Trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là hiện đại hóa nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông luôn là yêu cầu cấp thiết.
Có lẽ từ trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 26/NQ-TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ngày 5/8/2008; trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong Quyết định 491/QÐ-TTg ngày 16/4/2009; thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tại nhiều nơi đã xuất phát những điểm sáng hiến đất làm đường.
Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đã được huy động và ưu tiên từ nhiều nguồn khác nhau, từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương, vốn ODA; từ huy động người dân, doanh nghiệp khai thác quỹ đất; vận động nhân dân hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ; nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức; sử dụng tư vấn giám sát cộng đồng…
Có thể nói chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường là chủ trương rất đúng đắn, rất ý nghĩa. Như tại TP HCM, theo một báo cáo, hơn 20 năm qua, người dân đã hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, giá trị hơn 10.000 tỷ đồng mở rộng hàng nghìn tuyến hẻm, giúp thuận tiện đi lại.
Cụ thể, trong chương trình này, hơn 168.000 hộ dân đã hiến đất, cho khoảng 5.200 công trình mở rộng đường, hẻm và 119 dự án khác ở khắp thành phố. Người dân còn đóng góp khoảng 458 tỷ đồng góp phần mở rộng hẻm. Hẻm được mở rộng ngoài giúp đi lại thuận tiện còn nâng cao đời sống nguời dân, hạn chế ngập, giúp xe cứu thương, chữa cháy vào sâu khi có người bệnh, sự cố hỏa hoạn. Hẻm thông thoáng, khang trang khiến giá đất tăng cao so với trước.
Thế nhưng rất đau xót khi gần đây đã xảy ra tình trạng một số đối tượng tại một số địa phương lợi dụng chủ trương tốt đẹp này, thâu tóm một diện tích lớn từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp, sau đó xin “hiến đất” làm đường giao thông trong khu đất này.
Sau khi được tự làm đường giao thông, các đối tượng có cớ để xin chuyển đổi đất trong khu vực lên thổ cư, trục lợi đầy túi tham, phá nát quy hoạch khu vực, tạo ra tình trạng bát nháo, lệch lạc trong thị trường bất động sản…
Bài học hàng loạt “dự án ma” mọc lên tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) với chiêu trò nêu trên là một ví dụ cay đắng.
“Căn bệnh” trên hiện đã lan tới Bình Định. Trong cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, ngày 13/7 vừa qua, một lãnh đạo tỉnh lưu ý, hiện một số địa phương, nhất là tại huyện Phù Mỹ, có hiện tượng một số người dân hiến đất làm đường, sau đó để phân lô bán nền canh tác, “trục lợi chính sách”.
Cũng phải sòng phẳng đặt câu hỏi, xảy ra vấn nạn nêu trên, là do các đối tượng vi phạm “lách luật” quá cao tay, hay còn do cán bộ thẩm quyền địa phương “mắt nhắm, mắt mở”?
Tại Bảo Lộc, hàng loạt cán bộ đã bị đình chỉ để xử lý. Phải khẳng định rằng nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ thẩm quyền, thì các chủ đất nông nghiệp không thể dễ dàng “hô biến” những cánh đồng, những đồi chè thành các “dự án ma”. Theo quy định pháp luật, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở không phải cứ muốn là được, mà còn phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đảm bảo các điều kiện tách thửa rất chặt chẽ, rõ ràng…
Vấn nạn gian thương lợi dụng chính sách “hiến đất làm đường” cần được các địa phương hết sức cảnh giác, đặc biệt là với những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… nơi đất đai có giá trị cao. Công an các địa phương thậm chí cần khởi tố các đối tượng để điều tra hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất và vi phạm quy định về quản lý đất; để xử lý nghiêm các đối tượng dám nhiễu nhương làm ảnh hưởng một chủ trương đúng đắn tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.