giấu bệnh vì sợ ảnh hưởng đến công việc và bị kỳ thị. Do công tác truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm một cách đúng mức, y tế cơ sở sàng lọc kém, phần lớn các ca nhiễm HIV được phát hiện ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con không cao.
Cũng vì những lý do nêu trên, số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng có xu hướng gia tăng tại địa phương. Cụ thể: Năm 2009, tỷ lệ lây truyền HIV qua đường tình dục ở Bình Dương chỉ là 31,4%, nay tăng lên 88,6%, đặc biệt tăng đột biến trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Có những MSM mới 14, 15 tuổi đã nhiễm HIV do quan hệ tình dục với nhiều người không sử dụng biện pháp an toàn…
Nguyễn Thị M (sinh năm 1988) ở TP Thuận An, Bình Dương làm công nhân tại một công ty may của Hàn Quốc, chồng M thì làm kế toán tại một công ty của Nhật Bản. Năm 2013, M chuyển dạ sinh con và phát hiện nhiễm HIV, ngay sau đó chồng M cũng làm xét nghiệm và phát hiện dương tính với căn bệnh thế kỷ này.
Cả hai vợ chồng vô cùng hoang mang nhưng cũng không xác định được nguồn lây từ đâu. “Lúc mới phát hiện bệnh, em cũng sốc lắm. Dần dà được các bác sĩ tận tình tư vấn và được tiếp cận điều trị nên em lấy lại bình tĩnh và chung sống với bệnh tật từ bấy đến giờ…” – nữ công nhân tên M chia sẻ.
Trong lúc chờ lấy thuốc tại Phòng khám ngoại trú TP. Thuận An, Lê Văn Gi (sinh năm 2000), trú tại TP. Thuận An, Bình Dương cho chúng tôi biết, quê Gi ở Đồng Tháp. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu phải lặn lội sang Bình Dương để kiếm việc. Hiện, Gi làm việc tại nhà máy in với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Gi cũng chia sẻ mình là một người đồng tính nam và đã từng quan hệ tình dục với rất nhiều MSM. Gi có một bạn tình ở Cần Thơ.
Vì quá yêu cũng như rất tin tưởng người yêu nên cậu đã quan hệ tình dục với họ nhiều lần không sử dụng bao cao su. Gần đây bạn tình của Gi đi khám sức khỏe và phát hiện nhiễm HIV nên đã thông báo cho cậu biết. Sau khi lên mạng tìm hiểu thông tin Gi đã lén lên Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và cho kết quả dương tính với HIV. “Lúc đầu em cũng rất tuyệt vọng, sau được các bác sĩ tư vấn em nguôi ngoai dần. Nhờ tuân thủ điều trị nên giờ sức khỏe đã hồi phục nên em cũng thấy bớt lo lắng hơn!” – cậu bé cho biết.
Một tiếp cận viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân. |
Gian nan công tác dự phòng!
M và Gi chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám ngoại trú, TP. Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung mà chúng tôi gặp gỡ và tiếp xúc trong chuyến thực tế tìm hiểu về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Đặc thù lây nhiễm HIV tại Bình Dương cũng không khác nhiều lắm so với các tỉnh trọng điểm về dịch bệnh AIDS trên cả nước, nhưng sự kỳ thị đối với người nhiễm ở đây còn rất nặng nề.
Có lẽ chính bởi vậy mà M, Gi và rất nhiều bệnh nhân khác đều lựa chọn “ẩn mình” trong bóng tối để tránh mọi đàm tiếu, dị nghị của mọi người và không bị ảnh hưởng đến công việc. Và đây là lý do chính khiến tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS qua con đường tình dục không an toàn của Bình Dương ngày càng gia tăng.
Hiện tại, bác sĩ Vương Thế Linh cho biết: “Chúng ta đã kiềm chế và kiểm soát được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS, bằng rất nhiều phương pháp như: Điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con; Điều trị K = K (có nghĩa là không phát hiện, không lây truyền. Không phát hiện là một người đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu, dù họ có quan hệ tình dục không an toàn với người không nhiễm HIV, họ cũng không làm lây nhiễm HIV cho người đó qua đường tình dục); Điều trị PrEP (điều trị dự phòng cho người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV)… Tuy nhiên, mọi nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn sẽ không có ý nghĩa gì nếu các đối tượng không hợp tác”.
Xác định nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao tập trung trong các khu công nghiệp, CDC Bình Dương đã lên kế hoạch truyền thông và dự phòng lây nhiễm HIV trong các khu vực này. Nhưng “lực bất tòng tâm” khi vấp phải sự thờ ơ, phản đối từ phía Ban quản lý, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp. Khi cán bộ truyền thông CDC đến đặt vấn đề hỗ trợ truyền thông phòng, chống AIDS trong các khu công nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà, từ chối thẳng thừng, và sẵn sàng chịu nộp phạt nếu bị khiếu kiện.
Có công ty sau nhiều lần thuyết phục đã cho phép cán bộ truyền thông vào tranh thủ nói chuyện với công nhân trong giờ ăn trưa, nhưng cũng chỉ được 15 phút nên hiệu quả truyền không đạt được như kỳ vọng. Trước sự lạnh lùng, vô cảm đó của lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều người nhiễm sợ bị đuổi việc, kỳ thị đã phải che giấu bệnh tật, thậm chí từ bỏ điều trị…
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV, bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung, Phòng khám ngoại trú TP. Thuận An cho hay: “Việc truyền thông dự phòng bệnh đã khó khăn, công tác điều trị cũng gặp nhiều thách thức khi tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm vẫn tồn tại”.
Theo bác sĩ Hồng Nhung, nhiều trường hợp công nhân đã biết tình trạng bệnh của mình rồi nhưng phải bỏ điều trị, hoặc không tuân thủ điều trị vì không dám xin phép nghỉ để đi khám và lấy thuốc. Cùng với đó, tình trạng mất dấu bệnh nhân diễn ra khá phổ biến vì rất nhiều trường hợp sợ bị lộ tung tích đã tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, hoặc các phòng khám chuyên khoa các tỉnh, thành khác để khám và xét nghiệm. Chính bởi vậy, cuộc chiến phòng chống AIDS của Bình Dương vẫn còn nhiều gian nan và chưa có hồi kết.