'Xôn xao' sau lá đơn xin 'ly dị' môn Văn

(PLO) - Mới đây, để nói về thực trạng dạy và học môn Ngữ văn hiện nay ở các trường học Việt Nam, một nữ sinh đang du học ở Hà Lan là Lê Uyên Phương đã gây “bão mạng” bởi lá đơn “ly dị môn Ngữ văn”…

“99% con mèo có mắt như bi ve”

Trải qua 4 năm du học, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của bạn bè, cuối cùng Lê Uyên Phương, du học sinh ngành Tài chính tại Hà Lan đã “dũng cảm” viết lá đơn “ly dị với môn Ngữ văn”. Khá hài hước, Uyên Phương chỉ ra thực trạng của việc dạy và học Văn trong trường phổ thông và đưa ra những mong muốn của mình với môn Ngữ văn. 

Trên trang Facebook cá nhân, Lê Uyên viết: “Em tên là Phương, du học sinh đang trầy trật để thi đậu mấy môn cuối và tìm việc. Còn nửa kia của em là môn Ngữ văn. Chúng em đã bên nhau được 12 năm, mà tạm xa rời vì bây giờ em đã có nhiều bạn khác thú vị hơn. Mục đích chính của em khi đến với chương trình môn Ngữ văn là nguyên nhân khiến cho em viết lách, giao tiếp, và phản biện vô cùng kém so với những bạn đến từ các nước khác.

Thứ nhất: Tính gia trưởng. Đề bài yêu cầu học sinh nêu cảm nghĩ của mình về một vấn đề hoặc tác phẩm, nhưng nếu cảm nghĩ của học sinh mà không giống với bảng điểm là “không có ý để chấm”. Nó dẫn đến 1.000 học sinh sản xuất ra 1.000 phiên bản khác nhau vài cái chấm phẩy, dẫn đến từ trong trường lớp học sinh đã bị hạn chế chuyện nêu ra ý kiến của mình.

Thứ hai: Hay mơ mộng. Mình cảm thấy chuyện học văn rất hữu ích, vì trong cuộc sống mình sử dụng Văn nhiều hơn Toán. Ví dụ nhé: Mình bị lạc mất con mèo và muốn nhờ mọi người giúp, thế thì phải biết sử dụng văn miêu tả làm sao cho người ta tưởng tượng ra con mèo nhà mình. Thế nhưng, mèo ở Việt Nam, 100 con thì tới 99 con có đôi mắt như hai hòn bi ve!

Thứ ba: Không chịu tiếp thu cái mới.Trong trường học, thầy cô miệt mài yêu cầu học sinh đọc những tác phẩm kinh điển, đọc về các tấm gương anh hùng... nhưng học sinh thì lúc nào cũng chỉ Facebook, các trang tin, nơi mà nhiều thứ như cô ca sỹ này mới hắt hơi sổ mũi...

Thế là, công sức giảng dạy của thầy cô đổ sông đổ bể, chỉ vì chương trình không còn đáp ứng thị hiếu của giới trẻ được nữa. Em mong môn Ngữ văn: Hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc. Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo về ý kiến của mình. Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty. Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm. Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng. Kết: Hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị ly dị sau 12 năm gắn bó”.

Sau khi bức đơn “ly dị” được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đồng tình bởi thực tế dạy và học Ngữ văn hiện nay còn mang nặng tính hàn lâm, máy móc thay vì sáng tạo và khơi gợi cảm xúc, cái hay, cái đẹp của đoạn văn, bài thơ... Học sinh còn ít cơ hội tự do khám phá, tự suy nghĩ và nói lên cái riêng của chính mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng nhận xét cần phải “ly dị môn Văn” sau 12 năm học có phần cực đoan bởi môn Ngữ văn đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung so với trước đây… 

Bao giờ hết văn “đồng phục”? 

Trong khi đó, nhiều thầy cô cũng cho rằng, phần lớn học sinh hiện nay học văn đối phó và nếu bỏ thi, các em sẽ quay lưng lại với môn Văn như  đã từng xảy ra với môn Sử. Và theo không ít học sinh, nhiều tác phẩm văn học, bài thơ,... được đưa vào sách giáo khoa nhưng học xong các em vẫn không hiểu, không cảm nhận được ý nghĩa tác phẩm văn học. Không ít học sinh chia sẻ bản thân không ít lần phải học một cách đối phó, hay học thuộc lòng chỉ vì mục đích đạt được điểm cao trong khi không hiểu nội dung bài học.

Một học sinh khối 10 trường ở Hà Nội cho biết: “Em không mấy thích môn Văn bởi khi phân tích một tác phẩm văn học, em phải phân tích theo những ý cô giáo vạch sẵn thì mới có thể đạt điểm cao. Học tốt môn Ngữ văn sẽ có tác động tích cực đến các môn học khác, đặc biệt trong lối diễn đạt, trình bày. Tuy nhiên, cách học thuộc lòng có thể khiến các em có lối cảm nhận các vấn đề “giống nhau”, thiếu sáng tạo”. 

Chưa kể, nội dung bài học thiếu liên hệ thực tiễn khiến các em học sinh khó cảm nhận được ý nghĩa rút ra sau mỗi bài học. Do đó, nhiều học sinh cho rằng, thay vì những bài học đó có thể đưa vào những vấn đề xã hội, những bài tập dạng “mở” để học sinh có thể học và làm bài một cách thoải mái theo cách hiểu của mình, được sáng tạo và không gò bó theo văn mẫu.

Nguyên nhân của thực trạng trên là bởi thầy dạy và chấm theo ý, chấm chi tiết tới từng 0,25 điểm như một bài toán vậy. Và hầu hết thầy cô đều không đi chệch ra “đường ray” dạy văn đọc chép và chấm ý “thành tích” ấy. Thêm nữa, phần đa học sinh phải tự soạn bài trước khi tới lớp theo những cuốn văn mẫu tràn lan, cẩu thả, từ ngữ tối nghĩa, rườm rà…

Một thầy giáo Văn tâm huyết bày tỏ, trong hơn 10 năm giảng dạy, chỉ đôi ba lần tôi có danh hiệu thi đua nhờ “đạt chỉ tiêu”, mỗi lần nhìn đồng nghiệp hân hoan nhận thưởng, tôi cũng có chút chạnh lòng vì cảm giác như mình đang được so sánh với người có thành tích ở chỗ họ giỏi giang hơn, năng lực tốt hơn mình chăng? Nhưng rồi tôi lại tự an ủi rằng mục đích cuối cùng của dạy văn không phải là những tấm giấy khen, sự công nhận đúng nghĩa một người thầy chính ở những gì còn lại trong trò. Về điều này, nó là vô giá. Những vui buồn, yêu ghét, những trải lòng cùng trò, những thành công hay va vấp mà trò tìm đến ta tâm sự... chỉ có thể qua và nhờ những giờ giảng văn mới có chứ không phải có ở những con số phần trăm mỗi khi kết thúc năm học ta vui mừng nhìn thấy.

Trẻ nhỏ cũng có thế giới tình cảm, suy tư, cảm nhận của riêng trẻ. Nhà trường vì căn bệnh thành tích mà “đồng phục hóa” tất cả học sinh nhưng chính gia đình cũng nên là cái nôi dưỡng nuôi, hình thành trong trẻ những xúc cảm, nghĩ suy của chính mình chứ không thể đổ thừa kiểu “tại..., bởi...”. Do đó, nếu chỉ giảng văn, dạy văn theo một cực, tức chỉ có thầy giảng (đọc) trò ghi thì đó là một bước lùi. Mà người ta có ai lại đi giật lùi?

Bộ Giáo dục trong chương trình mới sắp tiến hành có đặt hoạt động trải nghiệm sáng tạo lên hàng quan trọng. Thầy sáng tạo thì trò mới được tiếp sức. Bắt đầu từ mục tiêu của bộ môn, chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi cho mình: “Học văn không thành tích, được không?”. Điều này do nhiều nguyên nhân, từ cách dạy, cách chấm bài của giáo viên (chỉ nhận xét qua loa, chưa chỉ ra lỗi cơ bản, cụ thể để giúp các em sửa chữa) đến bản thân học sinh (lơ là môn văn, học văn theo kiểu đối phó bằng cách học thuộc các bài văn mẫu...). Và theo thầy giáo này, học văn chỉ khi không còn mang nặng tính thành tích trong giáo dục thì mới mong có sự thay đổi!

Còn theo thầy giáo Ngữ văn Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội môn Ngữ văn hiện nay đã có nhiều sự cải tiến so với trước đây, đặc biệt là có phần đọc - hiểu văn bản, nghị luận xã hội. Học sinh cũng được thực hành nhiều về cách viết văn bản, nêu nhận định, bình luận trong một đoạn văn. Điều này cần thiết cho sau này khi các em viết về văn bản. Hiện đề thi Văn cũng ra theo hướng “mở” điều này không chỉ các em khối C cảm thấy thích thú mà ngay cả các em khối khác cũng cảm thấy hứng thú bởi dễ học, dễ “chém” khi làm bài, chỉ cần các em nắm được kiến thức là hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình, thậm chí điểm trung bình khá ở kỳ thi THPT Quốc gia. 

Nhưng thực tế, cách dạy và học đọc chép, làm văn chấm điểm theo ý, thì những bài văn chấm phá ở các kì thi gắn với cuộc sống chỉ là giải quyết đằng ngọn. Bởi từ cấp tiểu học, các em đã quen học văn thụ động, con mèo nhất định mắt phải như hai hòn bi ve, cô giáo và mẹ mặt trái xoan, bà em nhai trầu… Chứ nhất định không phải là bà em hàng ngày nội trợ, tối đi khiêu vũ và tóc xanh, tóc đỏ, tự lái xe hơi…

Có thể nói, học Văn là học làm người, là những cảm xúc và sự sáng tạo, là vẻ đẹp của từng ánh nắng, từng cơn gió và thậm chí là hạt bụi bay trong không trung, là những trăn trở như hơi thở… đang dần xa lạ với nhiều thế hệ học trò…

Đọc thêm