Gian nan cưỡng chế thi hành án

(PLO) - Khi quyền lợi của người phải thi hành án (THA) bị ảnh hưởng, nhất là những trường hợp chưa thoả mãn với kết quả giải quyết của Toà án và các cơ quan liên quan, họ sẽ tìm mọi cách để trì hoãn, trốn tránh việc THA. Do đó, khi bị cưỡng chế, các đối tượng phải THA thường có thái độ chống đối, gây cản trở, đây cũng là khó khăn lớn nhất mà các chấp hành viên (CHV) phải đối mặt trong quá trình cưỡng chế.
Ảnh từ internet
Ảnh từ internet

Năm 2015, khi tiến hành cưỡng chế một ngôi nhà ở phố Hàng Lược (Hà Nội), các CHV ở Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đã gặp rất nhiều trở ngại khi ở đó xuất hiện tới 15 xe ô tô của các thương binh nằm dàn hàng để gây sự chú ý của người dân, hòng tạo sức ép cho lực lượng thi hành cưỡng chế. Đây có thể coi là hoạt động cản trở có tổ chức, ảnh hưởng lớn đến tiến độ THA bởi nếu tiến hành cưỡng chế ngay lúc đó có thể tạo thêm bức xúc cho người dân, gây nguy hiểm cho các cán bộ nhưng nếu rút quân thì khi tổ chức lại sẽ rất tốn kém vì phải huy động lực lượng lớn với hàng trăm người như công an, dân phòng…

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, phòng lao động thương binh xã hội, Chi cục đã thu thập được các thông tin để tìm ra người đứng đầu lực lượng thương binh chống đối đó. Tiếp đến, các CHV đã giải thích, thuyết phục cho người này hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Nhờ vậy, các xe này đã rút lui và lực lượng tiến hành cưỡng chế thành công.

Một vụ việc khác tuy đã xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng một CHV của Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm vẫn nhớ như in, đó là vụ cưỡng chế tại số nhà 27 phố Hàng Đồng - nơi sinh sống của 5 hộ gia đình với tổng số 32 người, người cao tuổi nhất đã ngoài 80, bé nhất chỉ vài tháng tuổi. 

Vì được xây theo hình ống lại nằm trong căn ngõ rộng chưa tới 1 mét nên hình dáng ngôi nhà khá giống một miệng túi, khi tiến vào sẽ thuận lợi hơn thoát ra. Do đó, trước khi tổ chức cưỡng chế, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để tìm hiểu kỹ càng về địa bàn, tình hình của đương sự để đề phòng các trường hợp xấu như cháy nổ, tự thiêu, bắt cóc con tin để uy hiếp… Đồng thời, đội ngũ cán bộ, bảo vệ lên tới 120 người cũng được huy động để có thể giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho quá trình cưỡng chế.

Mặt khác, CHV lại nhận thấy các hộ gia đình này là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, cư trú ở đây đã lâu nhưng không có giấy tờ nhà do trước đây mua bán, trao đổi chủ yếu bằng lời nói, nếu có thì cũng đã bị thất lạc, nay do chế độ pháp lý thay đổi, họ buộc phải ra khỏi nhà chứ không phải cố ý vi phạm. Bởi vậy để hạn chế xung đột giữa các bên, CHV đã trao đổi, thuyết phục bên được THA hỗ trợ bên phải THA 800 triệu đồng. Sau khi thương lượng, các bên đã chấp nhận thỏa thuận này, vì vậy, theo lịch là 8 giờ sáng hôm sau cưỡng chế thì 4 giờ chiều hôm trước họ đã xin tự nguyện THA, đến đêm thì mọi đồ đạc được dọn xong khỏi nhà.

Có thể nói, cưỡng chế là việc vô cùng phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của đương sự, các CHV và lực lượng tham gia cưỡng chế luôn phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm nhất định. Đặc biệt, đối với những trường hợp đương sự chưa thỏa mãn với bản án, quyết định của Tòa án thì việc tổ chức cưỡng chế THA càng phải thận trọng.

Do vậy, ngoài vận dụng kiến thức chuyên môn, đề cao đạo đức nghề nghiệp, các CHV cần kết hợp linh hoạt nhiều kỹ năng khác như vận động, giáo dục, thuyết phục, đàm phán… thì việc cưỡng chế mới đạt kết quả, nếu yếu kém ở một khâu nào đó thì CHV dễ gặp lúng túng khi phải xử lý các tình huống phát sinh, khiến vụ việc sẽ càng trở nên phức tạp, kéo dài. Cùng với đó, các cơ quan THADS cũng cần chú trọng tới mối quan hệ phối hợp và xác định rõ trách nhiệm với các cơ quan hữu quan trong công tác cưỡng chế. Có như vậy, việc THA mới đạt được mục đích đã đặt ra, phát huy tối đa chức năng giáo dục pháp luật đối với đương sự, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời góp phần củng cố tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Đọc thêm