Quốc Hội lo ngại về những con số quá đẹp của Chính phủ

(PLO) - Những con số trong bản báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2014 được Chính Phủ báo cáo QH trong buổi sáng ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8 cho thấy một bức tranh khá sáng sủa của nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những con số quá đẹp ấy lại khiến các đại biểu lo ngại. 
Quốc Hội lo ngại về những con số quá đẹp của Chính phủ
Trong phiên thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 của chính phủ, diễn ra trong buổi sáng hôm nay (21/10), ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) không ngại ngần bày tỏ: "Các con số vẫn còn là băn khoăn, đánh giá thay đổi nhanh quá để khiến các ĐB không khỏi lo ngại. "
Chung quan điểm này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng bày tỏ: “Tôi còn phân vân về tính chuẩn xác của số liệu.”. Đưa dẫn chứng, đại biểu Vinh so sánh con số về DN thành lập, phá sản của 9 tháng đầu năm 20014. Nếu lấy hai con số này trừ đi thì chúng ta chỉ còn đăng ký mới là 1281DN, đặc biệt, trong khi đó, số doanh nghiệp tạm dừng cũng rất lớn. “Một loạt giải thể, tạm dừng, dừng không kinh doanh, mà hai chỉ tiêu DGP và chỉ tiêu giải quyết việc làm vẫn đạt được. Quả thật là muốn tin cũng còn phải suy nghĩ.” – ông nói. 
Theo vị Phó đoàn ĐB thành phố Hải Phòng, bên cạnh những con số còn đầy lo ngại, một số vấn đề ông cho rằng cần phải làm rõ đề hỗ trợ cho bản báo cáo rõ ràng hơn. Ví như câu chuyện xử lý nợ xấu của cty mua bán nợ. Ông đề nghị: “Chính phủ cần báo rõ công ty đó hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao, nếu cứ tình hình này, có thể giải quyết được nợ xấu hay không? Bởi với các nước, các công ty xử lý nợ cần hỗ trợ của nhà nước. Còn ở nước ta, nhà nước chỉ hỗ trợ lúc đầu, mà họ tự hoạt động được như thế thì quá lạ. Cần phải đánh giá, có cơ chế rõ ràng, báo cáo với QH về vấn đề này.”
Đặc biệt, ĐB Vinh bày tỏ sự lo ngại khi  nợ công đang mức báo động, lên đến 25%. Với con số này, theo ý kiến ĐB, CP cần đánh giá một cách thực tế . “Chỉ khi đánh giá thực tế mới có giải pháp. Không nên cứ tích tụ, giấu diếm đến mức không thể giải quyết được. Nếu để con số ở mức báo cáo đẹp đẽ thì rất nguy hiểm.” – ông nói. 
Cũng nói về những con số. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng trong báo cáo CP đã đưa ra nhiều con số, nhưng vấn đề đặt ra là tác động của nó. Chưa có sức đo để thể hiện tính thực tế của con số. “Một DN nhà nước cổ phần hóa thì làm ăn thế nào, vốn được sử dụng như thế nào. Chưa thấy. Chúng ta mới đi ở bên ngoài mà chưa phân tích bên trong.” – ông Thông phát biểu.
Theo đại biểu Thông, để con số có tính thuyết phục, trong báo cáo của Chính phủ, cần phải có những phân tích rõ ràng. “Kể cả việc thoái vốn, vẫn chỉ đưa ra phân tích quá trình thoái vốn. Nhưng phải cho thấy rõ vốn đó thoái như thế nào, dùng vào đâu, hiệu quả thế nào. Chúng ta xử lý bệnh phải hiểu xử lý đến đâu, kết quả như thế nào. Kể cả trong báo cáo lần trước, cũng chưa thấy nói về hiệu quả.” ĐB Thông phát biểu. 
Một ý kiến ĐB tỉnh Thanh Hóa cho rằng CP cũng như các ĐBQH cần phải lưu tâm là mặc dù theo báo cáo, chúng ta đã đạt được thành công, nhưng so với nhiều nước, họ vượt chúng ta, họ đi rất nhanh. “Tại sao ta lại chậm trễ? Nếu chỉ nhìn vào sự tăng trưởng của chính mình mà tự hài lòng thì rất có nguy cơ tụt hậu.”- ông nói.
Cũng chưa tìm thấy sự an tâm trong bản báo cáo của CP, ĐB Trương Thị Huệ (Tỉnh Thái Nguyên) nhận định: Chính phủ dự kiến đạt 13/14 chỉ tiêu nhưng các chỉ tiêu dù có đạt song chưa bền vững. CPI giảm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo, thất nghiệp, tạo việc làm, tỷ lệ giường bệnh… vẫn mong manh như có việc làm nhưng thu nhập không đủ sống, chỉ là việc làm “đói” thu nhập vài trăm nghìn, không đủ trang trải…. 
ĐB Trần Xuân Hòa không ngần ngại bày tỏ: “Tôi thấy lo lắng với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Các con số phải được đánh giá chính xác. Phải chăng chúng ta đang áp lực thành tích nên cũng ảnh hưởng đến công tác tham mưu của các cơ quan nhà nước cho nên mới có chuyện, Thứ trưởng họp báo công bố thế này rồi Bộ trưởng bảo không phải hay có bộ vừa công bố xong thì lại xin lỗi.?”
Đi thẳng vào vấn đề của lĩnh vực phòng chống tham nhũng (PCTN), ĐB Lê Thị Nga (Tỉnh Thái Nguyên) phát biểu: “Đánh giá của CP phải thể hiện rõ sự chuyển biến ở từng lĩnh vực chứ không nên đánh giá “na ná” như nhau giữa các năm: như tài chính ngân hàng, tình hình tham nhũng lĩnh vực công… mới chung chung, nhiều định tính, ít định lượng nên cần đánh giá theo những tiêu chí rõ ràng, trong lĩnh vực nào cần có căn cứ để đánh giá, nếu căn cứ vào các vụ án cụ thể thì không phản ánh đúng mà cần đánh giá của người dân.
Hiện đánh giá qua các tổ chức nên có thể có tổ chức nhà nước đánh giá, điều tra của người dân. Kết quả đó công bố cho QH để xác định lĩnh vực nào nhiều tham nhũng đánh giá chứ không thể 5-10 năm vẫn cứ đánh giá kiểu “còn phức tạp”… Báo cáo phải chỉ rõ mô hình cơ quan PCTN chỗ nào chưa phù hợp. Nếu không năm sau báo cáo vẫn vậy."
Chiều nay, các ĐB sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ về vấn đề này, và sẽ có một buổi thảo luận chung tại Hội trường Diên Hồng./.

Đọc thêm