Giao dịch ngầm
Bà Thắng, mẹ chị L. cho biết: Sau khi nhận được khoản tiền 5 triệu đồng, anh N. copy ảnh ra một USB, cung cấp ảnh liên quan đến cái chết của chị L. Khi đưa ảnh, anh N. dặn, phải tuyệt đối giữ kín “giao dịch” này.
Sau khi nhận số tiền 5 triệu đồng, vài tuần sau, anh N. liên tục gọi điện thoại đề nghị trả lại cho bà Thắng. Khi gia đình không chịu nhận lại số tiền, anh ta đã đến tận nhà bà Thắng, vứt bọc tiền trên giường rồi bỏ đi. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Đức Tùng - Phó trưởng Công an TP Phủ Lý cho hay: “Vụ việc về cái chết của chị Phạm Thị L. là do chị L. tự treo cổ chết chứ không liên quan gì đến anh H. (chồng chị L.- PV) cả.
Chúng tôi biết, trong tay bà Thắng có hình ảnh thuộc diện nội bộ, nhưng tôi không quan tâm do đâu mà bà Thắng có. Bởi vì khi tiến hành khám nghiệm tử thi thì nhiều thành phần tham gia lắm, làm sao mà biết ai cung cấp?”.
Theo lời ông Tùng, CA Phủ Lý đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì không phát hiện thấy dấu hiệu phạm tội.
Ông Tùng cho biết thêm: "Đại úy Phạm Minh N. - cán bộ Công an TP Phủ Lý, người đã cung cấp hình ảnh, thông tin cho gia đình bà Thắng đã nghỉ việc từ tháng 7/2013.
Lý do: Anh N. không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liền, sang đến năm thứ 3, nếu không xin ra khỏi ngành thì anh N. cũng bị sa thải, nên anh ấy chọn giải pháp xin xuất ngũ trước khi bị đuổi".
Trao đổi qua điện thoại, anh N. trình bầy: “Tôi không chịu được một số chuyện thì tôi tự xin ra chứ không ai có quyền đuổi tôi cả. Bây giờ tôi đã có việc làm mới, không muốn dính dáng đến những việc phức tạp nữa”.
Cơ quan pháp y nói gì?
Trao đổi với chúng tôi về sự việc, ông Tạ Ngọc Minh, Kỹ thuật viên của Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Hà Nam thông tin: “Đêm 18/1/2013, tôi được điều tra viên của Công an TP Phủ Lý gọi điện, nói đại ý là “mời” tôi đi khám nghiệm tử thi ở tận huyện Hải Hậu, Nam Định.
Điều tra viên này cho biết, nạn nhân chết vì treo cổ tự tử. Nhưng bằng kinh nghiệm 31 năm trong nghề, tôi nói ngay với anh Sơn (Phó Giám đốc Trung Tâm) là không phải treo cổ đâu.
Chúng tôi tiến hành khám nghiệm tử thi bình thường. Tôi nhắc anh Phạm Minh N. là cán bộ kỹ thuật hình sự của Công an Phủ Lý phải chụp ảnh thật kỹ".
Ông Minh cho biết thêm: “Ngày hôm sau chúng tôi đến hiện trường vụ treo cổ, quan sát bằng mắt thường, tôi thấy không có gì xáo trộn xung quanh vị trí treo cổ cả. Hơn nữa, đối với một người có sức nặng khoảng 60kg, nếu tự treo cổ, lúc giãy chết sẽ vùng vẫy lung tung, khiến mọi thứ xung quanh sẽ không còn được nguyên trạng, thậm chí rỉ sắt trên thanh sắt cũng phải bị bong tróc...
Anh N. có chụp rất kỹ những vẩy sắt, mạng nhện, còn bám nguyên vẹn trên thanh sắt mà anh H. khai là vợ anh treo cổ trên đó". |
Vậy nhưng, hầu như đồ vật xung quanh địa điểm chị L. thắt cổ không suy suyển gì. Tôi thấy anh N. có chụp rất kỹ những vẩy sắt, mạng nhện, còn bám nguyên vẹn trên thanh sắt mà anh H. khai là vợ anh treo cổ trên đó".
Theo lời ông Minh, anh H. khai, sau khi phát hiện vợ treo cổ, anh ta đã tự tháo vợ xuống, một mình vác vợ xuống cầu thang rộng chừng 60cm, rồi mới gọi cậu mình để đưa đi cấp cứu.
Lời khai này ông Minh cho rằng vô lý, bởi với sức nặng như chị L., sau khi tự vẫn, dây thắt cổ sẽ siết chặt, chỉ có thể cắt đứt dây để gỡ ra, làm sao anh H. có thể tự nâng vợ lên rồi lại tự tháo dây siết cổ?.
Ông Minh cho hay: Chị L. không chết vì nguyên nhân treo cổ tự vẫn. Trong tất cả các cuộc họp ông Minh đều nói như vậy, nhưng không ai để ý đến lời nói của ông.
Ông Minh thừa nhận: “Việc chúng tôi có kết luận giám định pháp y về nguyên nhân chết của chị L. là do "ngạt cơ học” là một kết luận an toàn. Thực ra, chết vì bị bóp cổ, siết cổ, bịt gối vào mặt, hay treo cổ… cũng đều là ngạt cơ học mà thôi.
Trách nhiệm chứng minh cái chết ấy như thế nào?. Dấu vết tại hiện trường và trên thân thể nạn nhân ra sao thuộc Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát… Chúng tôi chỉ xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân".
Tìm về nhà anh H., chỉ có mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Minh (SN 1969) tiếp chuyện. Bà Minh cho biết, khi L. còn sống, bà vô cùng thương quý và đối xử tốt với cô con dâu.
Cái chết của L. cũng khiến bà suy sụp. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về sự nghi ngờ của gia đình L., bà Minh cho biết, hôm xảy ra chuyện bà không có nhà, không chứng kiến sự việc.
“Tội ai làm, người đó chịu, nhưng cũng đừng đổ tội cho người vô tội”, lời bà Minh.
Bà Minh cũng cung cấp số điện thoại của anh H., nhưng PV gọi liên tục mà không ai nghe máy.