Sáng 6/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).
Đẩy mạnh tự chủ đại học là mục tiêu chính
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã nhấn mạnh đến các nội dung lớn của dự án luật liên quan đến cơ sở GDĐH; mô hình tổ chức của đại học quốc gia, đại học vùng; tự chủ đại học…
Trong đó, về tự chủ đại học, kiến đại biểu đề nghị quy định toàn diện các nội dung, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của của từng cơ sở GDĐH.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số ý kiến băn khoăn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác trong trường đại học.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này. Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát; do đó, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế Hội đồng trường trong trường đại học là cần thiết.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng quyết định sang cơ chế Hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ Thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về Hội đồng trường; Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Điều này phù hợp với xu thế chung của GDĐH trên thế giới.
Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của Hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của Hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. |
Tháo được những nút thắt cho GDĐH
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) cho rằng dự luật đã giải quyết được những vấn đề cơ bản những bất cập, tháo được những nút thắt cho GDĐH.
Điều này thể hiện ở một số mặt: Thứ nhất, dự thảo đã hoàn thiện hành lang pháp lý về tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình với xã hội một cách minh bạch, điều này rất cần thiết với GDĐH. Và bổ sung những quy định về quản trị đại học, hội đồng trường là cơ quan quản trị co thực quyền.
Thứ hai là đổi mới cơ chế tài chính, tạo sự thông thoáng, hiệu quả và phù hợp, khắc phục được tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công và phát huy tính cạnh tranh trong cơ sở GDĐH, tăng chất lượng.
Thứ ba, dự thảo này đã bổ sung những quy định về đào tạo, như chương trình, hình thức, thời gian đào tạo theo hướng tiếp cận với các chuẩn đào tạo trong khu vực và trong hội nhập quốc tế. Rất phù hợp trong việc đáp ứng yêu cầu dịch chuyển lao động tự do.
Thứ tư, trong nội dung của Luật đã sửa đổi những quy định về đại học tư thục, nguồn gốc của chủ sở hữu vốn với tính chất hoạt động, trên cơ sở đó đưa ra mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị để phù hợp từng loại hình cơ sở GDĐH. Đây là vấn đề còn tồn tại và có nhiều lùm xùm trong thời gian gần đây. Trong dự thảo Luật đã có quy định rất cụ thể. Bên cạnh đó bổ sung những quy định cụ thể chính sách ưu tiên phát triển các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Cùng với đó, dự thảo bổ sung những quy định rõ ràng quản lý nhà nước cũng như về quản trị cơ sở GDĐH để đảm bảo mở rộng và phát huy quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Thứ sáu, dự thảo đã sửa đổi các quy định về cơ sở GDĐH, tạo cơ hội cho các trường tự lựa chọn các mô hình, phát triển một cách phù hợp.
Đối với quy định về cơ sở GDĐH hiện còn ý kiến khác nhau, Đại biểu Hùng cho rằng trên thế giới mô hình các cơ sở GDĐH cũng rất phong phú, đa dạng và cũng không phân định rạch ròi.
“Việc sửa đổi lần này đã hướng tới sự ổn định của hệ thống, vừa giữ được sự ổn định của hệ thống vừa mở ra cơ hội cho các trường đại học phát triển theo các mô hình khác nhau nhằm nâng cao chất lượng. Với các tiếp cận như vậy các trường đại học có thể phát triển là trường hạt nhân cũng có thể sát nhập với nhau thành phát triển thành đại học. Nói tóm lại, đây là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống GDĐH tĩnh, khép kín thành hệ thống GDĐH động và mở, tạo điều kiện linh hoạt cho hệ thống GDĐH, tự lựa chọn mô hình”, ĐB nói.
Nêu rõ Luật GDĐH Đại học là luật sửa đổi một số điều nhưng Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng Luật này đạt được giá trị rất lớn ở chỗ làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý đối với hệ thống GDĐH và các cơ sở GDĐH, tách bạch hoàn toàn quản lý hệ thống, tức là quản lý nhà nước thì được quy định rất rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu, các cơ quan quản lý đến đâu và trách nhiệm quản trị các cơ sở GDĐH được giao cho các trường như thế nào.
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
“Tôi cho rằng đây là thành công lớn nhất giúp cho quá trình tự chủ đại học. Nếu tự chủ tốt chắc chắn chúng ta sẽ phát triển được hệ thống đại học thực chất theo đúng năng lực, chất lượng, đánh giá của xã hội, chứ không phải phát triển hệ thống GDĐH như trước đây là dựa vào ngân sách nhà nước, cấp và nuôi dưỡng nó”, Đại biểu Cường nói và cho rằng, nếu kỳ họp này thông qua Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung sẽ giúp nhiều cho trường kịp thời chuyển đôi phương thức hoạt động và nâng cao năng lực của các trường.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) bày tỏ tâm đắc với việc chính sách về tự chủ đại học đã được xem xét cẩn thẩn, kỹ lưỡng trong dự thảo luật lần này. Trong đó, có các quy định về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… đã được quy định khá chi tiết, rõ ràng và tường minh.
Đại biểu Hồ Thanh Bình |
“Đây là những điểm tôi khá thích thú. Nếu dự thảo luật được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học phát triển và tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ đại học. Tuy nhiên cơ chế, chính sách đã tốt rồi, vấn đề còn lại là vận dụng, triển khai vào thực tiễn như thế nào. Mong rằng sẽ có sự đồng bộ từ chủ trương cho đến hiện thực”, Đại biểu Hồ Thanh Bình bày tỏ.
Chuyển từ cơ chế đầu tư sang đặt hàng
Đại biểu Bình cũng đánh giá cao một trong những điểm mới của dự thảo luật đó là: Nhà nước không “bao cấp” kinh phí hoạt động cho các trường, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu tư theo đặt hàng, đầu tư theo nhu cầu xã hội.
“Cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường đại học để có được nguồn đầu tư của nhà nước. Đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào “bao cấp” của Nhà nước”. Qua nghiên cứu, tôi được biết, trên thế giới có nhiều nước đang thực hiện theo phương thức này. Nhà nước cấp kinh phí, các trường phải cạnh tranh thông qua đấu thầu để có được nguồn tài chính đó. Theo đó, các trường sẽ phải chủ động xây dựng nguồn lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các trường khác”, Đại biểu cho hay.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với chính sách tự chủ đại học được đề xuất trong dự thảo Luật.
Đại biểu Vũ Trọng Kim |
Theo Đại biểu, đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở GDĐH. Chúng ta phải mở rộng thể chế quản lý hành chính và quản lý về mặt kinh tế, để các trường tự quyết định chiến lược phát triển của mình, từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên; quan điểm là: lấy sinh viên là trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường.
“Trên tinh thần ấy, bộ máy lãnh đạo nhà trường phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động nhưng không được chệch hướng và trái với quy định của Nhà nước. Khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, từng tập thể của nhà trường sẽ phải vận động, đổi mới sáng tạo để đào tào cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu của sản xuất, yêu cầu của công việc, đó mới là điều quan trọng”, Đại biểu nhận định.
Đại biểu Kim nhấn mạnh một trong những nội dung quan trọng của tự chủ đại học đó là, các trường phải tự chủ về tài chính. Đây là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện từ cơ sở.
“Đã đến lúc không nên tồn tại cơ chế “bao cấp” như hiện nay. Tất nhiên, tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ không còn đầu tư kinh phí nữa, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu thầu “đặt hàng”. Tức là để có được nguồn kinh phí của Nhà nước thì các trường phải cạnh tranh thực sự.
Như vậy, có thể nói cơ chế tự chủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các trường đại học đồng thời tạo ra điểm mới có tính đột phá trong tư duy, sáng tạo và hành động của ban lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo nhà trường có chiến lược tốt sẽ giúp nhà trường phát triển và sẽ thu hút đông đảo sinh viên giỏi vào trường. Còn sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay, được thị trường tiếp nhập và không phải đào tạo lại”, Đại biểu Kim nhận định.