Ấm lòng chuyện cô giáo 23 năm 'bám' đảo Bạch Long Vỹ

(PLVN) - Khi biết cô chuyển công tác, hầu hết người quen đều ngăn cản, ngoại trừ 1 người. Người ấy rồi cũng cùng cô xung phong ra Bạch Long Vỹ. Sự cống hiến của cô Vũ Thị Hà cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo tiền tiêu này không gì đo đếm được...
Ấm lòng chuyện cô giáo 23 năm 'bám' đảo Bạch Long Vỹ

Bạch Long Vỹ, hòn đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, đời sống giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ở cái xứ hầu như chỉ có gió biển, đường mòn và xương rồng như thế này, tình yêu biển đảo, tình yêu trẻ, lòng người ấm áp trở thành động lực để cô Vũ Thị Hà (SN 1969, giáo viên trường Mầm non - Tiểu học Bạch Long Vỹ) cũng như các thầy cô khác yên tâm gắn bó hàng chục năm để vun đắp cho sự nghiệp trồng người...

Trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 26 học sinh
Trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 26 học sinh 

Cô giáo “5 trong 1”

Năm học 2019-2020, cả trường mầm non và trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 46 học sinh, hoạt động dưới sự quản lý, giảng dạy của 8 cán bộ, giáo viên, người lao động. Trong đó, có 26 trẻ mầm non và 20 trẻ tiểu học.

Học sinh ít, thầy cô phải ghép lớp, chia học sinh thành từng nhóm. Có lớp học chỉ có 5 cháu, điều không thấy ở trường học nào trong đất liền tại Hải Phòng. 

Gặp cô Vũ Thị Hà, người “nổi tiếng” vì có tới 23 năm “gieo” con chữ trên đảo Bạch Long Vỹ, chúng tôi mới thấu hiểu, giáo dục nơi đảo tiền tiêu có phát triển được hay không là nhờ vào những giáo viên tận tâm như cô. 

Cô Hà chia sẻ về việc dạy học tại đảo
 Cô Hà chia sẻ về việc dạy học tại đảo

Màn chào hỏi của các cô trò trường Mầm non - Tiểu học Bạch Long Vỹ thật ấn tượng.

Cô Vũ Thị Hà bắt nhịp cho học sinh hát vang bài hát “Ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu”: Bạch Long Vỹ  nơi đảo xa. Trường của em là tiền tiêu tổ quốc. Tuy xa đất liền…tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường. Sống bên chúng em là các chú bộ đội. Hình ảnh các chú in đậm trong tim em. Luôn chắp tay súng giữ lấy đảo thân yêu. Bảo vệ tổ quốc cho đất nước tươi đẹp hơn. Bạch Long Vỹ, nơi đảo xa. Trường của em là tình yêu tổ quốc. Tuy xa đất liền- tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu.”

Một giờ học Chính tả tại trường tiểu học Bạch Long Vỹ
 Một giờ học Chính tả tại trường tiểu học Bạch Long Vỹ

Đó là bài thơ do cô Hà sáng tác và phổ nhạc. Dần dà, bài hát trở nên quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh nơi đây. 

Những năm đầu tiên bám đảo, cô Hà vẫn nhớ như in về 1 lớp học “đặc biệt”, thiếu thốn mọi thứ. Trường lớp chưa được xây dựng khang trang, cô Hà cùng các đồng nghiệp phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ nhà dân cho tới trụ sở UBND huyện.

Lớp học có 5 học sinh, ở nhiều độ tuổi khác nhau
 Lớp học có 5 học sinh, ở nhiều độ tuổi khác nhau

Học sinh lớp học “đặc biệt” ấy ghép nhiều lứa tuổi. Chương trình giảng dạy đối với mỗi học sinh được chuẩn bị khác nhau. Đồ dùng học tập, sách giáo khoa thì vô cùng hiếm hoi. 

Cha mẹ học sinh chủ yếu làm nghề đi biển, quanh năm lênh đênh với sóng gió nên việc chăm chút cho các con học hành gần như giao trọn trách nhiệm cho các thầy cô.

Nụ hôn tạm biệt của học sinh dành cho cô Hà
 Nụ hôn tạm biệt của học sinh dành cho cô Hà

Biết học sinh thiệt thòi nên cô Hà càng yêu thương, tận tâm dạy dỗ các em. Chúng tôi gọi cô Hà là cô giáo “5 trong 1”. Bởi ở trường, không chỉ dạy văn hóa mà cô Hà còn kiêm dạy học sinh cả các môn phụ như Mỹ thuật, hát nhạc, kỹ năng sống. Ngoài trách nhiệm của một giáo viên thông thường, cô Hà thực sự trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ tại đảo. 

Tình yêu khiến đất lạ hóa quê hương

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là trường ĐH Hải Phòng), cô Hà được phân công dạy học ở trường Tiểu học Lê Thiện (huyện An Dương, TP Hải Phòng). 

Cô Hà là con gái của nguyên chủ tịch UBND huyện Cát Hải, sinh ra và lớn lên ở huyện đảo Cát Bà. Hè năm 1996, trong một dịp được trò chuyện với bạn của bố là nguyên Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ, cô được mời ra đảo công tác.

Tuổi trẻ cộng với đam mê đã khiến cô Hà “gật đầu” nhanh chóng để thay đổi đơn vị công tác của mình. Điều này khiến ai nấy đều bất ngờ. Hầu hết những ai quen cô Hà đều ngăn cản, ngoại trừ 1 người. “Đó chính là người yêu của chị và bây giờ là chồng chị. Bởi vì hơn ai hết, anh ấy là người thấu hiểu chị đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bao lâu nay. Chị và anh ấy có điểm chung là thích xông pha, khám phá và cũng nên duyên bởi điều đó. Sau khi chị ra đảo dạy học, anh ấy cũng xin vào thanh niên xung phong tại đảo”, cô Hà xúc động chia sẻ. 

Trường tiểu học Bạch Long Vỹ nay đã được xây dựng khang trang
Trường tiểu học Bạch Long Vỹ nay đã được xây dựng khang trang 

Trường lớp ít học sinh nhưng không vì thế mà kém vui. Ngày nào các con cũng líu lo kể chuyện gia đình, chuyện đảo. Nhiều trường hợp, cả bố cả con đều là học sinh của cô Hà. Nhiều học sinh khi đã phương trưởng thì quay lại làm việc và xây dựng tại huyện đảo như: anh Hoàng Việt Hà, chị Đinh Thị Hương, anh Đinh Văn Thanh, chị Vũ Thị Nga… 

Với học sinh tại đảo, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui
 Với học sinh tại đảo, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui

Cô Hà khoe: “Ai ra đảo cũng nghĩ nơi này vắng lắm, buồn lắm. Nhưng với chị, chị thấy ở đảo rất vui. Mỗi dịp 20/11, học sinh tự tay vẽ tranh rồi ngắt hoa ven đường đến tặng thầy cô. Ngày nào kết thúc buổi học, các con cũng ra thơm vào má mình một cái để tạm biệt. Dần dà, tình cảm của những người dân nơi đảo xa đã ăn sâu vào máu thịt mình lúc nào không hay”.

Trong cuộc đời làm giáo viên, điều cô Hà trăn trở nhất là làm thế nào để dạy dỗ cho những trẻ tự kỷ thành người. Tại đảo Bạch Long Vỹ, cũng có khá nhiều trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ được cô Hà tận tình dìu dắt và đa số đều có thể hòa nhập được cuộc sống hàng ngày.

Cô Hà kể lại chuyện của Nguyễn Nhân Quyết, cậu bé mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ra đảo bán hàng. Quyết 7 tuổi nhưng không biết nói, không có cảm xúc và không kiểm soát được hành vi của mình. Thương Quyết thiệt thòi từ nhỏ, cô Hà tìm mọi cách tác động tâm lý đưa em trở lại một cậu bé phát triển bình thường có thể nói, chơi cùng các bạn. Chính gia đình Quyết cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi “ngoạn mục” đó. 

Suốt 23 năm bám đảo, điều khiến cô Hà buồn nhất là không có mặt giờ bố mẹ lâm chung. Năm 2002, cô nhận được tin bố ốm nặng. Từ lãnh đạo huyện tới các tàu thuyền trên đảo đã hết lòng giúp đỡ để cô kịp nhìn thấy ông lần cuối. Sau 7 tiếng đồng hồ vượt biển tới nhà thì tang lễ đã được tiến hành, mong ước đó đã không thành hiện thực.

Mười năm sau, khi nhận tin mẹ mất, trời đổ bão nên không có cách nào để cô về đất liền sớm hơn. Trong tiếng mưa rơi, gió rít ngoài đảo xa, cô Hà chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. 

Cô Hà luôn trăn trở về giáo dục trẻ tự kỷ trên đảo
 Cô Hà luôn trăn trở về giáo dục trẻ tự kỷ trên đảo

Tất cả các học sinh tại đảo, sau khi hoàn thành bậc học tiểu học sẽ được chuyển vào đất liền để theo học nội trú. Hai con trai của cô Hà cũng vậy. Dù biết các con vất vả khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng cô Hà không nỡ rời đảo bởi còn các học sinh đang chờ cô giảng dạy hằng ngày. Sự cống hiến của cô giành cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo tiền tiêu này không gì đo đếm được. 

Đảo Bạch Long Vỹ, cách đất liền 130km
 Đảo Bạch Long Vỹ, cách đất liền 130km

Ngày mai, tại đảo Bạch Long Vỹ, lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11 sẽ diễn ra một cách trang trọng. Khác với đất liền, lễ kỷ niệm tại trường Tiểu học – Mầm non Bạch Long Vỹ sẽ được tất cả lãnh đạo huyện, các phòng ban tới dự và chúc mừng.

Cuộc điện thoại hỏi thăm cô Hà của tôi bị ngắt quãng bởi cô còn tất bật tập dượt văn nghệ cho các con. Trước khi tắt máy, cô Hà nói trong tiếng cười: “Chị không hối hận vì con đường mình đã chọn. Còn ở đảo ngày nào, chị còn đến trường dạy chữ ngày đó”.

Trường mầm non Bạch Long Vỹ có 20 cháu theo học
 Trường mầm non Bạch Long Vỹ có 20 cháu theo học

Đọc thêm