Nhìn nhận sao cho đúng chuyện học sinh đóng cảnh 'nóng' trong giờ Văn?

(PLVN) - Khi lên sân khấu hoặc lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề tình dục không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực… Điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm…
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng. (Ảnh cắt từ clip)
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng. (Ảnh cắt từ clip)

Sân khấu hóa - Nghe lạ nhưng không mới

Mới đây, giáo viên dạy Ngữ văn Phạm Quốc Đạt ở Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM) bị nhà trường ra quyết định đình chỉ giảng dạy vì cho học sinh đóng cảnh nóng đưa tác phẩm lên sân khấu trường... Cụ thể là trong các tác phẩm “Bỉ vỏ”, “Số đỏ”, học sinh đã tái hiện một số cảnh nhân vật Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, cảnh Tám Bính bị hãm hiếp...

Tuy nhiên, thầy giáo nói trên đã phản ứng quyết định kỉ luật vì cho rằng hành động của mình không sai. Theo giải thích của thầy Đạt, đây là cách dạy thể hiện được giá trị nhân văn, nghệ thuật của tác phẩm. Thầy đã có cuộc thảo luận với học sinh, các em cũng cho rằng việc sân khấu hoá những đoạn trích này là cần thiết. 

Theo thầy Đạt, khi thực hiện các cảnh nói trên, học sinh đã sử dụng ứng dụng màn bóng chiếu, cùng với các đồ vật hỗ trợ tạo ra hiệu ứng có vẻ thật chứ không có sự tiếp xúc trực tiếp. Cạnh đó, lý giải về một số đoạn cảnh “nóng” được cho là quá mức táo bạo, thầy giáo giải thích là do những phân đoạn này học sinh muốn giữ bí mật để tăng tính bất ngờ nên không kiểm soát kĩ mà chỉ duyệt qua kịch bản...

Sau khi video các vở diễn này được đăng tải trên mạng xã hội, không ít kiến tranh luận xoay quanh cách làm của thầy giáo Đạt. Một bộ phận phụ huynh bức xúc cho rằng, cách làm như thế là phản cảm, khiến tác phẩm văn học bị khai thác ở khía cạnh thô thiển, gieo vào đầu học sinh những suy nghĩ không hay. 

Một số ý kiến khác thì nói đây là một phương pháp giáo dục mới, đáng để xem xét và cân nhắc, đồng thời mục đích của thầy Đạt chủ yếu là tìm một cách mới mẻ, thu hút hơn để học sinh tiếp cận tác phẩm văn học.

Tuy nhiên, ở góc độ nhất định, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học hoàn toàn không phải là một phương pháp giáo dục quá mới mẻ hay sáng tạo. Sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được áp dụng tại rất nhiều trường học ở TP HCM nhiều năm nay. 

Một tiết học sân khấu hóa tại Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM. ( Ảnh Thu Hương)
Một tiết học sân khấu hóa tại Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM. ( Ảnh Thu Hương)

Có những trường như Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đôn đã áp dụng từ những thập kỉ trước. Có thể nói đây là cách thức “học thực nghiệm” sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận đồng thời khiến học sinh tăng tương tác, yêu mến và cảm nhận tốt về tác phẩm hơn. 

Theo một giáo viên đồng nghiệp của thầy Đạt tại Trường PTTH Võ Trường Toản, sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được một số thầy, cô dạy Văn khác thực hiện chứ không riêng gì thầy Đạt. Thầy Đạt cũng là thầy giáo nhiệt tình, luôn muốn tạo ra cách thu hút học sinh cảm thụ, yêu thích môn Văn. Tuy nhiên, để xảy ra vấn đề “cảnh nóng” trong việc sân khấu hóa thì các giáo viên đánh giá là đã đi quá đà...

Không cần “cảnh nóng” mới thu hút học sinh 

Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên (xin giấu tên) giảng dạy tại Trường PTTH Bà Điểm cho biết, phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học cũng không quá mới mẻ. Khi lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm thường giáo viên chọn lọc những trích đoạn hay, có giá trị để cho các em đóng. Có rất nhiều trích đoạn hay, có giá trị để dàn dựng, giáo viên không nhất thiết phải chọn nhiều trích đoạn có cảnh “nóng” như thế. 

Theo giáo viên này, việc thầy Đạt giải thích không kiểm soát kĩ cách các em dàn dựng sân khấu liên quan đến cảnh nóng là điều khá vô lý. Vì hầu hết các em chưa nắm rõ kịch bản và cách thức, nên khi sân khấu hóa giáo viên phải theo rất sát để tránh các em dàn dựng sai lệch, hiểu sai tinh thần tác phẩm... 

Trong ý kiến đưa ra của mình,  thầy giáo Phạm Quốc Đạt cho rằng cần xem xét các phân đoạn nói trên trong bối cảnh của tác phẩm văn học. Đồng thời, các “cảnh nóng” này có tác dụng lột tả chân thực số phận, hoàn cảnh của nhân vật để các em cảm thụ rõ ràng, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, một số giáo viên Ngữ văn không cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để bộc lộ tính cách, thân phận nhân vật văn học. 

Đưa ra nhận định chung của mình về phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học, cô Đặng Thị Huy Lam, Giáo viên chuyên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong nhiều phương pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo nhằm giúp học sinh tiếp cận với bài học tốt hơn.

Ngay cả trong bản thân phương pháp sân khấu hóa cũng có rất nhiều cách làm giúp bài học trở nên thú vị, sinh động và dễ hiểu. Ví dụ, nếu muốn lột tả thân phận hay bi kịch của nhân vật thì có thể chọn rất nhiều cách thức thể hiện, không nhất thiết phải đưa cảnh nóng lên sân khấu, như thủ pháp biểu tượng hoặc diễn tả nỗi đau khắc họa từ nét mặt... 

“Có khá nhiều cách, nhiều phương pháp khác nhau tùy vào sự nhạy bén và sáng tạo của giáo viên chứ không cần phải dùng đến “cảnh nóng”, vì “lợi bất cập hại”. Đành rằng các em học sinh cấp 3 cũng không còn nhỏ, các em không quá xa lạ với các vấn đề giới tính, tình dục.

Nhưng đó là chuyện của giáo dục giới tính. Khi lên sân khấu, khi lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề tình dục không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực như thế, điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm mà có khi lại phân tán suy nghĩ của các em, đọng lại ấn tượng không hay...”, cô Đặng Thị Huy Lam nhìn nhận.

Đọc thêm