Giao địa phương cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao

(PLVN) - Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm, cơ chế giải quyết những dự án trước; đồng thời mạnh dạn giao địa phương có cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng để dự án có thể bảo đảm tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. (Ảnh: Phạm Thắng)

Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án khoảng 67,34 tỷ USD

Ngày 13/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem video clip về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về phạm vi đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, TP; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Về quy mô đầu tư của Dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Báo cáo sơ bộ về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công Dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công. Có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, UBKT thống nhất với sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, UBKT cho rằng, Dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, UBKT đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Về nguồn vốn cho Dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án, Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó UBKT đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Về cơ bản các cơ chế, chính sách đề xuất là cần thiết, trong đó một số cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thời gian qua, nhưng đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các cơ chế, chính sách…

Có giải pháp tránh những rủi ro về kéo dài thời gian, đội vốn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Lạng Sơn, có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) nhận thấy, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn phải ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác như y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội, việc bố trí nguồn lực cho một dự án đồ sộ như đường sắt tốc độ cao sẽ đòi hỏi sự đánh đổi và sắp xếp lại nhiều hạng mục đầu tư quan trọng khác.

Đồng thời, Dự án không chỉ là vấn đề xây dựng hạ tầng mà còn kéo theo chi phí vận hành và bảo trì lâu dài. Dự kiến mỗi năm sau khi đi vào hoạt động, chi phí bảo trì sẽ vượt mức 1 tỷ USD (tương đương hơn 25.000 tỷ đồng). Điều này đặt ra bài toán về nguồn vốn và phương thức tài chính bền vững để duy trì hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả sau khi hoàn thành.

“Mỗi quyết định liên quan đến dự án này cần được tính toán một cách cẩn trọng, bảo đảm sự đồng thuận từ nhiều phía và phù hợp với sức chịu đựng tài chính quốc gia. Đầu tư lớn có thể mang lại lợi ích vượt bậc, nhưng nếu không có một kế hoạch phân kỳ đầu tư chặt chẽ và khả thi, cùng với phương án thu hồi vốn minh bạch, hiệu quả, thì nguy cơ lãng phí nguồn lực và gia tăng nợ công sẽ rất cao”, Đại biểu Nguyễn Như So lưu ý, đồng thời đề nghị thời gian hoàn vốn và tiến độ hoàn thành Dự án cũng cần phải tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Trong đó, Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới những hạn chế ở các dự án trước, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để tránh tình trạng tương tự. Chỉ khi đảm bảo được tính toán chi tiết và sự sẵn sàng cao, dự án mới có thể tiến hành một cách bền vững, tránh những rủi ro về kéo dài thời gian và đội vốn đã thành “điểm nóng” của nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề xuất giao địa phương cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thực tiễn các dự án lớn từ trước đến nay cho thấy, những khó khăn làm chậm tiến độ thường liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng.

Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm, cơ chế giải quyết những dự án trước; đồng thời mạnh dạn giao địa phương có cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng để dự án có thể bảo đảm tiến độ đề ra.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) bổ sung, bên cạnh những tác động tích cực đến an sinh xã hội khi tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, Dự án cũng sẽ khiến nhiều lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do bị thu hồi đất. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá, bổ sung thêm chính sách đào tạo, chuyển đổi việc làm cho người dân ở những vùng bị giải tỏa. “Việc đào tạo nhân lực không chỉ tập trung cho giai đoạn triển khai xây dựng Dự án, mà cần tính đến nhân lực cho sau này khi đi vào vận hành”, Đại biểu nhấn mạnh.

Đọc thêm