Khi cha mẹ phải nhận… “bản án chung thân”
Trong cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13” của tác giả Nora Fraisse và Jacquenline Remy, cô bé Marion lựa chọn cái chết sau những ngày trầm uất, tuyệt vọng vì bạo lực học đường. “Khi con quyết định ra đi cũng là lúc bố mẹ và em phải nhận bản án chung thân”, mẹ Marion đau đớn nói về cái chết của con gái.
Và gần đây nhất, trong những ngày Tết và sau Tết vừa qua đã xảy ra những sự việc đau lòng, nhức nhối. Sáng 26/2, tại hồ Bình Sơn, thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra sự việc một nữ sinh Trường THPT Hương Khê bị nhóm phụ nữ đánh, cắt tóc và lột áo trước sự chứng kiến của nhiều người.
Vụ việc được một số người quay lại và tung lên mạng xã hội Facebook. Đoạn clip đăng tải thể hiện, một phụ nữ mặc áo khoác màu vàng cùng 2 người khác đã liên tiếp đánh, giật tóc, lột áo và dùng kéo cắt tóc cô gái mặc đồng phục học sinh, mặc cho em này kêu khóc, van xin. Dù thời điểm xảy ra vụ việc có nhiều người đứng xem và quay clip nhưng không có bất kỳ ai vào can ngăn. Thậm chí, nhiều người chứng kiến sự việc còn reo hò, cổ vũ hành vi trên.
Ông Phan Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê xác nhận, nữ sinh bị đánh hội đồng tại bờ hồ Bình Sơn là em Đ.T.L., học sinh của trường. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã trình báo với Công an huyện Hương Khê vào cuộc để điều tra, xử lý. Nguyên nhân dẫn tới việc nữ sinh Trường THPT Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị nhóm phụ nữ tổ chức đánh hội đồng, lột đồ, cắt tóc và quay clip tung lên mạng xã hội Facebook là do ghen tuông. Sau khi bị đánh, hiện em Đ.T.L. đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.
Thậm chí, một vụ việc khác bàng hoàng hơn, vào đêm 18/2, em Huỳnh Đồng Độ (15 tuổi, học sinh lớp 9 ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong- Bình Thuận) chạy xe máy lòng vòng trong xóm chơi Tết thì bị một nhóm thanh, thiếu niên địa phương dùng hung khí chém nhiều nhát vào người. Độ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu nhưng đã tử vong vì vết thương quá nặng, mất nhiều máu.
Nỗi lòng của những “anh chị đại”
Là người có kinh nghiệm hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý, Thạc sĩ Vũ Thu Hà chứng kiến nhiều sự việc đau lòng, trải nghiệm nhiều nỗi đau do bạo lực học đường gây ra. Theo cô Hà, dù là người bị bắt nạt hay người đi bắt nạt người khác đều nhận bản án chung thân vì hành vi này. Trước đây, cô từng tiếp xúc với học sinh chuyên đi bắt nạt người khác và khuyên em “ trở về”. Thế nhưng, câu trả lời của em khiến cô thực sự bất ngờ. Em học sinh đó cho rằng cô Hà không hiểu em. Còn ở nhà, khi em bị ốm hay buồn bã, nói với bố mẹ đều bị mắng, không ai thấu hiểu. Ngược lại, khi em gặp bất cứ vấn đề gì, “đồng đội” (cách em gọi bè nhóm của mình) luôn sẵn sàng đến chia sẻ cùng em. Bởi thế, em lựa chọn bạn bè thay vì gia đình. Với suy nghĩ đó, em đi theo nhóm bảo kê và từ hoạt động trong giới học sinh, đe dọa, bắt nạt người khác. Sau này, em tham gia đòi nợ thuê rồi vào tù. Khi em hiểu ra, chuyện đã quá muộn và đi quá xa rồi.
Một nữ sinh khác cũng vậy. Em từng bị bạn học bắt nạt và tâm sự với bố mẹ. Nhưng chính bố em đã vặn hỏi lại em đã làm gì để bị đánh. Vì thế, em không bao giờ kể lại với gia đình nữa mà âm thầm chịu đựng đau đớn. Sự hành hạ về thể xác lẫn tinh thần khiến em yếu đuối, lệ thuộc, luôn chọn cách né tránh, sống xa rời thực tế, khép mình và bị trầm cảm. Khi gặp cô Hà, em đồng ý nỗ lực vượt qua nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, nó khủng khiếp hơn em tưởng. Hiện tại, dù đã là sinh viên, mỗi lần đối mặt khó khăn, cơ thể em lại phản ứng theo bản năng run lên khiến em chùn bước. Thạc sỹ Vũ Thu Hà chia sẻ: “Người trong cuộc phải đối mặt nỗi đau không chỉ trong vài năm mà là hàng chục năm, thậm chí cả đời. Bản thân người bắt nạt lẫn người bị bắt nạt phải mang bản án chung thân mà nhiều khi họ không hề biết”.
Cô Bùi Thị Ngọc Thủy, giáo viên Văn Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) nhận định, bạo lực học đường ngày nay diễn biến phức tạp, tinh vi, tàn bạo, dưới nhiều hình thức và có tổ chức. Một số nạn nhân của bạo lực học đường không nói với phụ huynh còn vì muốn luôn hoàn hảo trong mắt bố mẹ, sợ họ thất vọng khi biết mình bị bắt nạt. Và dù chọn cách phản kháng bằng bạo lực hay âm thầm chịu đựng, các em vẫn luôn là nạn nhân chịu bản án từ bạo lực học đường, trong vai người đi bắt nạt hoặc người bị bắt nạt.
Cha mẹ không vô can
Đứng trước thực trạng đáng báo động của vấn nạn bạo lực học đường, cũng như sau nỗi ám ảnh từ cuốn sách “Mãi mãi tuổi 13”, một nhóm giáo viên gồm: cô Bùi Thị Ngọc Thủy, cô Phạm Phương Anh, thầy Lê Huy Tưởng và các học sinh khối 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định đã sáng lập Dự án “Break the Silence - Nâng cao giải pháp chống quấy rối học đường”. Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2017, hoạt động tại các trường THCS và THPT trên toàn thành phố Nam Định.
Theo cô Thủy, nguyên nhân của bạo lực học đường một phần bắt nguồn từ gia đình. Một số em ra đường đã dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề vì cho rằng, ở nhà bố thường làm như thế với mẹ. Một phần nữa, theo cô Thủy, nguyên nhân rất lớn xuất phát từ nhà trường. Mảng giáo dục kĩ năng sống ở nhiều trường đang bị bỏ ngỏ. Hiện các trường chưa có chuyên viên tâm lý nào có trình độ để hỗ trợ về vấn đề bạo lực học đường.
Điều đáng lo ngại, khi bị bạo lực, các em thường im lặng chịu đựng một mình. Theo cô Thủy, nguyên nhân của việc im lặng này là sợ bố mẹ giải quyết theo kiểu người lớn nên mình sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn. Một số khác sợ bố mẹ thất vọng về mình nên quyết định chọn im lặng dẫn đến nỗi đau âm ỉ không thoát ra được. Để phòng tránh, theo các chuyên gia, các em tuyệt đối không được giữ im lặng mà hãy tâm sự, ít nhất là với 3 người. Đến khi nào một trong số những người ấy tin các em, sự việc chắc chắn sẽ có cách giải quyết… Hãy đừng để các em đơn độc một mình trong hố sâu của những nỗi sợ vô hình. Bởi nó sẽ là “vết sẹo” ám ảnh suốt cuộc đời sau này, thậm chí, chỉ cần chút lơ đễnh của người lớn, các em có thể mau chóng trở thành “anh chị đại” hung hãn và bất chấp…