Chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa lớp 1

(PLVN) - Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa lớp 1. Đây là một trong những hạn chế được chỉ ra sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực QH điều hành nội dung họp về Nghị quyết 88.
Phó Chủ tịch Thường trực QH điều hành nội dung họp về Nghị quyết 88.

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 45 chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành và địa phương có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ, những kết quả đạt được sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 88 và 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của QH về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thảo luận tại Phiên họp, có đại biểu cho rằng, đối với vấn đề xã hội hóa hiện nay, giá sách giáo khoa tăng lên 2-3 lần so với trước khi xã hội hóa, người dân và cử tri quan tâm đến vấn đề này.

Từ đó, đại biểu đề nghị quan tâm bình ổn giá cả sách giáo khoa để không quá cao, không ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Đồng thời phải có quản lý nhà nước, tránh lãng phí sử dụng sách giáo khoa…

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH còn một số hạn chế như: Đối chiếu với Nghị quyết 88, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đã chậm 2 năm; đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa lớp 1; 

Việc tập huấn giáo viên đại trà mới bắt đầu triển khai; chất lượng tập huấn một số cuộc, theo phản ánh của nhiều cán bộ, giáo viên, cũng còn hạn chế; Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ kết quả biên soạn nội dung giáo dục của địa phương, trong khi từ nay đến thời điểm triển khai dạy học "Nội dung giáo dục của địa phương" trong chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 chỉ còn 4 tháng…

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Ủy ban kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các bộ sớm ban hành các thông tư liên quan trước khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2020). Đồng thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm…

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ QH hoan nghênh sự nỗ lực của Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 88. So với Nghị quyết, việc thực hiện bị chậm 2 năm nhưng đến nay đã có 5 bộ sách giáo khoa đưa ra Hội đồng thẩm định để đưa vào giảng dạy trong năm học mới; đề nghị phân tích thêm những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết còn chậm.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy nội dung hội đồng thẩm định quốc gia; tập huấn giáo viên, lắng nghe sự đồng thuận của phụ huynh học sinh đối với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

Đọc thêm