Ngay ngáy nỗi lo thực phẩm bán trú cho con

(PLVN) - Sau một số sự việc đình đám về thực phẩm tại các trường học bán trú vừa qua, nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo về thực phẩm không sạch, không đủ dinh dưỡng cho con tại trường. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Bữa ăn bán trú được công khai trên trang thông tin của trường.
Bữa ăn bán trú được công khai trên trang thông tin của trường.

Những bữa ăn sơ sài

Mới đây, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP HCM) đã làm nhiều phụ huynh hoảng hốt. Chuyện bắt nguồn từ việc phụ huynh trường này thấy con đi học bán trú về thường xuyên than thở đau bụng, thức ăn dở, đói bụng.

Quyết định “đột kích” bữa ăn trưa của con tại trường, một số phụ huynh đã chứng kiến bữa ăn cho các con rất sơ sài. Nguyên liệu chế biến còn có loại kém chất lượng, hư thối. Nhóm phụ huynh còn phát hiện, giá thành nhập nguyên liệu thực phẩm đầu vào rẻ đến mức khó hiểu, có thứ chỉ bằng 1/3 giá thị trường, gia vị sử dụng không có nhãn mác, đặt ra nhiều nghi vấn nguồn gốc sản phẩm. 

Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi có 30 lớp với 1.240 học sinh, trong đó 1.150 được phụ huynh đăng ký bán trú với giá thành 30.000 đồng (gồm bữa trưa và bữa xế), tiền phục vụ bán trú 200.000 đồng/tháng/học sinh, phí phục vụ vệ sinh bán trú là 30.000 đồng/tháng/học sinh. Mức giá này được coi là không thấp so với khu vực. 

Sau khi phản ánh cho rằng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, phụ huynh đã tụ tập trước cổng trường phản đối chất lượng bữa ăn của trường. Hiệu trưởng nhà trường đã nhận lỗi, nhà trường đã thay đơn vị cung cấp thực phẩm cũng như thay đổi các gia vị không nhãn mác, camera được lắp đặt trong bếp ăn…

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị H. A., phụ huynh học sinh lớp 3 tại trường này chia sẻ, hiện tại dù mọi thứ có vẻ thay đổi khả quan, nhưng phụ huynh vẫn rất lo lắng là một thời gian sau “đâu cũng vào đấy”. Bởi ngay khi xảy ra sự việc, những người lãnh đạo trường cũng đã trả lời loanh quanh, không nhận trách nhiệm, đứng ra bênh vực đơn vị cung cấp suất ăn. Phụ huynh lo lắng trường có thay đổi trước áp lực dư luận, nhưng “cái tâm” dành cho việc chăm lo bữa ăn an toàn, đủ chất cho học sinh thì không có. 

Sau sự việc, trên các diễn đàn của phụ huynh học sinh, cũng hé lộ không ít vấn đề về chất lượng bữa ăn của học sinh TP. Một số phụ huynh phản ảnh, nhiều trường khác cũng ở tình trạng bữa ăn như Trần Thị Bưởi nói trên.

Phụ huynh một ngôi trường tiểu học ở khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh chia sẻ, bữa ăn cũng có giá 30000 đồng, nhưng chỉ quay đi quẩn lại có xúc xích, chả cây, xôi đậu… Nhiều phụ huynh cho biết, một số trường khác cũng có tình trạng bữa ăn không đảm bảo nhưng vì nhiều vấn đề, phụ huynh chỉ kiến nghị riêng với nhà trường.

Chỉ là thiếu trách nhiệm?

Đã có không ít sự việc phụ huynh học sinh phát giác chất lượng bữa ăn bán trú tệ, thậm chí có cả những vụ ngộ độc thực phẩm học đường. Có vụ hơn chục em ngộ độc, cũng có vụ lên đến hơn 500 học sinh phải nhập viện. Mới đây, một trường tiểu học tại Nha Trang, lãnh đạo đã bị xử lý kỉ luật vì chia chác, bớt xén khẩu phẩn ăn của học sinh bán trú. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động về vấn đề bữa ăn học đường cho các em.

Hiện nay, các trường nhận học sinh bán trú đều có đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp. Tuy nói rằng, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, các trường đều có ban giám sát chất lượng bữa ăn, nhưng thực chất bên trong còn rất nhiều vấn đề đáng nói, như hiệu quả của ban giám sát thế nào, trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu, khi không phải không có những trường hợp, đơn vị cung cấp suất ăn lại là “sân sau” của lãnh đạo nhà trường. 

Chưa kể đến, câu chuyện trong ngành thực phẩm nhiều người biết, đó là thông tin râm ran “làm nhà cung cấp thức ăn công nghiệp là siêu lợi nhuận”. Thực phẩm sau khi chế biến là thức ăn khó nhìn thấy độc hại, kém vệ sinh bằng mắt thường. Thế nên, chất lượng và tính an toàn của bữa ăn giờ đây vẫn còn phụ thuộc nhiều vào “lương tâm” của người cung cấp suất ăn, nếu như nhà trường thiếu đi sự giám sát chặt chẽ.

Vụ việc diễn ra tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi là một bài học lớn cho cả trường học và phụ huynh. Nó lộ ra sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, sự ham lợi lộc của những người cung cấp thực phẩm cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.

Nó cũng cho thấy sự khuất tất hoặc yếu kém nào đó của ban đại diện phụ huynh học sinh - những người được bầu ra, được ủy thác để thay mặt phụ huynh giám sát một số vấn đề trong nhà trường, nhưng lại không để mắt, hoặc lý do gì đó không đưa sự việc ra ánh sáng.

Hiện, nhà trường đã quyết định thực hiện yêu cầu của phụ huynh, gắn camera khu vực nhà bếp, nhà ăn, giám sát từ khâu nhập liệu đến khâu chế biến, phân chia khẩu phần ăn cho các em bằng nguồn huy động xã hội hóa, đồng thời các khoản thu hộ, chi hộ trong trường cần minh bạch, cụ thể từng nguồn thu để phụ huynh giám sát.

Quận 9 cũng thành lập tổ liên ngành, kiểm tra toàn diện nhà trường, làm rõ trách nhiệm những người liên quan, trách nhiệm nhà cung cấp thức ăn để xử lý theo quy định.

Câu chuyện của Trường Trần Thị Bưởi, quận 9 đã có một cái kết “tạm ổn” cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Nhưng còn biết bao nhiêu trường mà học sinh phải thụ hưởng những bữa ăn thiếu an toàn, thiếu dinh dưỡng? Phải chăng, đã đến lúc cả ngành Giáo dục lẫn cơ quan quản lý địa phương cần đưa ra một giải pháp đồng bộ để giải quyết triệt để mối lo ngay ngáy này? 

Bác sĩ Lưu Hồng Đào, Khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8: “Để đảm bảo an toàn bữa ăn cho các em, trường học phải mua thực phẩm từ bên có kiểm định chất lượng, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Nếu dùng đồ hộp, đó phải là hộp còn nguyên vẹn, không phồng, không móp méo.

Các khâu chế biến, bày đồ ăn, dọn dẹp chén đĩa phải đảm bảo vệ sinh. Phải có người chịu trách nhiệm quản lý bếp, giám sát chặt chẽ các khâu trong việc chế biến bữa ăn cho học sinh. Người nấu bếp phải có găng tay, khẩu trang, nón chụp tóc…

Tủ lưu đồ ăn mẫu trong 24 giờ đồng hồ cũng phải hợp chuẩn vệ sinh. Nên chế biến đồ ăn cho trẻ ngay trong ngày, ăn hết trong 1 ngày, đồ ăn nấu từ hôm trước còn dư sẽ phải đổ bỏ, tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn dư thừa. Thực phẩm sống phải bảo quản đúng cách trong tủ lạnh.

Phụ huynh có thể trao đổi với nhà trường các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn, bày tỏ mong muốn được tham quan bếp ăn của các con xem có hợp vệ sinh hay không. Khi có con độ tuổi đến trường, cha mẹ cũng nên dạy con cách ăn uống lành mạnh, thông minh, nếu mua đồ bên ngoài cần nhận diện thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới mua để bảo vệ chính mình”.

Đọc thêm