“Giáo sư Xoay” với vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Có phải truyện cổ tích nào cũng phù hợp với bối cảnh hiện tại nữa không”, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, tác giả kịch bản vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" nói trong cuộc họp báo công bố tác phẩm cùng tên vào chiều 7/5.
Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ được công diễn lần đầu tiên trong hai đêm 1/6 và 2/6 tới tại Rạp hát Âu Cơ (Hà Nội) - Ảnh: BTC
Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ được công diễn lần đầu tiên trong hai đêm 1/6 và 2/6 tới tại Rạp hát Âu Cơ (Hà Nội) - Ảnh: BTC

Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ được công diễn lần đầu tiên trong hai đêm 1/6 và 2/6 tới tại Rạp hát Âu Cơ (Hà Nội) đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Tác phẩm lấy cốt truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng nổi tiếng nhưng được phát triển thêm hướng nội dung mới, thậm chí theo kiểu “phản cổ tích” để giải thiêng một số nhân vật, mạch nội dung quen thuộc, tạo cảm giác vừa lạ vừa quen, gây bất ngờ đối với khán giả.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, cổ tích là một di sản văn hóa khá ổn định, liệu tinh thần “phản cổ tích” mà ê-kip vở nhạc kịch này đưa ra liệu có gây ra sự tranh cãi hay không, tác giả kịch bản Đinh Tiến Dũng chia sẻ, cách đây vài ba năm, khi tìm hiểu về truyện cổ tích, bản thân anh bị bất ngờ.

“Đúng là có nhiều truyện cổ tích mang tính giáo dục và nhân văn nhưng nếu đọc kĩ, đặt trong bối cảnh ngày hôm nay, cũng có những truyện cổ tích rất ghê gớm, kích động bạo lực, thậm chí vớ vẩn, không còn phù hợp cho các em nhỏ nữa, “Giáo sư Xoay” cho biết.

Theo anh, đôi khi các bậc phụ huynh phải tự cho mình cái quyền hỏi ngược lại: Liệu các truyện cổ tích còn phù hợp với hiện tại không? Truyện cổ tích không phải lúc nào cũng ngọt ngào, có cả cạm bẫy.

Tác giả kịch bản lấy ví dụ nguyên bản truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng, nếu ngẫm kĩ sẽ không khỏi giật mình. Truyện dạy con trẻ về lòng tham của con người nhưng nói cho cùng, lòng tham đó được kích hoạt khi được trao cho một cơ hội. Cơ hội đó chính là chú cá vàng. Nếu nhìn truyện cổ tích đó dưới một góc độ khác, thậm chí, truyện còn cổ súy thói ăn sẵn, “há miệng chờ sung”, ỷ lại, chờ con cá vàng đến mang theo một cơ hội may mắn.

Cá vàng với điều ước trên trời rơi xuống trong cổ tích xưa chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đúng nghĩa. Ngược lại, nhân vật cá mập vốn được mặc định là “vai ác” lại gây bất ngờ và khó đoán khi lại là người tốt. Cổ tích thời nào thì cũng gieo cho con người những ước mơ và hướng thiện. Tác phẩm làm cho các em nhỏ nhận ra rằng, chẳng có ước mơ hay điều ước nào là miễn phí cả...

“Các em nhỏ bây giờ không còn giống với thế hệ chúng tôi, thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ, sự vượt trội về tư duy khiến các em có cái nhìn khác, cảm thụ khác, đòi hỏi những người làm về văn hóa – giải trí cũng phải “xoay 180 độ” mới tiếp cận được”, ông Dũng nói thêm.

Với tổng thời lượng 45 phút, thông qua các tình tiết trong vở kịch, mối quan hệ về cha con – bạn bè, vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập nhấn mạnh vào yếu tố nhân văn nhằm khuyến khích các cá nhân, đặc biệt các em nhỏ không ngừng ước mơ và nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực. Đồng thời, tôn vinh các giá trị gia đình, bạn bè tốt đẹp.

Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ được công diễn lần đầu tiên trong hai đêm 1/6 và 2/6 tới tại Rạp hát Âu Cơ (Hà Nội) - Ảnh: BTC

Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ được công diễn lần đầu tiên trong hai đêm 1/6 và 2/6 tới tại Rạp hát Âu Cơ (Hà Nội) - Ảnh: BTC

Vở kịch do NSƯT Trần Ly Ly làm cố vấn nghệ thuật, đạo diễn sân khấu Vũ Đình Thắng, nhạc sĩ Văn phong – Minh Phương, họa sĩ sân khấu Phùng Nam Thắng, biên đạo Đức Việt – Ngọc Diệp, họa sĩ phục trang NSND Vương Tất Lợi.

Ca sĩ Đông Hùng sẽ vào vai cá mập bố. Ngoài ra, vở nhạc kịch còn có sự tham gia của các ca sĩ Trung Dũng, ca sĩ Thu Hiền VK,… cùng dàn tài năng nhí hóa thân vào tuyến nhân vật Cá mập con, Cá Hề, Cá Vàng, Cá Bạc, Cá Khuyến khích, nhóm Phù du…