Giao thông hiện đại phải song hành với ứng xử văn minh

(PLVN) - Thời gian qua, diện mạo giao thông cả nước đã có nhiều thay đổi, nhất là với sự xuất hiện của các phương tiện công cộng hiện đại. Tuy nhiên, để hướng tới giao thông văn minh, hiện đại thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có vấn đề nâng cao ý thức người dân khi sử dụng phương tiện công cộng.
Hình ảnh kém đẹp trên tuyến Metro số 1. (Nguồn: Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh)

Ghi nhận nhiều hành vi thiếu ý thức

Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên thuộc hệ thống Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) được kỳ vọng sẽ mở ra bước ngoặt mới trong việc phát triển hạ tầng giao thông văn minh, hiện đại, đồng thời góp phần kiến tạo diện mạo đô thị mới cho thành phố. Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, tuyến Metro số 1 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, như: đúng giờ, sạch sẽ, an toàn, tiện lợi, an ninh… Đặc biệt, tuyến tàu giúp người dân di chuyển thuận tiện, nhanh chóng, an toàn và tránh được tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những phản hồi tích cực, tuyến Metro số 1 còn ghi nhận nhiều hình ảnh kém đẹp về hành vi thiếu ý thức của một bộ phận hành khách. Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 12/3, một người đàn ông đã đu người lên tay nắm và các thanh sắt trong toa tàu để thực hiện động tác hít xà đơn, bất chấp nhiều hành khách đã lên tiếng nhắc nhở.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, nhân viên an ninh nhanh chóng tiếp cận, song người đàn ông đã rời khỏi tàu trước đó. Qua xác minh từ lực lượng chức năng, người đàn ông là N.V.T.T. (SN 1989, thành phố Thủ Đức), hiện đang định cư ở nước ngoài. Hành vi của ông T. được xác định là gây rối trật tự công cộng, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn cho hành khách. Lực lượng chức năng cho biết sẽ mời làm việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu người này về nước trong thời gian tới.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên tuyến Metro số 1 ghi nhận các hành vi phản cảm như vậy. Trước đó, vào đầu tháng 1, mạng xã hội từng lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nam thanh niên đu người trên tay nắm và các thanh sắt để hít xà, tập thể dục ngay trong toa tàu. Ngoài ra, đội ngũ vận hành cũng thường xuyên phát hiện nhiều hành vi thiếu ý thức, vi phạm văn hoá Metro như chụp ảnh phản cảm, mang theo đồ ăn, thức uống, xả rác bừa bãi, vượt vạch an toàn…

Xây dựng văn hóa giao thông công cộng từ những hành động nhỏ

Thực tế, câu chuyện thiếu ý thức nơi công cộng vốn không xa lạ ở nước ta, nhất là trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu hoả,… Những hành vi này không chỉ gây phiền toái đến hành khách xung quanh mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của phương tiện công cộng. Vì lo ngại những hành vi thiếu ý thức đó, không ít người dân ngần ngại khi chọn phương tiện công cộng, khiến thói quen di chuyển bằng loại phương tiện này chưa thật sự phổ biến.

Trước thực trạng trên, việc xây dựng văn hóa giao thông công cộng, hiện đại đi đôi với văn minh trở thành yêu cầu cấp thiết. Năm 2023, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt Thủ đô, xây dựng văn hóa xe buýt “An toàn - Văn minh - Thân thiện”, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt”. Bộ quy tắc ứng xử đã tiếp cận được với đông đảo hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt thuộc các tầng lớp cũng như độ tuổi khác nhau, góp phần định hướng hành vi, nâng cao chuẩn mực đạo đức cũng như ý thức ứng xử văn hóa khi tham gia phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt.

Tương tự, đối với các loại hình phương tiện công cộng khác, việc xây dựng và lan tỏa văn hóa giao thông công cộng cũng đang được chú trọng. Các đơn vị vận hành ngày càng quan tâm đến việc ban hành nội quy, quy định hướng dẫn hành khách ứng xử đúng mực trên tàu điện, tàu hỏa hay máy bay… Tuy nhiên, quy định dù đầy đủ đến đâu cũng chỉ mang tính định hướng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi hành khách trong việc chấp hành văn hoá giao thông công cộng.

Theo bạn đọc Gia Bảo (27 tuổi, TP HCM), những hình ảnh thiếu ý thức như đu xà, khoe thân ngay trên tuyến Metro số 1 đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng văn hóa giao thông công cộng, hiện đại phải đi đôi với văn minh. “Với kỳ vọng tàu Metro sẽ không ngừng phát triển, tôi mong mỗi hành khách hãy cùng xây dựng văn hóa giao thông công cộng từ những hành động nhỏ, từ đó giữ gìn niềm hy vọng cho một diện mạo giao thông văn minh, hiện đại”.

Đọc thêm