Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ: Người nặng lòng với sự nghiệp Y tế tư nhân Việt Nam

(PLVN) -Tính từ năm 2014 đến nay, Giáo sư, Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ cùng Ban chấp hành Hiệp hội Y tế tư nhân Việt Nam đã tham gia hàng trăm văn bản góp ý về hoạt động xây dựng phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành. Cũng từ đó nhiều chính sách mở đường cho y tế tư nhân có sự công bằng, phát triển mạnh mẽ và có vị thế như ngày hôm nay.
Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực, doanh nhân thành công ở nhiều lĩnh vực kinh doanh- đầu tư.

Hiện thực hóa khát vọng đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần với người dân

Đầu những năm 1990, với khao khát cống hiến bứt phá, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, ông Nguyễn Văn Đệ đã quyết định xin nghỉ hưu sớm trước tuổi ở ngành công an, bắt đầu bước vào sự nghiệp kinh doanh, khởi đầu là hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, chủ yếu kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa Bắc – Nam.

Năm 1996, ông đã mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HXT) vận tải Hợp Lực, trở thành lá cờ đầu của mô hình HTX ở Thanh Hóa

Năm 2003, sau khi xây dựng thành công mô hình Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực, ông quyết tâm thực hiện chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở nền tảng sẵn có của thương hiệu Hợp Lực. Theo kế hoạch, Hợp Lực dự định xây dựng một khách sạn 9 tầng ở cửa ngõ phía Bắc TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi dự án đang xây dựng được 3/7 tầng, tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, người dân Thanh Hóa phải nằm ghép giường bệnh, phải chuyển tuyến ra bệnh viện trung ương rất vất vả, tốn kém, điều đó đã thôi thúc ông Nguyễn Văn Đệ thay đổi định hướng ban đầu.

"Chứng kiến cảnh người dân Thanh Hoá mỗi lần ra Hà Nội khám chữa bệnh là cơm đùm, cơm nắm dắt díu bắt xe đi từ tờ mờ sáng, lúc đó trong đầu tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao cứ đi khám, chữa bệnh, phần lớn lại phải ra bệnh viện tuyến Trung ương? Không lẽ ở tỉnh lẻ không làm được hay sao? Một người đi chữa bệnh mà kéo theo mấy người chăm sóc thì tiền đâu cho lại. Vô cùng tốn kém, vất vả!” Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ luôn trăn trở với sự phát triển của Y tế tư nhân Việt Nam.

Chính vì vậy, mặc dù dự án khách sạn đang xây được đến tầng thứ 4, Hội đồng quản trị Hợp Lực đã có quyết định táo bạo là xin chuyển đổi mục đích kinh doanh sang xây dựng bệnh viện tư nhân.

Khi đó, việc đưa ra quyết định xây dựng bệnh viện tư nhân cũng gặp vô vàn khó khăn, mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa ngành y tế.

Bằng tinh thần nỗ lực vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Thanh Hóa và khu vực Miền Trung đã hoàn thành. Với 100 giường bệnh, được trang bị phương tiện y tế hiện đại và chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực ngay sau khi ra đời đã nhận được sự tin tưởng của đông đảo bệnh nhân.

Kinh doanh trong một lĩnh vực đặc thù, luôn đối mặt với rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người, lại chịu nhiều thiệt thòi về cơ chế, chính sách so với bệnh viện công lập; vì vậy, ngay từ khi thành lập, ông đã chỉ đạo đề ra các quy chế hoạt động cho Bệnh viện, trở thành kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của mỗi một y bác sỹ, thầy thuốc, nhân viên phục vụ tại bệnh viện.

Một là, xem bệnh nhân, người nhà bệnh nhân như người thân, đến niềm nở, ở tận tình, về chu đáo. Hai là, tạo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở bệnh viện đa khoa Hợp Lực có không gian vệ sinh sạch sẽ, thoải mái như ở nhà. Ba là, tiến hành thủ tục khám chữa bệnh theo hướng nhanh, gọn, đúng quy trình. Bốn là, không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng thiết bị vật tư y tế, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của y bác sỹ. Năm là, tuyệt đối không được nhận quà của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

“Để thực hiện được những quy chế đó, tôi đề nghị bệnh viện cung cấp số điện thoại đường dây nóng (số điện thoại cá nhân Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc) công khai để lắng nghe phản ánh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, khen, thưởng, kỷ luật công khai, minh bạch, khách quan...Bệnh nhân tin tưởng, đến khám chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa Hợp Lực ngày càng đông đảo. Thời kỳ 2006 – 2009, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải”. Giáo sư, Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ cho biết.

Sự ra đời và hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã trở thành mô hình mẫu để nhiều nhà đầu tư y tế tư nhân trong cả nước đến học tập kinh nghiệm xây dựng, quản lý, điều hành hoạt động, góp phần giảm tải cho các bệnh viện nhà nước trên địa bàn tỉnh và bệnh viện tuyến Trung ương.

Người dân có thêm sự lựa chọn khi đi khám chữa bệnh, góp phần thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về y tế tư nhân. Đặc biệt, các bệnh viện nhà nước trên địa bàn tỉnh buộc phải thay đổi thái độ giao tiếp, ứng xử với người bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Các cơ quan quản lý nhà nước có thực tiễn để đánh giá khách quan về vai trò, vị trí của y tế tư nhân trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

Cơ sở vật chất cùng các hoạt động khám chữa bệnh chất lượng cao của các bệnh viện trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực.

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực đã trở thành bệnh viện tư nhân có quy mô giường bệnh lớn nhất toàn quốc, có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đứng đầu trong khối bệnh viện tư nhân toàn quốc, được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, được Bộ Y tế đánh giá, xếp hạng là 01 trong 12 bệnh viện xuất sắc toàn diện trong năm 2015.

Nối tiếp những thành công của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực tại Thành phố Thanh Hóa, năm 2018 ông đã thành lập Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia.

Sau 9 tháng 10 ngày triển khai thi công xây dựng, ngày 5/5/2019, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực đã chính thức hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Bệnh viện có tổng mức đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng quy mô 480 giường bệnh.

Công trình Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực là dự án thành công nhất trong chuỗi các dự án được ký kết tại diễn đàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2017 và là Công trình được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là công trình gắn biển kỷ niệm chào mừng 990 năm Thanh Hóa năm 2019.

Việc đầu tư và đưa vào hoạt động Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực không chỉ đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân về các dịch vụ y tế, giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội cho Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Người tiên phong đi phá những “tảng băng” cơ chế trong lĩnh vực y tế

Y tế tư nhân tại Việt Nam hình thành đã gần 20 năm kể từ khi có chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước nhưng đến năm 2014 ở nước ta vẫn chưa có một tổ chức đủ mạnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng y tế tư nhân.

Trước đó, việc ra đời và hoạt động của Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tạo được dấu ấn trong đời sống y tế tư nhân. Thực tế đòi hỏi cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam phải có một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, đủ uy tín, tầm vóc để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Sau hơn một năm vận động thành lập, ngày 26/8/2014, tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tổ chức thành công đại hội thành lập theo Quyết định số 611/QĐ- BNV ngày 11/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Việc ra đời của tổ chức Hiệp hội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đáp ứng nguyện vọng của khối bệnh viện tư nhân trên cả nước.

GS.Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tham dự hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế của Ủy ban Xã hội Quốc hội ngày 20/9/2024.

Tại Đại hội Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam Lần thứ I, Giáo sư, Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ được cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Đây là tổ chức xã hội – nghề nghiệp quy tụ gần 137 bệnh viện tư nhân toàn quốc nhằm mục đích đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khối y tế tư nhân.

Ngay sau khi được bầu giữ trọng trách mới, ông đã tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện, đóng góp ý nhiều dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và hàng trăm văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực y tế, BHYT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nổi bật như: Dự thảo Thông tư xếp hạng bệnh viện tư nhân và ban hành tiêu chí phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và sắp xếp hạng tương đương đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; Thông tư Ban hành danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập; Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Tham gia Hội thảo xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ y tế; Dự thảo Thông tư quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chứa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất; Thông tư của Bộ y tế hướng dẫn kê khai giá, niêm yết giá, công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh….

Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Giáo sư, Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ cùng Ban chấp hành Hiệp hội tham gia hàng trăm văn bản góp ý về hoạt động xây dựng phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, ông mạnh dạn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi nhiều chính sách mở đường cho y tế tư nhân có sự công bằng, phát triển mạnh mẽ và có vị thế như ngày hôm nay.

Như việc điều chỉnh, sửa đổi điều 52 Luật Đấu thầu năm 2013, cho phép cơ sở y tế tư nhân được tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc, vật tư y tế; kiến nghị thực hiện chính sách thông tuyến huyện, thông tuyến tỉnh quy định trong Luật BHYT năm 2014; chính sách người dân đi khám, chữa bệnh vào thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết ở bệnh viện tư nhân vẫn được BHYT thanh toán; kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực y dược rà soát lại chính sách đóng học phí đối với cán bộ các bệnh viện tư nhân, tạo sự công bằng giữa các học viên các bệnh viện tư nhân và các học viên bệnh viện nhà nước…

Đặc biệt, năm 2019, nhận thấy một số nội dung bộ Luật Lao động sửa đổi có tác động đến đối tượng hành nghề y tế trong cả nước, ông đã kịp thời chỉ đạo làm văn bản kiến nghị gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét với nội dung về thời gian làm việc bình thường của người lao động tại các cơ sở y tế tư nhân và lựa chọn phương án tăng giờ làm thêm đối với ngành y tế. Sau khi nghiên cứu, xem xét, Quốc hội đã thảo luận bấm nút thông qua bộ Luật lao động sửa đổi với quy định người lao động được làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù, trong đó có hướng dẫn đối với lĩnh vực y tế.

“Nếu không quy định ngành y tế là đặc thù, thì vô hình dung sẽ buộc nhân viên y tế phải đứng trước sự lựa chọn: Hoặc “chấp nhận vi phạm quy định luật pháp để cứu chữa người bệnh”, hoặc “buộc phải từ chối cứu chữa tính mạng người bệnh để không vi phạm quy định về giờ làm thêm." Giáo sư, Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc, cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực tháng 11/2023.

Sau 10 năm thành lập và phát triển, trải qua 2 kỳ đại hội, dưới sự dẫn dắt của ông, Hiệp hội không ngừng lớn mạnh, phát triển cả quy mô và chất lượng hoạt động, khẳng định rõ nét vị thế, vai trò không thể tách rời của cộng đồng y tế tư nhân đối với hệ thống y tế Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một chặng đường dài nhìn lại, GS.VS danh dự Nguyễn Văn Đệ tâm đắc: “Tôi luôn tự ý thức sứ mệnh của mình là cầu nối, truyền tải tiếng nói từ cơ sở đến với trung ương, từ đó góp phần thúc đẩy việc sửa đổi một số chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động cũng như yêu cầu phát triển của khối y tế tư nhân theo hướng bình đẳng giữa y tế nhà nước với y tế tư nhân. Và trên hết, đích đến cuối cùng phải là đem lại phúc lợi cao nhất cho người bệnh, cho nhân dân”.

Với những thành tích và đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, những cống hiến cho lợi ích của cộng đồng trên tinh thần thượng tôn Pháp luật, Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và bằng khen danh giá như danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2010) và cấp tỉnh, thành phố, cơ sở; Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2011); Huân chương lao động hạng Nhất (năm 2016). Ngoài ra, ông còn được nhận nhiều cúp, kỷ niệm chương và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phòng TM&CN Việt Nam, BCH Công đoàn Y tế Việt Nam, Liên Minh Hợp Tác xã Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ LĐ-TBXH, Bộ VH-TT và Du lịch, Bộ Tư pháp, …

Ngày 24/9/2024, Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực Thanh Hóa vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023.

Đọc thêm