![]() |
Ảnh minh họa |
Chủ trương này không chỉ góp phần hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý nhà nước mà còn nâng cao hiệu quả thi hành án hình sự tại cộng đồng, phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, công an xã đã trở thành lực lượng chính quy, nắm vai trò trung tâm trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Việc trực tiếp quản lý người chấp hành án treo tại cộng đồng sẽ phát huy thế mạnh của công an xã: nắm chắc tình hình nhân khẩu, hộ khẩu, nhân thân từng cá nhân; hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện sinh sống của đối tượng quản lý; đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, giúp đỡ người chấp hành án tiến bộ, tái hòa nhập xã hội.
Trên thực tế, nhiều mô hình quản lý người thi hành án treo tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng. Việc phối hợp giữa công an xã, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể và gia đình đã giúp quản lý chặt chẽ, hỗ trợ thiết thực cho người chấp hành án, hạn chế nguy cơ tái phạm. Nhiều trường hợp sau thời gian chấp hành án treo đã hoàn toàn cải tạo tốt, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cũng cho thấy những tồn tại cần khắc phục. Ở không ít địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, công an xã còn thiếu nhân lực, kinh nghiệm trong công tác thi hành án hình sự; điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số nơi công tác phối hợp giữa công an xã với cơ quan tư pháp cấp trên còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả giám sát, giáo dục người chấp hành án chưa cao. Trong bối cảnh thực hiện chính quyền hai cấp, khi cấp huyện không còn là cấp chính quyền độc lập, yêu cầu đối với công an xã lại càng đặt ra cao hơn, đòi hỏi sự chủ động, chuyên nghiệp, bài bản.
Từ những yêu cầu thực tiễn đó, việc giao công an xã quản lý người chấp hành án treo là sự lựa chọn hợp lý, nhưng cần đi kèm các giải pháp đồng bộ để bảo đảm triển khai hiệu quả. Trước hết, cần tăng cường đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ thi hành án hình sự cho lực lượng công an xã, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng giám sát, hỗ trợ người chấp hành án. Song song với đó, cần ban hành quy trình, hướng dẫn chi tiết về công tác quản lý người bị án treo ở xã, phường, thị trấn, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau.
Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác cho công an xã, đồng thời bổ sung biên chế, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng khó khăn. Công tác phối hợp giữa công an xã với UBND xã, các đoàn thể, tổ chức xã hội cần được đẩy mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở vào công tác giáo dục, hỗ trợ người chấp hành án.
Về mặt pháp lý, chủ trương này phù hợp với định hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy Nhà nước theo mô hình chính quyền hai cấp. Công an xã, với tư cách là bộ máy hành chính cấp cơ sở, dưới sự lãnh đạo thống nhất của công an cấp tỉnh, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ quản lý người thi hành án treo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng thi hành án hình sự không giam giữ được khuyến khích nhằm giảm tải cho hệ thống nhà giam, tiết kiệm chi phí xã hội và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, việc quản lý chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả người chấp hành án tại cộng đồng càng trở nên quan trọng. Công an xã, với ưu thế gần dân, sát dân, am hiểu địa bàn, chính là lực lượng thích hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này một cách chủ động và hiệu quả.
Tóm lại, giao công an xã quản lý người bị phạt án tù treo là chủ trương cần thiết, kịp thời, phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại và bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nếu được triển khai đồng bộ, bài bản với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tổ chức, nhân sự, cơ chế hoạt động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tin tưởng rằng chủ trương này sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở, xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn và phát triển bền vững.