Gian nan người khiếm thị trên giảng đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 900.000 người khiếm thị, chiếm 1,2% dân số cả nước, trong đó có khoảng hơn 600.000 người thị lực hỏng hoàn toàn. Họ là những người bị hạn chế về thị giác - cơ quan được đánh giá là tiếp nhận đến trên 80% thông tin về một đối tượng.
 Cần có giải pháp để giúp người khiếm thị đến gần hơn với giáo dục.
Cần có giải pháp để giúp người khiếm thị đến gần hơn với giáo dục.

Hiện nay, để người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng hòa nhập với cộng đồng, một số công ty mong muốn tuyển dụng họ làm việc. Nhưng nhiều người không đáp ứng được về chuyên môn, trình độ. Một phần do họ gặp nhiều vấn đề bất cập trong việc tiếp cận giáo dục và tư liệu học tập.

Vào đại học giống như “chơi sổ xố”

Chị Khương Thị Bích Hằng (26 tuổi) – người khiếm thị, đồng thời là một trong năm mươi hai đại biểu tham dự Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật Việt Nam hòa nhập cộng đồng” năm 2022 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: “Các trường đại học ở Việt Nam chỉ có chính sách tuyển thẳng đối với những người khuyết tật đặc biệt nặng, còn với những người khuyết tật nặng và nhẹ thì chưa có”.

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 3 Mục I Phần 1 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2170/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn về mức độ khuyết tật. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Trong khi đó, rất nhiều người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng chỉ dừng ở mức khuyết tật nặng chứ không phải đặc biệt nặng theo như quy định của Nhà nước. Họ là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. Người khuyết tật được miễn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng để được xét tuyển vào đại học thì họ vẫn phải tham gia một số bài thi riêng, tuy nhiên, những hình thức thi này vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với tất cả các đối tượng. Điều này gây khó khăn cho nhiều người khiếm thị mong muốn được học lên đại học.

Người khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục. (Hình ảnh anh Hào, chị Mỹ Linh)

Người khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục. (Hình ảnh anh Hào, chị Mỹ Linh)

Những người khuyết tật giống như người khiếm thị chủ yếu sẽ dùng kết quả học tập (xét học bạ) để vào các trường đại học trên cả nước. Nhưng họ không có nhiều lựa chọn như các sinh viên khác. Chị Khương Thị Bích Hằng nói: “Vì nhiều người khiếm thị không nằm trong đối tượng là người khuyết tật nặng, nên không được tuyển thẳng. Việc được nhận hay từ chối, chủ yếu do các trường có muốn giang tay đón nhận chúng tôi hay không. Việc học đại học giống như đánh sổ xố, phụ thuộc may mắn”. Không phải tất cả các trường đại học đều nhận người khiếm thị, vì những sinh viên này gặp nhiều khó khăn hơn so với người bình thường. Họ phải dùng chữ nổi để đọc và làm bài thi trên lớp. Cho nên, rất nhiều trường còn ái ngại đối với những sinh viên khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.

Khó tiếp cận với tư liệu học tập

Việc tiếp cận với tư liệu học tập trong nhà trường là một vấn đề được hai đại biểu là chị Nguyễn Mỹ Linh (cựu sinh viên Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) - người khiếm thị bẩm sinh và anh Hào (cựu sinh viên ngành Công tác xã hội - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đặt ra trong buổi Tọa đàm. Chị Mỹ Linh cho biết: “Người khuyết tật cần có những hình thức tiếp cận giáo dục khác so với sinh viên không khuyết tật. Họ thường sử dụng hầu hết các thao tác trên máy tính để đọc sách, giáo trình, làm bài thi và trả bài cho giảng viên”. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có thư viện hoặc các tài liệu dành riêng cho người khiếm thị. Mặc dù có một số phần mềm trên máy tính, điện thoại hỗ trợ người khiếm thị chuyển đổi file word, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập.

Theo khoản 3 Điều 27 Luật Người khuyết tật Việt Nam thông qua ngày 17/06/2010 quy định “người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia”. Song trên thực tế, không thể phủ nhận một điều rằng việc tiếp cận các tri thức thông qua tài liệu hiện tại đối với người khiếm thị là một khó khăn lớn, đặc biệt ở trong các trường đại học ở Việt Nam. Các tài liệu như sách giáo khoa, giáo trình và một số tài liệu khác dưới định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận được là không nhiều. Nhất là đối với người khiếm thị học ở bậc cao đẳng, đại học khi học đến các môn chuyên ngành điều đó lại càng khó khăn hơn nữa.

Người khiếm thị học ở bậc cao đẳng, đại học khi học đến các môn chuyên ngành điều đó lại càng khó khăn để tiếp cận tài liệu.

Người khiếm thị học ở bậc cao đẳng, đại học khi học đến các môn chuyên ngành điều đó lại càng khó khăn để tiếp cận tài liệu.

Anh Hào cho biết, hiện nay các trường đại học Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên khuyết tật về dụng cụ học tập. Cho nên, khi xác định vào đại học, người khiếm thị như anh Hào chuẩn bị tâm lý phải nỗ lực để theo được chương trình học tập như các sinh viên khác. Với người khiếm thị, khó khăn nhất là các tài liệu trên trường đều bằng bản giấy hoặc định dạng file khiến họ khó tiếp cận. Nếu như chữ in trên giấy thì họ không đọc được. Còn việc xin các file mềm trên máy tính thường gặp nhiều bất lợi. Ví dụ như nếu ở định dạng PDF hoặc PNG (dạng ảnh) thì những phần mềm hỗ trợ người khuyết tật không thể chuyển đổi sang văn bản chữ Braille. Còn nếu như ở file word, họ dễ gặp vấn đề vi phạm bản quyền. Cho nên, các sinh viên khiếm thị như anh Hào gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư liệu học tập.

Ngoài ra, những giáo trình lâu năm thường được in trên giấy hoặc định dạng bản PDF trên máy tính cũng gây khó cho người khiếm thị. Nếu muốn đọc được, họ phải nhờ người khác đánh máy để chuyển thành file word, sau đó có thể phóng to mặt hình hoặc chuyển đổi qua chữ Braille để sử dụng. Việc tiếp cận tư liệu của nước ngoài cũng không hề dễ dàng, chị Hằng cho biết: “Thứ nhất, để muốn tiếp cận nguồn tư liệu nước ngoài dành cho người khuyết tật, cần có tài khoản. Thứ hai, chương trình học của nước ngoài khác với Việt Nam, nên giả dụ có đọc được thì cũng không hữu dụng”. Cho nên, có rất nhiều giáo trình, tư liệu để tham khảo, bổ trợ cho việc học tập của sinh viên, học sinh, nhưng người khiếm thị rất khó để đọc được.

Theo Tổng điều tra dân số, Việt Nam có khoảng 1 triệu người khiếm thị. Đặc biệt, nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ biết chữ của người mù là 38,5%, tỷ lệ việc làm của người mù là dưới 21%. Có thể thấy, hiện số lượng người mù biết chữ đang chiếm tỷ lệ rất thấp, trong khi đó, cơ hội tiếp cận tri thức là quyền cơ bản của mỗi người được pháp luật ghi nhận.

Tình trạng “đói” sách của người khuyết tật đang xảy ra phổ biến và trầm trọng. Cụ thể: Nguồn tài liệu theo định dạng dễ tiếp cận còn thiếu và không hệ thống; số lượng sách giáo khoa tiểu học bằng chữ Braille mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn số lượng các sách THCS, THPT ít hơn rất nhiều. Ở cấp đại học, sinh viên gần như không có tài liệu học tập theo định dạng dễ tiếp cận; nhiều địa phương vẫn còn tình trạng học sinh mù, khiếm thị không có sách giáo khoa chữ nổi để học… Tỷ lệ các tài liệu khác được chuyển đổi còn rất nhỏ so với kho tàng các tác phẩm đã công bố.

Đọc thêm