Nên trả lại chiếc “roi” cho người thầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước các sự việc đau lòng gần đây như học sinh tát cô giáo, cô giáo Nguyễn Thị Tuất (Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo nhà trường trù dập và bao che cho học sinh quậy phá, hành hung cô giáo đang là tâm điểm của dư luận… 
“Pháp trị”, “đức trị” và bản ngã thiêng liêng của người thầy, không thể thiếu trong mọi thời đại.  (Ảnh minh họa).
“Pháp trị”, “đức trị” và bản ngã thiêng liêng của người thầy, không thể thiếu trong mọi thời đại. (Ảnh minh họa).

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, học sinh đang chịu tác động từ nhiều phía, nhất là thông tin mạng xã hội, trò chơi điện tử bạo lực, thông tin xấu độc… Trong khi đó, một số phụ huynh lại lỏng lẻo trong quản lý con, giáo viên bị hạn chế quyền dùng phương pháp nghiêm khắc để dạy dỗ trẻ.

Học trò dân chủ quá trớn

Trong lá đơn dài 13 trang gửi các cơ quan chức năng, cô Tuất trình bày hàng loạt vấn đề bức xúc, trong đó nổi cộm một số vấn đề khi cô bị điều chuyển rất nhiều công việc khác nhau, bị phụ huynh phản đối… Đặc biệt, sự việc càng đẩy đi xa hơn khi học sinh khối 5 do cô giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung cô giáo.

“Cứ đến tiết học của tôi, các học sinh đồng loạt làm việc riêng, không học bài, gây mất trật tự. Thậm chí, có những em còn mang theo chăn đến lớp, chơi bài trong giờ học... Về việc này, tôi đã nhiều lần báo cáo qua các buổi họp hội đồng, họp tổ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện”.

Sự xác thực của clip ghi hình ảnh các em học sinh quậy trong giờ học, cầm thước đánh cô giáo, bắn đạn giấy vào mắt cô gây thương tích, mang chăn trùm trong lớp, ngang nhiên đánh bài trong giờ còn trả lời cô xấc xược vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Tuy nhiên, hình ảnh học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những ngôn từ gây sốc từ những học sinh lớp 5 lại vô cùng xác thực. Cụ thể, câu hỏi số 4: Qua quan sát hình và bài đọc trong sách giáo khoa, em hãy điền vào các cột để biết người Lạc Việt ăn, mặc, ở và sinh hoạt lễ hội như thế nào?

Câu trả lời của học sinh trong bài kiểm tra với ngôn từ: “không biết”, “không nói”, “cút”,... thực sự gây sốc. Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: “Tại sao em phải trả lời cô?”.

Mặc dù sự việc được cô Tuất báo lên nhà trường nhưng Ban giám hiệu vẫn làm ngơ. Trong khi đó, khi trả lời báo chí, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quốc Oai, Hà Nội lại khẳng định như đinh đóng cột: Việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dạy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.

Viết bậy, chửi bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những lời lẽ ai nghe cũng sốc “Đ… biết”; “không nói”, “cút”,… Học sinh vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, răn đe. Khi ấy, những đứa trẻ tiểu học dễ dàng ngộ nhận những hành vi của mình đối với giáo viên như thế là đúng, là không hề gì. Và nữa, lúc này, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường ở đâu, đâu phải chỉ có giáo viên bộ môn một mình đơn độc với học trò quậy phá?

Và cũng không ai tin, những đứa trẻ đó lại có thể tự mình đấu tố tập thể, quậy phá, chống đối cô giáo nếu người lớn không can dự? Và người lớn kéo trẻ nhỏ, học trò non nớt của mình vào cuộc chiến là điều khó chấp nhận (nếu điều đó là sự thực). Chúng sẽ lớn lên ra sao khi những ứng xử tối thiểu về tôn sư trọng đạo, về sự tôn trọng, biết ơn thầy cô, chứ không phải hồn nhiên “hạ nhục” chính cô giáo dạy mình?

Và hơn nữa, xin đừng lôi các em vào “cuộc chiến” thô bạo của người lớn… Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội bày tỏ, một hiệu trưởng trình độ ra sao mà để học sinh cư xử hỗn láo với giáo viên không chỉ một lần, không phải chỉ một học sinh.

Hình ảnh học sinh cầm vòng chun bắn lên bục giảng.
 Hình ảnh học sinh cầm vòng chun bắn lên bục giảng.

Do đó, thầy Tùng Lâm cho rằng, vụ việc này xảy ra tại Trường Tiểu học Sài Sơn B thì người chịu trách nhiệm của trường là hiệu trưởng phải tìm ra được bản chất rằng vì sao lại để sự việc tưởng chừng không thể có lần thứ 2, ngày thứ 2 trong một nhà trường mà kéo dài bao lâu như vậy? Liệu có ai xúi giục học sinh hay không?

Không thể thiếu “pháp trị” và “đức trị”

Trước đây, khi học sinh vi phạm, tùy vào mức độ có thể áp dụng những hình thức xử phạt như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, Thông tư 32 có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 đã chấm dứt việc tồn tại những hình thức kỷ luật này.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến cho bạo lực học đường diễn biến khó lường và phức tạp. Câu chuyện một giáo viên tại Trung tâm GDNN-GDTX quận Ba Đình (Hà Nội) cách đây không lâu từng bị học sinh phản ứng đến mức, lao lên bàn giáo viên tát cô giáo vẫn là một bài học nhãn tiền.

Cô giáo Dư Thị Lan Hương, giáo viên một trường THPT tư thục tại TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là một điều sai lầm của Thông tư 32. Thực tế có không ít giáo viên đứng lớp cảm thấy nản với nghề bởi với những học sinh hư, thường xuyên vi phạm kỷ luật được thầy, cô nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không tiến bộ.

Nếu bây giờ không được phê bình học sinh nữa thì giáo viên thực sự lâm vào thế khó. Tuy nhiên, cách mà cô Lan Hương áp dụng để vừa không vi phạm quy định lại khiến học sinh thay đổi, đó là tuyệt đối không la mắng. Lựa những điểm tốt để khen, đồng thời sẽ ghi lại những lỗi của các em vào sổ. 

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng tìm ra những giải pháp ứng xử tinh tế để vẫn giữ được kỷ luật và sự mềm dẻo, tôn trọng của học trò. Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), điều khoản này của Thông tư 32 có phần thiếu thực tế. Trong mọi lĩnh vực cũng như trong giáo dục, luôn phải duy trì 2 yếu tố “pháp trị” và “đức trị”.

Khen thưởng khi có ưu điểm, thành tích, đồng thời cũng cần có phê bình, kỷ luật khi vi phạm kỷ cương. Học sinh trong thời của 4.0 có quá nhiều thú vui, cám dỗ dễ dẫn đến những tác động vào việc học hành, thi cử. Các em sơ suất, thiếu sót, thậm chí sai phạm, sai lầm cũng là điều dễ hiểu. Những lúc như vậy, cần có sự phê bình của người lớn, của cha mẹ, thầy, cô giúp các em nhận thức được đúng - sai để sửa đổi.

Bất kỳ một đất nước hay một xã hội nào mà không có sự nhắc nhở, phê bình hay xử lý kỷ luật thì xã hội sẽ không còn kỷ cương, phép nước. Việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, nhà trường tạo cơ hội cho cách hành xử theo kiểu “dân chủ quá trớn” của học sinh với giáo viên, tạo tiền lệ xấu cho nhiều hành vi học sinh xem thường giáo viên.

Khi đối mặt với học sinh cá biệt có những biểu hiện như vậy, nếu giáo viên hành xử thiếu tinh tế, cẩn trọng thì sẽ đón nhận sự chỉ trích dữ dội từ báo chí, mạng xã hội, của phụ huynh và các hình thức kỷ luật của ngành.

“Là một giáo viên, tôi luôn phản đối các đồng nghiệp của mình mạt sát, chửi bới hoặc đánh đập học trò sai phạm, nhưng tôi không đồng thuận việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi các em vi phạm kỷ luật. Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào của thầy, cô để các em tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ”, thầy Hiếu bày tỏ.

Giáo dục là cả một nghệ thuật nên không có một công thức chung cho tất cả mọi học sinh. Có nhiều học sinh nhờ sự động viên, khích lệ, khen thưởng mà tiến bộ nhanh. Có những em nhờ thầy, cô tận tâm, nghiêm khắc, phê bình và kỷ luật mà trưởng thành. Giáo dục muốn hiệu quả phải luôn là một phép cộng hài hòa của 3 yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Một nền giáo dục phát triển phải là một nền giáo dục có kỷ cương, kỷ luật và tình thương, trách nhiệm.

Là người quan tâm sâu sắc đến vụ cô giáo tố bị trù dập, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhận định, nghĩ cho học trò cũng là một “cái khiên” lớn để nhà giáo bảo vệ chính mình. Ta luôn được dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”, văn ở đâu, lễ ở đâu giữa những lộn xộn như một cái hàng không mấy trật tự. Nói đúng hơn, lễ nghĩa thực sự đang chông chênh giữa cơ chế thị trường.

Người ta đã để đồng tiền ảnh hưởng nhiều đến con trẻ, đến lối dạy dỗ, đến cách cư xử với nhau trong học đường. Đồng thời, người ta để cái tôi và quyền lợi của chính họ lấn át đi điều thiêng liêng, đó là giáo dục. Chưa nói đến việc ai đúng, ai sai trong câu chuyện này, tuy nhiên những hành động của học sinh phản chiếu đạo đức học đường đang có vấn đề và xuống cấp trầm trọng? Tôi vẫn nghĩ, thời nào cũng thế, học trò như tờ giấy trắng, việc vẽ lên cái gì là từ thầy, cô, gia đình và xã hội.

Tôi từng nghe câu chuyện một em nhỏ không chơi với bạn vì mẹ bạn bảo là “nếu cha mẹ bạn đó đi xe máy thì đừng chơi”. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều em nhỏ hỗn hào thét vào mặt bà nội - là hàng xóm nhà tôi. Hình như phụ huynh và nhà trường đang đứng ngoài sự “xuống cấp” ấy, đứng ngoài sự “rơi tự do” ấy. Nói qua cũng phải nói lại, học sinh giờ thành “ông trời con” không ít, nên thầy, cô muốn nghiêm khắc mà uốn nắn cũng không dễ.

Do đó, trước hết thầy, cô hãy là một tấm gương về đạo đức, văn hoá và hành xử. Khi bạn bảo tồn được danh dự, chẳng điều gì có thể gây tổn hại cho bạn. Một điều nữa, nghĩ cho học trò cũng là một “cái khiên” lớn để nhà giáo bảo vệ chính mình. Chứ anh suốt ngày lo đấu đá, mà quên mất sứ mệnh của mình là giáo dục thì xem như anh đã tự tước cái bản ngã thiêng liêng của mình, chứ nói gì đến bảo vệ mình?

Tôn trọng cá tính học trò thể hiện sự văn minh của giáo dục nhưng để trẻ con hư hỗn là sự bất lực của giáo dục. Hơn hết, con trẻ hỗn là lỗi lầm lớn nhất của người lớn gồm người sinh ra, nuôi dạy ở nhà; người nuôi dưỡng ở trường và những người tạo ra sức ảnh hưởng cũng như các giá trị xã hội, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhấn mạnh… 

Đọc thêm