Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được kiện toàn sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Kiên Giang |
Giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng khá tốt nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của Kiên Giang đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2016. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn ngành giáo dục Kiên Giang, các các tổ chức, cá nhân có sự quan tâm trong đóng góp cùng với Bộ trong tham gia xây dựng Luật nhà giáo trong thời gian tới.
Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện 10 năm Nghị quyết 29 |
Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho biết, qua thực hiện Nghị quyết số 29, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở tiểu học đạt 99,92%, 93,14% ở Trung học cơ sở, 67,11% ở bậc Trung học phổ thông. Việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hằng năm đều tăng, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 6,5%, trẻ 3-4 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,63%, riêng trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,58%.
Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên. Tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 13 cơ sở so với với năm 2013), có 6 cơ sở ngoài công lập (tăng 4 cơ sở so với năm 2013), tỷ lệ lao động qua đào đạt 70,59% (đạt mục tiêu đề ra). Ngoài ra, Kiên Giang cũng chú trọng triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến nay chiếm 52,05%.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Kiên Giang cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố. Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng cũng chỉ đảm bảo tỷ lệ 1 giáo viên cho một lớp dạy 2 buổi/ngày. Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều.
Về tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), thời gian tới Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 60% trường mầm non, trường tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Củng cố, hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn đào tạo với giải quyết việc làm và yêu cầu của cách mạng công nghệ lần thứ tư, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Kiên Giang |
Theo đó, Kiên Giang sẽ chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đặc biệt giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhất là của lãnh đạo ngành, lãnh đạo các địa phương về tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và đào tạo. Làm tốt công tác quản lý, sử dụng biên chế, thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Rà soát, bố trí, sắp xếp lại những giáo viên không đáp ứng yêu; chú trọng bố trí lực lượng giáo viên trẻ có đủ điều kiện và năng lực để tránh thiếu hụt nguồn nhân lực.
Tiếp tục thực hiện tốt giáo dục quốc dân và công tác phân luồng học sinh sau trung học; đa dạng hóa loại hình đào tạo, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, sáng tạo và kỹ năng vận dụng kiến thức và phát triển năng lực người học. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp cơ sở giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, bảo đảm bố trí đủ định mức giáo viên, sĩ số học sinh trên lớp theo quy định đối với các cấp học, bậc học.
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang tiếp thu ý kiến của đoàn khảo sát |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, hệ thống giáo dục tỉnh Kiên Giang cơ bản hoàn chỉnh, thống nhất, đa dạng với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo.
Các thiết bị giáo dục được đầu tư nâng cấp, tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được mở rộng đến hầu hết các địa phương, kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, con em được học. “Tỉnh ủy xin tiếp thu ý kiến của đoàn khảo sát. Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới”, ông Đỗ Thanh Bình nói.