(PLO) - Từ 6 giờ sáng, phòng khám Giáo sư, Khoa Khám bệnh tự nguyện (Bệnh viện Bạch Mai) đã đông nghịt, bệnh nhân cùng người nhà. Trong khi đó, phòng khám bác sĩ khá vắng vẻ...
“Có bệnh thì vái tứ phương”, chị Nguyễn Thị Lan, quê Thái Bình lặn lội lên Bệnh viện Bạch Mai từ 5 giờ sáng để khám bệnh. Chị Lan cho biết: “Tôi thấy ở quê người ta nói trong Bệnh viện Bạch Mai có dịch vụ phòng khám toàn giáo sư khám. Tiền khám đắt thêm chút ít nhưng được người giỏi khám nên cảm thấy an tâm hơn”. Như để tự động viên, chị Lan nói thêm: “Trình độ giáo sư uyên thâm, chắc phải khám rất chuẩn. Người ta là giáo sư cơ mà, phải hơn mấy anh thạc sĩ, bác sĩ chứ!”.
Cũng theo lời chị Lan, ở xã chị và một số xã lân cận, người dân kéo nhau lên đây khám đông lắm vì họ cho rằng bệnh viện tỉnh dịch vụ chưa được tốt, “mất công một thể” đi thẳng lên tuyến Trung ương khám cho chắc chắn. Bước ra khỏi phòng khám, cầm trong tay sổ khám bệnh cùng đơn thuốc “ngót” 3 triệu đồng, chị Lan chột dạ vì chỉ khám chừng 15 phút rồi nhận đơn ra quầy mua thuốc, xem ra cũng chẳng hơn gì những lần đi khám ở quê.
Bắt xe từ 3 giờ sáng ở Thanh Hóa, đến Giáp Bát gần 6 giờ, anh Hoàng Anh Dũng (Quảng Xương, Thanh Hóa) đưa vợ ra khám phụ khoa tại phòng giáo sư, Khoa Khám bệnh tự nguyện của Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhà cách Bệnh viện Sầm Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ hơn 6km nhưng anh Dũng vẫn không yên tâm để vợ khám ở bệnh viện tuyến tỉnh.
“Tôi nghe mọi người mách nhau Bệnh viện Bạch Mai có phòng khám giáo sư nên muốn đưa vợ vào khám, mong là biết rõ bệnh tình. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, mặc dù chi phí khám cũng khá lớn nhưng không yên tâm lắm” - anh Dũng bộc bạch. Anh Dũng đã vay hàng xóm hơn 3 triệu đồng ra Hà Nội khám bệnh cho vợ.
Kế Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện Da liễu Trung ương. Biển hiệu “Phòng khám giáo sư” treo ngay cổng vào. Tấm biển như một lời quảng cáo, hướng dẫn bệnh nhân vào 3 phòng khám giáo sư kế tiếp, cách đó chừng 100m.
|
Phòng khám Giáo sư của Viện da liễu. |
Không phải bệnh nào cũng cần đến giáo sư thăm khám, nhưng vì tâm lý, bệnh nhân cứ đổ dồn vào khiến các phòng khám giáo sư trở nên quá tải. Liệu mỗi bệnh nhân chỉ được khám đôi ba phút thì có biết rõ được nguồn cơn cũng như các giải pháp điều trị phù hợp với mình? Vì không tin bệnh viện tuyến dưới, vì lo lắng thái quá và việc “sính” khám giáo sư đang vô tình trở thành gánh nặng cho người nhà bệnh nhân ngoại tỉnh.
Cũng Khoa Khám tự nguyện, ngược lại với phòng khám giáo sư, phòng khám bác sĩ khá vắng vẻ, thậm chí có bác sĩ ngồi… “ngáp ruồi”. Đây là một thực trạng bi hài của dịch vụ y tế công lập. Thực tế, với các loại bệnh lý cả đơn giản và phức tạp, các bác sỹ được đào tạo bài bản hoàn toàn có thể khám và tư vấn cũng như chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Nhiều người biết vậy, nhưng khi đi khám dịch vụ, họ lại cố gắng được “khám Giáo sư”, để rồi tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc…
Cái gì cũng có tính hai mặt
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình) chia sẻ:
“Những người có hàm học vị cao như giáo sư, tiến sĩ có nhiều hiểu biết, kiến thức chuyên môn sâu rộng và thường là những người làm quản lý về hưu. Bệnh viện muốn sử dụng chất xám của họ, mời họ về, bắt buộc phải bỏ nhiều tiền hơn nên tiền khám dịch vụ mà người dân phải trả nhiều hơn là điều hợp lý.
Tuy nhiên, không ít phòng khám chữa bệnh lại mời các giáo sư, tiến sĩ không đúng với chuyên môn gây thiệt hại cho người bệnh. Bệnh nhân không hiểu được bệnh thế nào là thông thường và thế nào là nghiêm trọng, có đến mức phải đến khám tại phòng giáo sư các bệnh viện Trung ương hay không…
Khám giáo sư là nguyện vọng chính đáng của bệnh nhân nhưng người dân cũng không nên quá “chạy theo trào lưu” này. Nên đi khám tại các Bệnh viện gần nhất, nếu có chỉ định bệnh nặng và nghiêm trọng mới đi khám tại tuyến trên để vừa đỡ mất thời gian, tiền bạc lại tạo cơ hội cho những người bệnh nặng hơn được cứu chữa kịp thời”.