Giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội phải kèm điều kiện hoạt động

Chiều 22/4, đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về hội quần chúng do Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng Ban đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam. 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và đại diện một số cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương.

Chủ trương đúng đắn và phù hợp thực tiễn

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, sau khi Kết luận 102 được ban hành, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã kịp thời đề ra chương trình hành động trong toàn Hội. Các cấp Hội trong cả nước đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Kết luận đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đảng viên, trước hết là các hội viên của Hội. Về tình hình tổ chức, đến nay, cơ quan Trung ương Hội có Văn phòng và 4 Ban chuyên môn, nhiều đơn vị trực thuộc; 52 đơn vị và Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội. Các cấp hội địa phương có 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 596 Hội Luật gia cấp huyện và nhiều nơi tổ chức Chi hội Luật gia ở cơ sở. Tổng số hội viên là trên 63 nghìn người, trong đó số hội viên kết nạp sau Kết luận 102 là trên 17 nghìn người (tăng hơn 36%).


Theo ông Quyền, Đảng đoàn Hội Luật gia luôn xác định việc lãnh đạo nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng đoàn. Vì thế, các cấp Hội đã chủ động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho hội viên và nhân dân. Đáng chú ý là khi nắm bắt được tình hình có một số đối tượng kích động người dân phản bác việc xây dựng luật về đặc khu, Đảng đoàn Hội đã chủ động có công văn yêu cầu các cấp Hội thông tin, phổ biến để người dân hiểu rõ, thể hiện đúng quy định pháp luật khi cần đóng góp vào các nội dung cụ thể.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Bên cạnh đó, từ khi Kết luận 102 được ban hành, nhiều bộ, ngành và địa phương đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Luật gia các cấp phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Chỉ tính riêng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam... Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.

“Những chủ trương, định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận 102 là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Kết luận 102 đã phát huy tác dụng giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn tổ chức, hoạt động của các hội quần chúng; đồng thời Kết luận là một cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển mạnh mẽ tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Luật gia trong 5 năm qua” - ông Quyền đúc rút.

Cần một cuộc cách mạng

Các thành viên đoàn kiểm tra đã nêu nhiều vấn đề và nhận được sự trao đổi thẳng thắn phía Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam như vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn, công tác phối hợp với cấp ủy địa phương, nếu đổi mới cơ chế hoạt động thì sẽ gặp khó khăn, vướng mắc gì, kiến nghị những giải pháp nào?... Đặc biệt, với chủ trương giao khoán, liệu Hội Luật gia có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện hay không? 

Trả lời câu hỏi này, ông Quyền cho rằng, nếu giao khoán ngay chắc sẽ khó mà cần có lộ trình, bước đi phù hợp. Đơn cử, có một số nhiệm vụ chuyên môn sâu liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền như thành viên của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên VKSNDTC, Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia... thì chưa thể thực hiện khoán kinh phí được ngay. Theo ông Quyền, cần triển khai song song 2 cơ chế rồi mới tiến tới giao khoán. Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Lê Minh Tâm bổ sung hai nhiệm vụ nếu được giao một phần sẽ làm được ngay là tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.


Chia sẻ một số hạn chế trong triển khai Kết luận 102, lãnh đạo Hội mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Ban Bí thư có văn bản yêu cầu  các tổ chức Đảng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận 102, trong đó cần phân biệt rõ những hội quần chúng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có Đảng đoàn, do Đảng, Nhà nước lập ra, mang tính chính trị, xã hội sâu sắc, hoạt động phi lợi nhuận với những hội quần chúng khác. Trên cơ sở này, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có chế độ, chính sách riêng cho tổ chức, hoạt động của các hội như vậy.

Đánh giá cao sự phối hợp giữa hai Bên và tiềm năng, lợi thế lớn của Hội Luật gia, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng nhận định khó khăn trong hoạt động của Hội là kinh phí. Các hoạt động nổi bật của Hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp gồm xây dựng pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tuy không có kinh phí riêng nhưng Thứ trưởng gợi ý nhiều cách thức mà Hội Luật gia có thể tham gia. Về chuyển giao một số dịch vụ công cho tổ chức xã hội, doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án chuyển giao, trong đó xác định 10 lĩnh vực có thể chuyển giao như một số công đoạn trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý... Tuy nhiên, Thứ trưởng cho hay, phải định rõ tư duy xã hội hóa rõ ràng theo hướng giao việc là phải có nguồn lực.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận những đóng góp tích cực của Hội Luật gia đối với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội và chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Hội. Về định hướng thời gian tới bảo đảm phù hợp với Kết luận 102, đồng chí Mai đề nghị Hội chủ động xác định nhiệm vụ chính trị của Hội để tiếp tục đảm nhiệm và đồng tình với Thứ trưởng Hiếu là giao nhiệm vụ thì phải giao điều kiện hoạt động.

“Các nhiệm vụ phục vụ người dân thì Nhà nước phải đảm bảo nhưng ai làm tốt, Nhà nước có thể giao. Một nhiệm vụ phải có người làm, nếu cơ quan nhà nước không làm thì giao Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư... làm. Việc chuyển giao có thể không đơn giản, có thể mất ít nhất 5 năm nhưng phải làm mới thành đường đi, đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng, phải thay đổi. Đồng thời, khi giao các dịch vụ công cho tổ chức xã hội, cho phép các tổ chức thu một khoản phí” - đồng chí Mai nhấn mạnh.

Đọc thêm