Giáo viên không nói trên bục giảng: Sự im lặng 'thành tích'?

(PLO) - Sự việc đang gây xôn xao những ngày gần đây về việc cô giáo lên lớp im lặng không nói một lời suốt ba tháng. Và mới đây, cô giáo “cá biệt” đó, cô Trần Thị Minh C, giáo viên (GV) Trường THPT Long Thới đã trả lời báo chí, thừa nhận nội dung học sinh Phạm Song Toàn ( lớp 11A1) phản ánh về cô giáo “quyền lực” không giảng bài là có thật. 

Nhiều học sinh (HS) hỏi vì sao không giảng bài, nhưng cô không trả lời...

Dạy trong… im lặng

Trước đó, trong chương trình gặp gỡ với lãnh đạo ngành Giáo dục TP.HCM diễn ra vào ngày 23/3, em Phạm Song Toàn đã bật khóc khi chia sẻ về một cô giáo bộ môn lên lớp chỉ viết bài, không hề nói một lời nào với học sinh.

Việc này đã kéo dài hơn một học kỳ, học sinh trong lớp phải tự học bài, tự làm bài... không có giao tiếp nào cả. Học sinh đều sợ, bản thân em Toàn cũng sợ, chỉ mong được cô dạy dỗ, giao tiếp bình thường. Toàn cũng cho biết, cô giáo chủ nhiệm lớp biết sự việc này và có tìm cách giải quyết nhưng dường như cố gắng của cô không có kết quả.

Trong một diễn biến mới liên quan đến sự việc, được biết, cô C và toàn bộ học sinh lớp 11A1, Trường THPT Long Thới đã có buổi nói chuyện với nhau sau sự việc gây xôn xao dư luận. Hơn một nửa lớp đã đồng ý để cô quay lại, dạy học như bình thường…Trước đây, phụ huynh, học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ mà cô Châu phụ trách khi đó từng phản ánh, trong giờ giảng, khi có tiếng ồn, cô quay xuống hỏi: “Ai sủa trong lớp?” rồi chất vấn lớp trưởng: “Ai là người thường hay sủa trong lớp?” và bắt học sinh chép phạt 200 lần...  

Trở lại sự việc, cô giáo lên lớp và im lặng không giao tiếp là một chuyện khó tin, “chưa từng có”. Chỉ cần hình dung, một tuần có 6 tiết Toán, cô giáo vào lớp ghi tất cả lên bảng mà không nói gì. Cho dù cô biện hộ, lớp toàn các em khá giỏi, tiếp thu nhanh nhưng nếu 1 buổi học 2 tiết, là 90 phút, đồng nghĩa với 90 phút lớp học căng như dây đàn. Cho dù cô giáo nói rằng vì có học sinh nào đó nói ghi âm nên cô mới… im lặng, nhưng không có nghĩa cô trừng phạt học trò và chính mình theo cách đó.

Chưa nói tới, cô giáo với cái tôi quá lớn đã quên rằng mình đã phạm luật khi mà tại Điều 70 Luật Giáo dục 2005 quy định: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục”. Ai cũng hiểu, thầy cô là người truyền thụ kiến thức và truyền cảm hứng tới học trò bằng nhiều cách khác nhau, thông qua bài giảng, sự hài hước, sự tận tụy với học trò. Ở đây, cô giáo ngược lại, đã hoàn toàn biến mình thành một rô bốt im lặng tuyệt đối và hà khắc với chính mình cũng như với trò…

Bày tỏ quan điểm về sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu giáo viên không giải quyết được thì phải báo lãnh đạo để tìm ra cách khắc phục tốt cho cả hai bên. Dù là giáo viên có chuyên môn nhưng việc cô hành xử như vậy trong lớp học là sai hoàn toàn. “Trong trường hợp này, hiệu trưởng phải giải quyết.

Nếu thái độ của học sinh là vô lí, không hợp tác với thầy cô thì cô giáo phải biết báo cáo hiệu trưởng để tìm cách khắc phục. Để tình trạng này diễn ra gần 4 tháng mà lãnh đạo không nắm được thì họ cũng có lỗi”. Bởi theo thầy Lâm, chuyện này không khó để khắc phục, nếu cô giáo đó không dạy được thì phải chuyển qua một giáo viên khác. Nhà trường đâu chỉ có một giáo viên dạy Toán. Trường nào cũng sẽ có chuyện giáo viên, học sinh không hợp nhau, vấn đề là người quản lí xử lí, khắc phục như thế nào thôi.

Chính là bạo lực học đường!

Trước sự việc trên, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng, họ không hiểu nổi tại sao nhà trường tiếp tục để cô quay lại lớp 11A1, bởi cho dù cô thay đổi thế nào cũng khó xóa nhòa những hình ảnh trước đó. Bởi hơn ai hết, thầy cô dạy học trò bằng sự bao dung và độ lượng. Người thầy có chuyên môn giỏi chính là người thầy có sức hút với học trò, thầy trò yêu quý nhau. Lứa tuổi học trò các em đang có nhiều bột phát, bồng bột nhưng đồng thời các em cũng vô cùng nhạy cảm để nhận biết về những đúng, sai, về sự yêu thương hay vô cảm của thầy cô. 

Chị Thu Hà, một chuyên gia tâm lý giáo dục bày tỏ: “Tại sao GV im lặng suốt 3 tháng mà vẫn được coi là “có chuyên môn tốt? Ngay cả khi mình đi làm việc với đối tác cũng vậy, những phút im lặng thường chết chóc hơn khi họ đập bàn chửi ầm ầm. Ba tháng im lặng là một sự cân não khủng khiếp và ám ảnh! Đến mức HS đã phải khóc khi kể lại.

Bạo lực tinh thần nó còn nặng nề hơn bạo lực thể xác nữa. Nó không làm gãy xương, không bầm tím, nhưng nó có thể hủy hoại lòng ham học hỏi, ý vươn lên của HS. TS Menis nói: Chúng ta có thể giết người khác chỉ bằng ánh mắt thôi! Nếu lớp 11A1 này ko có 1 HS tiêu biểu tình cờ đi họp, nếu cuộc họp đó không tình cờ có phóng viên, thì cô C còn im lặng trên bục giảng bao nhiêu lâu nữa? 

Nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi người là không được yêu thương. Đó là bản năng sinh tồn để chúng ta có thể chống lại những hiểm nguy rình rập ngoài kia. GV đâu chỉ dạy học qua những chữ viết trên bảng, còn dạy HS qua nhân cách của người thầy nữa. Chưa kể, hận thù người khác là bạn đang uống thuốc độc, cô ấy uống tới mấy chục chén thuốc độc mỗi ngày trong suốt 3 tháng im lặng này rồi.

Cô ấy cần được can thiệp tâm lý. Và phụ huynh đâu nhỉ?. Có HS nào về nhà kể chuyện cô với mẹ không? Và mẹ em có biết đây cũng là bạo lực học đường không? Nếu con không muốn đi học, biết đâu không phải vì con lười học, mà vì con đang phải chịu đựng khủng khiếp thế này? Và phải chăng, “biên chế” đồng nghĩa với việc dù có bị kỉ luật thì chỉ là chuyển từ trường này sang trường khác?” 

Thế mới thấy, căn bệnh thành tích bao năm trong nhà trường, cùng sự thụ động đã khiến học trò im lặng như “bầy cừu”. Và các em sẽ lớn lên thế nào trong sự “im lặng” thành tích đó?.

Đọc thêm