Nâng chất lượng để giữ sự cao quý cho nghề giáo

(PLO) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào đầu tuần, đúng vào thời điểm dư luận xôn xao, bức xúc về những hành vi bạo lực học đường khi cô giáo quỳ xin lỗi phù huynh vì đã bắt phạt học sinh quỳ, học sinh bóp cổ cô giáo ngay trước mặt bạn học…
Sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai được nghiên cứu và học tập theo phương pháp mới
Sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai được nghiên cứu và học tập theo phương pháp mới

Theo Chính phủ, tại thời điểm hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Có còn “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”?

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã trở thành một phạm trù đạo đức xã hội phát triển suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Mỗi năm, người dân không quên “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” bởi thầy, cô giáo được coi như cha, mẹ vì có công dưỡng dục nên mỗi cá nhân. Và trong thời hiện đại, cả dân tộc có ngày Hiến chương các nhà giáo (ngày 20/11 hàng năm) để tôn vinh, tri ân những người có công “đưa con đò tri thức” cho các thế hệ người Việt. 

Trong văn hóa người Việt, người thầy gắn liền với hình tượng giản dị, thanh cao, giàu lòng nhân ái, đức hy sinh. Vì vậy, dù cuộc sống có khó khăn, nhiều người vẫn phải lo “cơm áo gạo tiền” nhưng khi lên bục giảng, người thầy vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục để truyền đạt tri thức, hình thành nhân cách cho mỗi con người. Vì thế, người thầy luôn ở vị trí được tôn kính, đạo thầy trò được đề cao như một chuẩn mực đạo đức xã hội. 

Ở các cơ sở giáo dục luôn nhấn mạnh “tiên học lễ, hậu học văn” bởi dân tộc ta đề cao lễ nghĩa, trong đó có lễ của trò với thầy, của xã hội với những người mang trên vai sự nghiệp “trồng người”. Như Bác Hồ đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, vai trò và vị trí của người thầy trong xã hội càng quan trọng. Họ là những người dẫn dắt, hình thành nên nhân cách mỗi cá nhân, từ đó tiếp nối nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội được hình thành, lưu truyền qua các thế hệ, tạo thành sức mạnh cho dân tộc trên con đường dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, cùng với sự biến đổi không ngừng của xã hội và sự phát triển của nguồn tri thức, người thầy vẫn luôn ở vị trí của người dẫn đường, “đưa đò”. Nhưng đáng buồn là đội ngũ nhà giáo cũng lại đang phải đối mặt với những tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường, nạn bạo lực học đường, sự suy giảm đạo đức xã hội..., thậm chí một bộ phận nhà giáo phải “cúi rạp” trước “sức mạnh kim tiền” làm mất bản chất nhà giáo, sự tôn kính của xã hội.

Báo chí đã nhiều lần phanh phui những hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo khi tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều với những thủ đoạn dã man như cô giáo “cho phép” học sinh tát bạn, bắt học sinh quỳ, “dạy” học sinh bằng roi; thầy giáo xâm hại tình dục học sinh, “gạ tình đổi điểm”… Một số thầy cô đã “bán điểm”, “bán đề thi”, dung túng cho học sinh “con nhà giàu” hay “có thế lực”... Những hành vi đó tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng đã làm hoen ố rất nhiều tấm gương đạo đức của nghề “dạy làm người”.

Thế nên, có phụ huynh ở Hải Phòng tát cô giáo giữa trường vì thấy “con bị xước má sau khi đi học” nhưng sau đó phát hiện đánh nhầm người; ở Nghệ An có người đánh thầy giáo gãy mũi và ngất tại chỗ vì “em bị phạt ở trường”; một nữ sinh ở Quảng Bình đã túm tóc, đánh cô giáo của mình ngay trên bục giảng chỉ vì bị ghi tên vào sổ đầu bài: một nam sinh ở Bến Tre chửi bới và xông lên bóp cổ cô giáo trước mặt các bạn và hai giáo viên khác chỉ vì cô thu vở của một nữ sinh trong lớp do lấy bài vở môn khác ra học... 

Mới đây nhất, ở huyện Bến Lức (Long An), một nữ giáo viên “quỳ gối xin lỗi phụ huynh” vì đã bắt phạt học sinh quỳ. Câu chuyện trở thành tâm điểm dư luận về đạo đức xã hội, về cách hành xử trong mối quan hệ thầy – trò; thầy – cha mẹ học sinh cũng như biện pháp giáo dục kỷ luật đối với học sinh. Người bênh cô giáo vì bị phụ huynh “hạ nhục”, người chê trách cô “thiếu bản lĩnh”, chỉ vì lợi ích cá nhân mà không giữ được “vị thế người làm thầy”. 

Nhưng ở cái nhìn rộng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, sự việc là hồi chuông cảnh báo về sự lung lay của nền tảng đạo đức trong nhà trường, trong xã hội, trong đạo lý “tôn sư trọng đạo” vốn là niềm tự hào của dân tộc. Theo các chuyên gia giáo dục và xã hội học, đạo đức trong nhà trường là vấn đề mấu chốt để chấn hưng giáo dục nhưng đạo đức học đường hiện nay là vấn đề đáng lo ngại.

Để củng cố nền tảng đạo đức, quan trọng là có một đội ngũ giáo viên “có tâm và có tầm”. Muốn vậy, cần có các giải pháp để người thầy có thể tránh những cạm bẫy tiền tài, quyền thế, không bị ảnh hưởng của những tiêu cực xã hội để có thể chuyên tâm cho sự nghiệp giáo dục từ đó học trò noi gương theo, xã hội kính trọng.

Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cho biết, trong dự thảo này sẽ lồng ghép các nội dung sửa đổi, bổ sung vào các nhóm vấn đề, trong đó sửa đổi, bổ sung yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục đảm bảo tính liên thông của các cấp học, tăng cường năng lực tự học và hợp tác của người học. Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. 

Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi một số nội dung liên quan đến chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhà giáo nhưng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật còn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. 

Thường trực Ủy ban cho rằng, nhà giáo là lực lượng quyết định thành công của đổi mới giáo dục, chất lượng nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Do vậy, đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong Luật và thông qua hệ thống chính sách: từ đào tạo, bồi dưỡng đến thu hút, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc, thăng tiến… làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (trong các cơ sở giáo dục cả công lập và ngoài công lập) có chất lượng, đảm đương được trọng trách của mình. 

Tăng lương thể hiện sự trân trọng những đóng góp của giáo viên

Đặc biệt, có ý kiến đề nghị quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục về yêu cầu có thang bảng lương riêng dành cho nhà giáo, tiến tới thể chế hoá quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW về chính sách lương của nhà giáo (Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng). Song ngay từ khi lấy ý kiến về dự án này, nhiều chuyên gia đầu ngành Giáo dục tán thành dự kiến chính sách mới đối với giáo viên vì thể hiện sự trân trọng sự đóng góp của giáo viên cho xã hội, nhưng vẫn lo ngại “không hề dễ dàng thực hiện nếu thiếu những quy định cụ thể hơn trong các nghị định hướng dẫn”. 

Trong thực tế hiện nay, khi giáo viên ra trường, bậc lương cao đẳng là 3,5 triệu đồng/tháng, đại học 4 triệu đồng/tháng, như vậy là rất thấp, trong khi giáo viên là nghề đặc thù, rất vất vả không chỉ giáo viên ở vùng khó khăn mà ngay cả khu vực TP. Dẫu không phải giáo viên nào cũng bị cuộc sống vật chất khó khăn, đồng lương ít ỏi làm giảm nhiệt huyết, nhưng khi lương quá thấp buộc giáo viên phải lo toan cho cuộc sống, không thể toàn tâm toàn ý cho công việc và khó tránh khỏi việc sa vào những cạm bẫy, tiêu cực xã hội, không còn giữ được vị thế cao quý của nghề. 

Do đó, đã nhiều năm nay, nhiều ý kiến đề nghị “tăng lương cho giáo viên” để thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo, giúp giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề mà còn thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Như vậy, nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ nhà giáo. Đó là điều kiện để nhà giáo giữ được sự thanh cao, uy tín với xã hội. Nhờ đó, những người theo đuổi sự nghiệp “trồng người” sẽ không còn phải “băn khoăn” lựa chọn giữa nghề và những mưu cầu cuộc sống…

Đọc thêm