Gian nan gieo chữ ở vùng cao

 Vượt qua những chặng đường dài, những triền dốc có khi thẳng đứng và những con đường mòn men qua những khe suối cạn, họ - những người giáo viên vùng cao– không quản ngại khó khăn, gian khổ để “gieo cái chữ”, đem ánh sáng và tri thức tới đồng bào dân tộc thiểu số.

Vượt qua những chặng đường dài, những triền dốc có khi thẳng đứng và những con đường mòn men qua những khe suối cạn, họ, những người giáo viên vùng cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ để “gieo cái chữ”, đem ánh sáng và tri thức tới đồng bào dân tộc thiểu số.

Gian nan “gieo chữ”

Chúng tôi có mặt tại huyện miền núi Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái vào một ngày cuối tháng tư chói chang của nắng hè. Nơi đây, ngày nắng, đêm lạnh là một kiểu thời tiết đặc trưng nhưng khí hậu có phần khô hơn và những ruộng lúa bậc thang của đồng bào người H’mông đang bắt đầu xanh tốt.

Một giờ học đọc của các em học sinh vùng cao Mù Cang Chải
Một giờ học của các em học sinh vùng cao Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, cũng vì thế mà công tác giáo dục ở đây cũng gặp không ít trở ngại và nhiều thiếu thốn. Với hơn 90% dân số là đồng bào H’mông và đa phần không biết chứ, kinh tế lại chủ yếu là phát nương, làm rẫy và đi rừng nên nhận thức về việc đầu tư cho con em đến trường rất hạn chế.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện Hoàng Thế Đồng tâm sự: “Trong nhiều năm qua, tuy đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền và các ban ngành nhưng quả thực anh em giáo viên nơi đây vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở. Tập thể giáo viên của huyện đã nỗ lực cố gắng nhưng công tác phổ cập giáo dục gặp trở ngại chính bởi điều kiện kinh tế còn quá khó khăn của đông đảo đồng bào nơi đây”.

Lý giải cho điều này là một thực tế tại Mù Cang Chải khi nhiều địa bàn xã của huyện đường sá đi lại còn chưa có. Đơn cử như trường hợp xã Chế Tạo. Nằm cách trung tâm huyện 35km nhưng có những bản nằm cách UBND xã tới gần 20 km. Đường đi vào cực kỳ khó khăn do chưa được bê tông hóa và phần nhiều giáo viên dạy tại đây đều phải cắm bản (dạy tại bản) cho các em học sinh. Nhiều lần vào thăm các lớp học ở đây, các giáo viên phải chủ động đi vào từ hôm trước hoặc đi từ sớm mới có mặt đúng điểm trường vào giờ lên lớp.

Xã Púng Luông, một trong những địa bàn khác của huyện cũng là một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn nhưng công tác giáo dục trong vài năm trở lại đây đã thu được nhiều kết quả tốt. Cô Phạm Thị Lân (Hiệu trưởng trường Tiểu học Púng Luông) trao đổi: “Trong vài năm qua, trường ít có học sinh bỏ học và các em lên lớp tương đối đều. Trường có hơn 400 em học sinh và gần 30 giáo viên, nhân viên cùng với 7 điểm trường.

Để có được kết quả thuận lợi như vậy, bản thân chúng tôi đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhằm tạo mọi điều kiện cho các em đến trường”. Theo cô Lan, ngoài trở ngại về điều kiện kinh tế thì phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt cũng là những tác nhân chính khiến các em bỏ học và không theo được các bạn đến hết chương trình. Nhiều gia đình cũng không quan tâm tới việc học hành của các em. Khi thiếu lao động trong nhà, các em thường nghỉ học để lao động sản xuất, phụ giúp thêm bố mẹ đi nương.

Chúng tôi hỏi chuyện Thào A Tủa (học sinh lớp 6 trường THCS Lê Văn Tám, xã Púng Luông) được biết, nhà Tủa có 6 anh em nhưng chỉ có duy nhất mình em đi học. Do nhà cách xa điểm trường tới 30km nên em ở trọ một nhà người quen gần đó cùng khoảng chục bạn khác. Hàng ngày, Tủa dạy từ sớm tập thể dục cùng các bạn và lên lớp.

Bữa trưa của Tủa “giản dị” đến mức chỉ có cơm trắng, nước trắng và một ít muối. Em bảo ăn như thế quen rồi. Có hôm nào “cải thiện” của cậu học sinh người H’mông này là một ít rau và một vài con cá mương ở suối do cậu tự đi bắt. Khó khăn là vậy nhưng Tủa cùng các bạn trọ học rất thích đọc sách văn học, cậu thích học tiếng anh và bảo với chúng tôi: “Học Toán khó lắm anh ạ. Học đọc còn dễ hơn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sách giáo khoa và tài liệu đọc thêm cho các em như báo chí, tranh truyện thiếu nhi rất thiếu thốn. Điểm trường tiểu học Púng Luông có thư viện nhưng chỉ có vài chục đầu truyện đã quá cũ, báo dành cho thiếu nhi lại dừng ở mức khiêm tốn khiến các em rất thích đọc song số lượng hạn chế.

Cũng theo Hiệu trưởng Lân, hàng năm trường được phát khoảng mấy chục đầu sách giáo khoa, phần nhiều là sách cũ nên không thể nào đủ hết cho các em. Cuối năm, số sách này thường được thu lại để dành cho năm sau. Cô Duyên (Tổng phụ trách đội của trường) chia sẻ: “Vào mùa đông mới thấy thương học trò anh ạ. Nhiều học sinh vượt hàng chục km đến trường mà ăn mặc chỉ có mỗi manh áo mỏng. Nhìn học sinh ngồi co ro mà nhiều giáo viên ứa nước mắt thương các em. Thi thoảng, giáo viên chúng em cũng tích cực quyên góp quần áo cũ, chăn màn và cả sách vở cho các em nhưng vẫn không tài nào đủ được”.

Tận tâm với nghề

Kể về những năm tháng gian nan với công tác gieo chữ ở vùng cao, cô Lân nhớ lại: “Những năm 90 mới lên công tác tại Mù Cang Chải, tôi đã rất lo lắng vì chưa hình dung được địa bàn mình công tác ra sao. Thấy vẫn còn may mắn vì nhiều bạn bè tôi phân công về Lai Châu nên tôi cũng động viên mình vượt qua khó khăn ban đầu. Cũng đã khóc vì nhớ nhà, vì khổ cực nhưng sau thì quen và lâu dần thấy công việc của mình là như vậy, nếu không hoàn thành thì có lỗi với bản thân”.

Dừng một lát, cô tiếp: “Đã có lúc đi bộ hàng chục cây số, vượt qua những triền dốc thẳng đứng mà đi có một mình. Khi lên tới điểm trường để dạy, có hai cô giáo nữa cũng ở đấy. Gặp nhau mà mừng mừng tủi tủi vì đã lâu hai cô mới gặp được đồng nghiệp chứ ở bản làng heo hút như thế, có ai lui tới bao giờ đâu. Ấy vậy mà ngày ấy chúng tôi vẫn động viên nhau trong công việc và cho đến giờ vẫn là những trang kỉ niệm khó quên của nghiệp “gõ đầu trẻ”.

Chúng tôi tìm nhà của cô Dương Thị Hợp tại bản Ngã Ba Kim không mấy khó khăn bởi nhắc đến cô hầu như tập thể giáo viên và nhiều người lên xây dựng vùng kinh tế mới ở đây ai cũng biết.

Gắn bó với nghề giáo hơn 30 năm cũng là từng ấy năm cô gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi. Giờ đây, khi đã là mẹ của ba người con gái (cũng là ba giáo viên), cô tâm sự trong nỗi bâng khâng về một thời để nhớ mãi: “Ngày mới lên công tác những năm 1982, rừng núi lúc ấy còn hoang sơ và đếm được người Kinh mình ở đây. Kinh tế hồi ấy cũng khó khăn hơn bây giờ và điều kiện kinh tế của đồng bào những năm đó còn khó khăn hơn rất nhiều. Nếu ai vào nhà tôi hồi ấy đều thắc mắc hỏi tại sao có một đống gậy để ở góc nhà. Chả là, tôi cùng nhiều giáo viên đều phải đến từng bản, từng nhà đồng bào H’mông ở đây vận động bà con cho con em họ đến trường. Không có gậy đi đường rừng núi, để phòng thân và cả như “người bạn đường” trên hành trình suốt bao năm ấy, chắc chúng tôi không có được thành quả các em ý thức học tập và đến trường nhiều như hôm nay”.

Nói đến đây, cô cười và giới thiệu với chúng tôi nhiều mô hình dạy học của giáo viên khá hiệu quả. Điều đặc biệt mà giáo viên dạy học ở đây là ai cũng biết tiếng H’mông nên quá trình chuyển ngữ cho các em có điều kiện tốt hơn để các em nắm bắt tri thức.

Mù Cang Chải nắng lên vàng rực trên những triền đồi và váy xòe của những cô thiếu nữ cùng tiếng khèn quen thuộc của một chàng trai bên đầu dốc khiến chúng tôi lâng lâng về miền Tây bắc nhiều dư vị. Chào từ biệt các thày cô trường Púng Luông ra về, chúng tôi hiểu rằng, phải cố gắng rất nhiều và phải có sự chung tay của rất nhiều người nữa để giáo dục miền núi sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành tựu hơn trong tương lai.

Kỳ Anh

Đọc thêm