Giáo viên đang chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại nhiều trường học, các nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ngoài truyền đạt kiến thức còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh, nhà trường và xã hội, thậm chí đôi lúc giáo viên còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề không liên quan đến giáo dục.
Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)
Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)

Áp lực và tâm lý sợ sai

Thời gian qua đã có không ít “sự cố” liên quan đến việc giảng dạy của nhiều thầy, cô giáo, gây nên các luồng dư luận trái chiều trong xã hội. Có thể kể đến sự việc một giảng viên của trường đại học dân lập đã phải xin lỗi sinh viên, sau khi có những phê bình về chất lượng bài thi của sinh viên này trong nhóm chat trao đổi việc học của lớp; sự việc một giáo viên “xin” phụ huynh ủng hộ mua laptop để soạn đề cương, hay cả việc giáo viên bị học trò có hành vi “thân mật” quá mức ngay trong lớp học...

Chưa phân tích rõ đúng hay sai của các sự việc ầm ĩ này, nhưng một sự thật cần phải thừa nhận rằng, những điều mà giáo viên ngày nay đang phải đối mặt là không hề đơn giản.

Một trong những thách thức lớn mà giáo viên ngày nay phải đối mặt là kỳ vọng, áp lực từ phía phụ huynh và sự thiếu “tôn sư trọng đạo” từ một bộ phận học sinh. Thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong một môi trường được tiếp cận với thông tin và công nghệ sớm, điều này đã thay đổi cách nhìn nhận của các em về giáo viên. Trong một số clip lan truyền trên mạng gây bức xúc dư luận, đã có trường hợp học sinh chửi bới, hành hung cô giáo ngay tại lớp học, thậm chí, nhiều học sinh không ngại ngần “đánh hội đồng” cả giáo viên.

Nhiều sự việc, học sinh và phụ huynh dùng mạng xã hội để phản ánh, công kích giáo viên, tạo ra áp lực lớn khiến thầy, cô giáo cảm thấy e dè, không dám mạnh tay xử lý các vấn đề xảy ra trong lớp học. Thực tế cũng đã xảy ra nhiều sự việc như phụ huynh đến tận trường học, nhà riêng hành hung giáo viên dẫn đến thương tích, nhập viện khi cho rằng giáo viên “có lỗi” với con mình.

Tất cả những điều này xuất phát từ sự mất cân bằng trong mối quan hệ giáo viên - học sinh - phụ huynh trong thời đại hiện nay. Sự áp lực và tâm lý sợ sai, sợ bị “bóc phốt” trong tình thế “tình ngay lý gian” khiến nhiều giáo viên không dám hành động hay xử lý những sai phạm của học sinh, cũng không dám hết lòng trong công tác giảng dạy.

Một báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2020 cho thấy rằng hơn 50% giáo viên tại các quốc gia phát triển cảm thấy thiếu sự tôn trọng từ học sinh và phụ huynh, con số này càng gia tăng tại các quốc gia đang phát triển.

Khi “gánh nặng” thu tiềnđặt lên vai nhà giáo

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều thầy, cô giáo còn phải gánh thêm một trách nhiệm vô cùng nặng nề: nhiệm vụ thu tiền. Tại nhiều trường học, giáo viên không chỉ có vai trò đứng lớp mà còn phải đảm nhận việc thu các khoản học phí, đóng góp cho nhà trường.

Có thể kể ra một số khoản tiền mà giáo viên ở một số trường thường được giao để thu như tiền bảo hiểm, tiền trông bán trú, tiền vệ sinh, mua các loại ấn phẩm... Do học sinh không đóng tiền cùng lúc, giáo viên phải thường xuyên đôn đốc, dành nhiều thời gian để thực hiện công tác thu tiền này, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian dạy học. Việc này không chỉ làm gián đoạn quá trình giảng dạy mà còn khiến hình ảnh uy nghiêm của thầy cô ít nhiều bị suy giảm trong mắt học sinh.

Nhiều giáo viên cho biết, vì hoàn thành nhiệm vụ, thường phải nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho phụ huynh để nhắc nhở đóng tiền, gây khó xử không chỉ cho giáo viên mà cả học sinh, đặc biệt khi phụ huynh chưa kịp nộp hoặc từ chối đóng các khoản phí hoặc bức xúc, không đồng ý với các khoản phí mà trường yêu cầu đóng. Điều này cũng đẩy giáo viên vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải đảm bảo thu đủ các khoản phí cho trường, vừa phải giữ mối quan hệ tốt với phụ huynh, tránh xảy ra xung đột.

Cô giáo N.P.H.V., giáo viên tại một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, giáo viên trong trường đã được “đặt” lên vai gánh nặng tài chính từ phía nhà trường. Giáo viên thường phải nghe ca thán về việc trường đang có nguy cơ chi vượt thu. Từ đây, trường cắt giảm các khoản chi như để giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu cho học sinh bán trú. Rồi giáo viên cũng buộc phải đảm bảo “chỉ tiêu tuyển sinh” cho nhà trường, phải đảm bảo đôn đốc thu phí học sinh đủ và đúng hạn.

Thậm chí, nhà trường tiết kiệm điện, cắt giảm máy lạnh trong giờ học mặc dù đã thu tiền phụ huynh, đến khi phụ huynh phát hiện, thì giáo viên cũng là người “đưa đầu chịu báng”, phải đi giải thích, thuyết phục, nghe phụ huynh mắng mỏ. Tất cả những điều này khiến giáo viên chúng tôi chịu nhiều áp lực hơn cả việc đứng lớp, giảng dạy chuyên môn”.

Trước kia, hầu hết nhiệm vụ thu học phí không phải nhiệm vụ của giáo viên, nhưng những năm gần đây, không ít trường học xem nhiệm vụ thu tiền học sinh là của giáo viên, gây ra những bức xúc, mệt mỏi cho giáo viên. Sự việc này cũng được giáo viên phản ảnh nhiều nhưng nhiều nơi vẫn không thay đổi. Trong khi đó, theo nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục về vấn đề thu học phí có quy định về việc các trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường (trường hợp không có cán bộ kế toán tài vụ thì hiệu trưởng chỉ định bộ phận riêng để tổ chức thu). Có thể thấy, giáo viên không nằm trong danh sách “bộ phận riêng được chỉ định để tổ chức thu”.

Thế nhưng, hiện nay tất cả những áp lực tưởng chừng “ngoài chuyên môn” như đã kể trên lại đã và đang là câu chuyện thực tế của thời đại đã làm giảm đi niềm đam mê với nghề, khiến nhiều nhà giáo mất đi động lực và thời gian dành cho công việc “trồng người”. Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý, làm sao để người giáo viên giảm tải những áp lực không đáng có, toàn tâm, toàn ý vào chuyên môn, vào đam mê nghề nghiệp, để góp phần giáo dục nên những hệ giỏi giang, có đạo đức, có ích cho xã hội, cho đất nước.

Đọc thêm