Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Nhưng thực tế, mọi thứ không hề dễ…
Thực hiện khó hơn… đàm phán!
Giáo sư (GS) Michael Mugliston, Chuyên gia kinh tế cao cấp (Đại học Quốc gia Australia) khẳng định, triển khai hiệu quả việc thực hiện các FTA là một việc khó khăn, thậm chí còn khó hơn quá trình đàm phán. Lợi ích của những hiệp định này đương nhiên không diễn ra. Do đó, theo ông, triển khai các FTA là việc lớn, cần có sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ.
Các FTA đặt ra những cam kết mang tính ràng buộc pháp lý, qua đó có thể giúp tập trung vào các chính sách tốt, đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc khía cạnh quốc tế bên cạnh áp lực bảo hộ trong nước trong các quyết sách. CPTPP có phạm vi rộng hơn so với các hiệp định truyền thống, qua đó mở rộng việc thể chế hóa các quy trình chính sách trong nước.
GS đến từ Australia cũng cho rằng, cần có một cơ chế thể chế chủ động để triển khai thực chất và duy trì CPTPP như một hiệp định sống động. Cần có một cách tiếp cận chiến lược, bao gồm sự phối hợp của toàn bộ Chính phủ để tham gia vào thực chất công việc của các Ủy ban được hình thành theo Hiệp định.
Cụ thể, GS Michael Mugliston đề xuất thành lập 11 Ủy ban để thực thi CPTPP như: Ủy ban thương mại hàng hóa; Ủy ban thương mại nông nghiệp; Các vấn đề về thương mại dệt may; Các vấn đề về vệ sinh dịch tễ; Rào cản kỹ thuật trong thương mại… Ngoài ra, còn ít nhất 6 cơ quan trực thuộc được hình thành theo hiệp định như: Quy tắc xuất xứ; Dịch vụ tài chính; Dịch vụ chuyên môn; Đấu thầu mua sắm cho Chính phủ…
Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dù những ước tính xung quanh việc thực thi CPTPP đã có với mức tăng trưởng GDP thêm 1,32% và tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 4,04% vào năm 2035. Tuy nhiên, thực tế, mức tăng có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.
Ông Hải cho rằng, những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển, cũng đòi hỏi DN Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Đây chính là chìa khóa để đạt được kết quả tăng trưởng đáng kể.
Thách thức sẽ đến trước
Đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, thách thức từ các FTA sẽ đến trước và sẽ thấy ngay. Bởi vì các DN của các nước phát triển rất năng động, nhất là những nước thuộc CPTPP. Họ có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam.
Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, DN Việt sẽ “thua ngay trên sân nhà”. Theo đại diện này, cơ hội cũng sẽ đến với các DN Việt khi thị trường các nước tham gia FTA được mở ra. Nhiều thị trường tiềm năng, sức mua lớn là “mảnh đất” tốt cho các DN phát triển. Riêng đối với các DN sữa, cơ hội này không nhiều vì đưa sữa của Việt Nam sang các nước ôn đới, đã phát triển không khác gì “chở củi về rừng”.
Ngược lại, với các DN sữa, FTA là một thách thức là rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Australia, New Zealand... Cần phải năng động, sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù, những con đường riêng thì mới tận dụng được cơ hội do FTA mang lại.
Điều quan trọng cần lưu ý, thị trường nước ngoài là quan trọng nhưng thị trường nội địa là quyết định. Nội lực là then chốt, đảm bảo sự tồn tại của các DN sữa. Để có thể vươn ra tầm quốc tế, các DN nói chung phải cạnh tranh thành công ngay tại thị trường nội địa. Phải xem thị trường nội địa là hậu phương, là “bàn đạp” để DN tiến quân ra nước ngoài. Nếu để thất bại khi cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường trong nước thì sẽ có rất ít cơ hội thành công ở thị trường nước ngoài.
Vị đại diện này cũng cho rằng, mặc dầu các FTA tỏ ra có vẻ công bằng với các bên tham gia. Tuy vậy, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều có phương pháp riêng triển khai các hiệp định này. Thông thường có nhiều rào cản hợp pháp các quốc gia có thể dựng nên để ngăn chặn bớt dòng chảy hàng hóa từ nước ngoài vào nội địa. Đồng thời phải khơi thông dòng chảy cho hàng hóa trong nước ra nước ngoài. Thương mại thực sự bình đẳng còn phải trải qua nhiều thời gian và nhiều chặng đường hơn nữa…
Thách thức nghiêm trọng với ngành Sữa Việt Nam
“Với các DN sữa, FTA là một thách thức là rất nghiêm trọng bởi Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập từ Australia, New Zealand... Vì thế, cần năng động, sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù, những con đường riêng thì mới tận dụng được cơ hội của FTA”.