“Giáo án” đặc biệt ở ngôi trường dành cho học sinh thiếu may mắn

(PLO) -Một giáo viên tâm sự: “Với tôi, giáo án để dạy các em chính là sự kiên trì, đồng cảm hòa vào tình thương để mỗi tiết học của các em là một giờ vui chơi, thêm nhiều kĩ năng sống để các em được thoải mái, xóa đi những mặc cảm”. 
Cô và trò cùng nỗ lực
Cô và trò cùng nỗ lực

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Trung tâm bảo trợ và Công tác xã hội đã nhận nuôi, dạy học cho hàng trăm em có điều kiện khó khăn, mồ côi, khuyết tật bẩm sinh.

Trong năm 2016, Trung tâm đã mở 6 lớp chuyên biệt cho 80 học sinh đều là người khuyết tật. Còn hơn 90 em mồ côi, dân tộc thiểu số thì được tạo điều kiện ăn ở, phương tiện đưa đón, cho các em theo học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. 

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tiền thân là trường nuôi dạy con em liệt sĩ được thành lập năm 1975, đến năm 1989 đổi tên để mở rộng, tạo điều kiện giúp những hoàn cảnh khó khăn, đưa những số phận kém may mắn được về với mái nhà chung, mang đến niềm vui, hạnh phúc và tương lai cho mỗi cuộc đời.

Ngôi trường đặc biệt 

Chúng tôi đến thăm ngôi trường vào thời điểm các cô giáo và học sinh đang chuẩn bị cho tiết học đầu tiên trong ngày. Tất cả mọi việc từ ngồi ngay ngắn vào vị trí, xếp sách vở, đồ dùng học tập lên bàn đến từng nét chữ, dáng ngồi đều được các cô giáo tận tình giúp đỡ. Với đội ngũ giáo viên không chuyên đứng lớp bằng tinh thần trách nhiệm xuất phát từ tình yêu thương, những đứa trẻ kém may mắn đã lớn lên từng ngày và trở thành người có ích cho xã hội. 

Cô Trịnh Thị Quyên, hiện đang là giáo viên phụ trách lớp 1E của trung tâm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã gắn bó với các em, với ngôi trường này được gần 10 năm. Cô Quyên tâm sự: “Lớp tôi có 10 học sinh, tuy nhiên các em khi sinh ra đã không được may mắn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, có em không thể nói, có em chẳng thể nghe, nhìn…

Vậy nên ngoài những con chữ, kiến thức trên lớp học tôi luôn dành thời gian để quan tâm đến suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của các em để mong phần nào bù đắp lại những tình cảm mà các em đã không được hưởng trọn vẹn ngay từ khi sinh ra”. 

Đa phần các em tại trung tâm đều là người dân tộc thiểu số, có những em bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra, có những em bị bỏ rơi khi đã nhận thức được sự việc nên việc giúp các em hòa nhập với bạn bè, xã hội lại càng khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, trung tâm đã tìm rất nhiều giải pháp khác nhau để tạo cho các em tinh thần vui vẻ, thoải mái để tiếp thu bài vở một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, phương pháp dạy chữ nổi, nghe và giảng về tâm lý, những trò chơi đi kèm bài học liên quan đến tư duy cũng được các giáo viên và trung tâm áp dụng vào dạy. 

Cô Quyên chia sẻ: “Đôi khi tôi cũng rất buồn vì có những em đã học 5, 6 năm nhưng vẫn chưa biết gì. Tuy nhiên niềm động viên lớn nhất của tôi chính là sự kiên trì, không ngừng cố gắng của các em học sinh, có những em chỉ mới học 2 năm đã biết đọc, biết viết, nhận rõ ràng mặt những con chữ”. Dạy 1 em ở trung tâm có thể khó khăn bằng dạy 10 em học sinh bình thường khác, không chỉ bằng trình độ, mà bằng cả tâm huyết của giáo viên.

Ngoài việc dạy học, các giáo viên trực tiếp đứng lớp ở trung tâm còn phải… học từ các em ngôn ngữ của người đồng bào, ngôn ngữ hình thể, cách giao tiếp, trò chuyện đặc biệt để có thể hiểu rõ về những điều mà các em đang mong muốn. 

Cô Đỗ Thị Thanh Long, một giáo viên tâm sự: “Khi mới bắt đầu công việc dạy học tại trung tâm, mọi thứ đều rất khó khăn. Những kiến thức sư phạm tôi học được từ trên giảng đường dường như không thể áp dụng vào việc dạy. Một tiết dạy phát âm cho các em có khi kéo dài cả buổi, thậm chí là vài ngày để các em có thể phát âm chính xác hoặc tương đối chính xác.

Ban đầu tôi cũng rất nản và có những khi muốn bỏ cuộc, nhưng lâu dần, tình cảm trong tôi với các em học sinh ngày càng nhiều lên theo thời gian. Tôi đã bắt đầu quen dần với công việc của mình. Với tôi, giáo án để dạy các em chính là sự kiên trì, đồng cảm hòa vào tình thương để mỗi tiết học của các em là một giờ vui chơi, thêm nhiều kĩ năng sống để các em được thoải mái, xóa đi những mặc cảm”. 

Những học sinh giúp đỡ nhau cùng cố gắng
Những học sinh giúp đỡ nhau cùng cố gắng

Không phụ công thầy cô

Dù những đứa trẻ nơi đây thiệt thòi, không may mắn được bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng các em luôn cố gắng, nỗ lực. Vào thăm lớp học chuyên dạy các em khuyết tật, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về sự cố gắng của các em, chăm chỉ tập trung vào bài học. 

Khi được hỏi về ước mơ sau này, em Hơ Danh Hơ Đớc (15 tuổi, người dân tộc Êđê hiện đang học lớp 5 và phục hồi chức năng, điều trị tâm lý) hào hứng: “Em sẽ học thật tốt để sau này trở thành thầy giáo và trở về trung tâm để dạy học cho các em nhỏ như em bây giờ”. 

Đớc chia sẻ khi em lên 9 tuổi, bố mẹ bỏ rơi vì em bị thiểu năng trí tuệ, em phải lang thang khắp nơi trong làng, ai cho gì thì ăn nấy, tối ngủ ở các góc chợ, góc đường. Nhưng từ khi được vào sống trong trung tâm, em không còn phải lo cái ăn chỗ ở, lại còn được học cái chữ, được vui chơi, được các cô giáo tận tình quan tâm, chăm sóc.  

Em A Jun (16 tuổi, dân tộc Bana hiện đang là học sinh lớp 4 tại trung tâm) thì lại mắc chứng câm điếc, được gia đình quan tâm và đưa vào trung tâm để tham gia học tập cùng các bạn. Em có một niềm đam mê đặc biệt với những nét vẽ, những cây bút chì màu.

Ngoài giờ học chữ, Jun thường xin cô giáo giấy, bút chì, thỏa sức sáng tạo và đam mê của mình trong từng bức tranh được các cô giáo treo trên tường làm mẫu. “Sau này em sẽ trở thành một họa sĩ, em sẽ về trung tâm để vẽ và trang trí cho lớp học, trường học thêm phần đẹp hơn nữa” A Jun chia sẻ.

Tình thương của trung tâm cộng thêm sự cố gắng của các em học sinh chính là động lực to lớn để hiện thực hóa những ước mơ. Năm 2016 em A Thi (người dân tộc Banar) đã thi đậu ngành Sư phạm tiểu học trường Đại học Quy Nhơn với số điểm cao. Ngoài ra còn phải kể đến em A Đông (Người dân tộc Banar) cũng đã thi đậu một trường Cao đẳng ở TP HCM.

Hiện mọi chi phí ăn học của các em đều được Trung tâm trợ cấp hàng tháng. Chưa kể một số em học sinh của trung tâm theo học tại các trường THPT, THCS trên địa bàn cũng đã tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, mang về nhiều bằng khen.

Có rất nhiều người từng là học sinh của trung tâm hiện tại đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các địa phương trên địa bàn các huyện và tỉnh Kontum. Một số người đã quay về để giúp trung tâm dạy và hỗ trợ các em học sinh đặc biệt sau khi hoàn thành xong chương trình học Cao đẳng, Đại học... 

Ông Nguyễn Văn Diệt, một cựu học sinh của trung tâm chia sẻ: “Khi bố mẹ tôi hy sinh ngoài chiến trường, tôi được trung tâm nhận về và nuôi dạy khôn lớn, với tôi trung tâm chính là nhà, các cô giáo nơi đây chính là mẹ. Sau khi học phổ thông xong tôi được trung tâm hỗ trợ cho ra TP HCM để học nghề. Ra nghề, tôi đã quyết định về trường để dành cả đời mình lo cho các em khuyết tật như những thầy cô trước đây đã chăm lo cho tôi”.

Ông Lâm Quốc Hùng (Phó Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội) cho biết: “Ban đầu Trung tâm thành lập với nhiệm vụ là chăm sóc những người già neo đơn, con em các liệt sĩ có công với cách mạng, sau này trung tâm nhận thêm những trẻ em mồ côi và khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh việc mở lớp học tại trung tâm, mời giáo viên về dạy cho các em học sinh khuyết tật, chúng tôi còn phối hợp với các trường tiểu học, trung học trên địa bàn để cho các em học sinh bình thường khác được học như bao học sinh khác.

Ngoài ra, trung tâm còn bố trí xe đưa đón các em học sinh đi học tại các trường trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn và giúp các em yên tâm hơn để học hành”.

Đến với trung tâm, các em học sinh không chỉ được học hành, vui chơi, mà còn được chú ý chăm lo về đời sống tinh thần. Những ngày cuối năm, công tác trang hoàng phòng học, phòng ở chuẩn bị đón tết được các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Người lớn làm việc lớn, các em nhỏ phụ giúp làm việc nhỏ, tất cả đều chung tay chuẩn bị đón một năm mới đang về trong tình yêu thương từ bạn bè, từ các cán bộ, giáo viên.

Đọc thêm