Đồng hồ điểm quá 17h, xe camion (xe quân sự mui trần để chở lính) của đoàn đến trước cổng nhà ông Cố vấn ở Phú Cam. Ấn tượng về giây phút gặp gỡ đầu tiên, cụ Vương đã đặc tả cho thấy tính cách sỗ sàng bộc trực pha chút thật thà của cậu Út Trầu; hoàn toàn tương phản với vai trò địa vị của ông Cố Vấn, đại diện chính phủ ở Trung phần.
“Xe ngừng cửa ngoài, có người vào báo. Ông Cẩn mở hé cửa hông ló đầu ra, liếc thấy chúng tôi độ 15 – 16 người, vội ập cửa lại, miệng la lớn: “Chu choa! Đi đâu mà đông rứa! Ai có đủ cho mà ăn?”.
Đoạn ông mời riêng ông viện trưởng bước vào sân trong. Hai người to nhỏ với nhau, rồi ông viện trưởng bước ra, dặn khéo chúng tôi hãy đi bách bộ giây lát để ông cố vấn có thì giờ xếp đặt cuộc tiếp kiến.
Lối nửa giờ sau, ông cố đích thân ra mời, và khi cho khách vào, không hiểu vì ý gì, ông không mở cửa cái và chỉ mở cửa hông và cho chúng tôi lách mình vào từng người một.
Trong khi chúng tôi đều mặc đại lễ đại phục, nơ, cà vạt đàng hoàng, chính tôi chật vật lắm mới mượn được một cà vẹt đen dư dùng của một giảng viên đồng nghiệp, trong khi ấy ông Cẩn mặc một bộ đồ lụa lèo, kiểu “xá xẩu” cắt may như kiểu áo bọn lính mật thám thời Pháp thuộc, chân mang đôi giày da láng đen kiểu đi ban (escarpin)”.
Được làm khách, được mời cơm ở nhà ông Cố là một đặc ân hiếm có, nhưng cụ Vương không vinh hạnh mà vẫn quan sát, phân tích ông Út Trầu bằng cái nhìn phán xét lạnh lùng:
“Ông đứng dương dương tự đắc chờ ông Cao Văn Luận giới thiệu từng người, rồi ông mới bắt tay chào. Nói thật, tôi lúc ấy chưa biết cái oai của ông cố vấn. Thuở nay vẫn tôi là tôi, tôi kiếm chuyện cũng không hề bợ đỡ ai. Tôi lại có cái tật lấc cấc, cứ tưởng người ta cũng như mình, tóm lại tuy có tuổi nhưng tôi vẫn làm như “ngựa con”.
Tuy năm 1958 ông Cẩn đã ở ngôi cố vấn của anh mình từ bốn năm nay, nhưng nói chí tình, ông chưa oách lắm như mấy năm sau nầy. Ông Cẩn vừa bắt tay mọi người, vừa nói chuyện không thôi với ông Cao Văn Luận”.
Mải lo quan sát, phán xét, cụ Vương quên hẳn chuyện chuẩn bị tư thế ứng xử với ông Cố vấn nên phát sinh tình huống bất ngờ. Cụ Vương kể: “Tôi mới là dại cho chớ. Đến phiên tôi chào, tôi vừa bắt tay ông Cẩn, miệng vừa dứt một câu chuyện với một sinh viên.
Tôi bước tới nắm tay ông và giật thật mạnh, bất ngờ tay áo của ông bật lên và lòi ra một chiếc vòng bằng vàng thật lớn lủng lẳng khuất trong tay áo, nên nãy giờ không ai thấy. Tôi giật mình và thầm tự trách mình đã quá trớn.
Cũng may ông Cẩn không nói gì, duy tôi còn nhớ tay ông mềm mại khác thường và no tròn như bàn tay một người đàn bà ăn không ngồi rồi, hoặc nói theo giọng thầy tướng, như bàn tay một người phúc hậu, giàu sang sung sướng mãn đời khỏi lo. Chiếc vòng ông đeo đang làm cho tôi lưỡng lự phân vân, thì ông đã buông tay tôi để bắt qua lay người kế tiếp.
Cùng một lúc tôi bước vô trong và cũng vừa lấy tay gãi mũi, thoạt nghe thoảng qua một mùi nước hoa lâng lâng nửa như trầm hương, nửa như nước hoa của bọn thầy phù thuỷ Xiêm (Thái Lan), Miên (Campuchia), hay Ấn Độ quen dùng. Lạ quá. Người gì đeo vàng như gái, lại xức dầu thơm”.
(Còn nữa)