Các trường đại học lên kịch bản tuyển sinh

(PLVN) - Trong khi chờ Bộ GD-ĐT “chốt” phương án cuối cùng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, nhiều trường đại học đã chuẩn bị các hình thức tuyển sinh khác nhau nhằm ứng phó trong trường hợp không thể sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển… 
Nếu xét tốt nghiệp sẽ không công bằng với thí sinh thi đại học.  Ảnh minh họa.
Nếu xét tốt nghiệp sẽ không công bằng với thí sinh thi đại học. Ảnh minh họa.

Sẵn sàng phương án dự phòng

Tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa ra thông báo về phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 với 2 phương án tuyển sinh đại học chính quy theo 2 phương án thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.

Phương án 1: Nếu Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) năm 2020, trường sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh dự kiến như đã công bố, trong đó xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi THPTQG.

Phương án 2: Trường hợp do dịch bệnh kéo dài, Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPTQG năm 2020, Trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh đại học chung với mục tiêu đảm bảo sự ổn định và nhất quán với phương án tuyển sinh đã công bố và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.

Dự kiến, nếu theo phương án này sẽ thi 8 môn tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển gồm, A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa). Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, đảm bảo cho việc đăng ký xét tuyển của mình.

Về hình thức/định dạng/nội dung thi, thí sinh sẽ thi viết luận môn Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm, định dạng và nội dung tương tự như đề thi tham khảo thi THPTQG năm 2020 đã công bố của Bộ GD-ĐT. Trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, an ninh trong tất cả các khâu và thực hiện nghiêm túc quy chế thi hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Thời gian thi dự kiến thi vào tháng 8/2020, địa điểm thi tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trường cho biết thêm, ngoài các trường hợp tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp như đã công bố, Trường sẽ xét tuyển theo tổ hợp của thí sinh lựa chọn tương ứng với mã ngành đăng ký, theo kết quả thi tuyển sinh đại học mà trường tổ chức.

Theo nhà trường, phương án 2 là phương án dự phòng, với mục tiêu giữ ổn định cao nhất giúp cho thí sinh yên tâm học tập, ôn tập và tự tin dự thi. Nếu tình hình không cho phép tổ chức thi tập trung và những trường hợp đặc biệt khác, trường sẽ có thông báo sau.

Cùng với thông báo này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có kế hoạch điều chỉnh và bổ sung các hoạt động tư vấn tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, nhà trường sẽ đẩy mạnh triển khai với quy mô lớn hơn, dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động tư vấn trực tuyến trên các kênh thông tin hiện có của Trường, với các buổi tư vấn tuyển sinh bắt đầu từ 23/4 tới.

Còn Đại học Mỏ - Địa chất, như mọi năm vẫn có 4 phương án tuyển sinh. Nếu năm nay không thể tổ chức kỳ thi THPTQG thì nhà trường vẫn tuyển sinh theo 3 phương án còn lại: Xét tuyển theo học bạ; Xét tuyển thẳng học sinh giỏi (HSG) theo kết quả học THPT, HSG cấp quốc gia, quốc tế; Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2020) đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 450 trở lên hoặc TOEFL iBT 53 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi THPTQG năm 2020 theo tổ hợp môn xét tuyển của Trường trừ môn thi Tiếng Anh, đạt từ 10 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán.

Ngoài 3 phương án trên, sinh viên vào trường sẽ được làm một bài test nhanh về ngoại ngữ và kiến thức khoa học tự nhiên để phân lớp và phân biệt trình độ. Ngoài ra còn phỏng vấn ngành và chuyên ngành mà thí sinh đăng ký, tìm hiểu kiến thức xã hội của sinh viên khi đăng ký chọn ngành, chọn nghề.

Như vậy, nếu Bộ GD-ĐT có phương án phù hợp, cụ thể thì việc tuyển sinh của các trường cũng dễ hơn bởi dù sao bài thi quốc gia cũng kiểm tra được kiến thức của học sinh trong cả quá trình học. Còn nếu dịch bệnh phức tạp, không tổ chức được kỳ thi quốc gia thì các trường đại học phải tự lo việc tuyển sinh vì được giao tự chủ rồi. Các trường như Đại học Mỏ - Địa chất sẽ có bài test kiểm tra đầu vào.

Không thể bỏ qua chất lượng

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thì ở nước nào cũng vậy, tuyển sinh đại học là để phân loại thí sinh có đủ năng lực theo học ở bậc đại học. Thậm chí, ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản…, các trường đại học hàng đầu coi tuyển sinh đại học là kỳ thi để lựa chọn và tuyển nhân tài.

Mặc dù hiện nay, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, một số nước đã đóng cửa trường học, nhiều nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhưng chưa có trường nào tuyên bố thay đổi phương thức tuyển sinh. Về nguyên tắc, việc giảng dạy online là giải pháp tình thế, thậm chí năm học có thể kéo dài và dạy bù, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đổi về mặt chất lượng.

Với năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPTQG. Nếu phải chấp nhận giải pháp tình thế là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển, có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính).

Được biết, chiều 16/4, Trường Đại học Thương mại sẽ họp tính đến các phương án tuyển sinh của mình. Trường Đại học Ngoại thương cũng sẽ họp để thống nhất đưa ra các phương án phù hợp nhất với từng hoàn cảnh.

Đến thời điểm này, Đại học Quốc gia TP HCM vẫn dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào 2 đợt, trong đó đợt 1 sẽ được tổ chức vào ngày 31/5 tại Bến Tre, An Giang, Nha Trang; đợt 2 ngày 9/8 tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang.  Hiện, đã có hơn 50 trường đại học, cao đẳng phía Nam đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển.

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi riêng năm 2020. Trường cho biết sẽ lấy khoảng 70% chỉ tiêu đại học chính quy từ phương thức này. Kỳ thi sẽ được tổ chức gọn nhẹ nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và đánh giá năng lực học tập của học sinh để theo học thành công tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày thi dự kiến vào chiều 25/7 (ngay sau thời gian kết thúc năm học mà Bộ GD-ĐT công bố).

Như vậy, dù có hay không tổ chức kỳ thi THPTQG 2020, với các thí sinh lớp 12 năm nay, việc cần nhất trong giai đoạn này là tập trung học tập, ôn luyện, củng cố kiến thức để tự tin, sẵn sàng cho cơ hội đặt chân vào các trường đại học mà mình mơ ước. 

Không bị động trước các phương án thi

Việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đang thực hiện theo đúng phương án thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra. Với kịch bản ấy việc xây dựng đề thi tham khảo là cần thiết, phù hợp và hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh.

Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của Bộ, Cục Quản lý Chất lượng đã xây dựng một số kịch bản khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.

Tinh thần Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Còn hiện nay, trong khi Bộ chưa công bố phương án nào khác các nhà trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà Bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. (PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT)

Khó tránh rủi ro

Ngoài 2 phương án trên, Bộ GD-ĐT cần đưa ra thêm một số phương án nữa, ví dụ như, thi tốt nghiệp nên giữ nguyên là thi 5 môn hay giảm bớt môn chỉ còn 3 môn (Văn, Toán, Ngoại ngữ). Đồng thời để đảm bảo công bằng cho các thí sinh ở các vùng miền khác nhau, nhất là những nơi không có điều kiện học online thì nội dung thi sẽ như thế nào.

Nên chăng giới hạn phần kiến thức học kỳ I. Làm như thế sẽ sòng phẳng hơn và bình đẳng hơn cho các thí sinh, đồng thời tránh được tiêu cực.

Xét tốt nghiệp nếu muốn công bằng phải xây dựng có quy chế chặt chẽ, đồng thời phải đảm bảo công khai và công bằng, dân chủ để mọi người giám sát, phát hiện nếu có sai sót. Giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý nào làm sai thì phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Nếu phải chọn xét tốt nghiệp thì sẽ khó khắc phục được tình trạng chạy đua thành tích giữa các trường, giữa các địa phương. Phương án nào cũng có rủi ro ít nhiều, nhưng như thời chiến tranh, học sinh thậm chí chưa học hết chương trình lớp 12 đã được công nhận tốt nghiệp. (TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT)

Làm gì để đảm bảo công bằng nếu xét tốt nghiệp?

Nếu chọn phương án xét tốt nghiệp thì cần thực hiện một số nguyên tắc để đảm bảo công bằng cho các thí sinh như: Thứ nhất, quy chế xét tốt nghiệp phải được xây dựng chặt chẽ, trong đó phân định rõ trách nhiệm từng người và nêu rõ những người vi phạm sẽ bị kỷ luật như thế nào, cần phải cho họ thấy rõ luôn là tác hại của nó. Như vậy, nguyên tắc đầu tiên là quy chế phải chặt chẽ, đầy đủ và rõ trách nhiệm, rõ hình thức kỷ luật nếu có sai phạm.

Thứ hai, việc xét tốt nghiệp phải được sử dụng công nghệ để giám sát tối đa nhằm phát hiện kịp thời nếu có tiêu cực. Thứ ba, phải được tiến hành hết sức dân chủ, công khai, học sinh, phụ huynh có quyền thắc mắc, khiếu nại nếu thấy nghi ngờ có trường hợp nâng điểm… Nếu chúng ta đảm bảo được những yếu tố trên thì sẽ không ai dám làm sai cả.

Về mặt thi đua, Bộ không tính đến thành tích đỗ tốt nghiệp tỷ lệ cao hay thấp, đừng khen tỉnh cao, phê bình nơi thấp, hay xếp hạng các tỉnh để rồi các nơi lại “chạy” theo guồng đua thành tích. Các địa phương cần làm nghiêm túc, nếu học sinh không học được thì phải chấp nhận trượt. (TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội)

Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ Luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia.

Nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. (GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ khẳng định) 

Đọc thêm