Giáo dục hình ảnh Bác Hồ với thế hệ trẻ: Cần những trải nghiệm thực tế

(PLVN) - Đã là người Việt Nam, không ai có thể quên hình ảnh Bác Hồ bón cơm cho em nhỏ, Bác vui Tết Trung thu với các em thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị mà chan chứa yêu thương. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trước lúc đi xa, Bác không quên nhắn gửi: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.  Tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi Việt Nam. 

Có mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011)” nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2019), phóng viên đã tận mắt chứng kiến tình cảm của những đứa trẻ dành cho Bác thể hiện trên những đường màu tô các bức tranh mà các em tự in trên giấy dó từ bộ tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh phỏng theo một số bức tranh mẫu được lựa chọn. Đây là cuộc trải nghiệm tương tác thú vị giữa triển lãm và người xem mà Bảo tàng Hồ Chí Minh lần đầu tiên thực hiện. 

Cô giáo Tôn Thị Thúy Diệu – giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội cho biết đưa học sinh đến bảo tàng dự lễ khai mạc chia sẻ: “Thông qua hoạt động này tôi nghĩ học sinh sẽ gần gũi hơn với hình ảnh Bác Hồ, sẽ thêm hiểu biết về Bác Hồ cũng như là bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và biết ơn Bác và những người đem lại nền độc lập tự do của đất nước” – cô Diệu nói. Cũng theo cô Diệu: “Ngoài bài học trong lớp, trong chương trình thì học sinh khi học về Tổ quốc, nhân dân và Bác Hồ rất cần những trải nghiệm thực tế như thế này để được tiếp cận với nhiều kiến thức hơn”.

Tham gia buổi trải nghiệm tại bảo tàng, em Bùi Gia Bách, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã quyết định chọn tô bức tranh cổ động với hình tượng của Bác và khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bách nói em cảm nhận bức tranh nói lên khát khao độc lập tự do của người Việt Nam và thể hiện lòng kính trọng yêu thương của người dân Việt Nam với Bác Hồ.

Từ câu chuyện rất nhỏ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có thể thấy, trong hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ nói riêng rất cần những trải nghiệm thực tế, để từ đó người trẻ có thể tự cảm nhận được bằng chính cảm xúc của mình và hình thành nên những tình cảm xuất phát từ trái tim chứ không khiên cưỡng. 

Đọc thêm