Học trực tuyến là “giải pháp” hỗ trợ đắc lực cho công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tế triển khai ở các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, chướng ngại, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập.
Trước thực trạng đó, mỗi địa phương sẽ có những giải pháp và cách thức khác nhau để đảm bảo hiệu quả giáo dục. Cách làm ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) khiến nhiều nơi nể phục khi các thầy cô giáo không ngại mưa nắng, “băng đồng, vượt sông” để mang tài liệu, bài giảng đến hỗ trợ và hướng dẫn các em học tập.
Các thầy cô qua phà để đi đến tận nhà học sinh. |
Điều này thể hiện sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy cô, cố gắng bằng mọi cách để học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh không có thiết bị học trực tuyến vẫn có thể tiếp cận nội dung bài học, có thể theo kịp bạn bè, “không bị để lại phía sau”.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết, trường có hơn 800 học sinh, trong đó, có hơn 50 học sinh nghèo chưa có thiết bị điện thoại và máy tính để học trực tuyến. Để hỗ trợ tối đa cho học sinh, nhà trường đã phân loại điều kiện từng học sinh để đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Tài liệu được chuyển phát đến tận tay học sinh. |
Trường hợp khó khăn do mạng kết nối thì trường phối hợp với VNPT Vĩnh Thạnh tặng sim miễn phí để các em có được truyền ổn định. Trường hợp không có thiết bị thì trường sẽ vận động bạn học cùng khối gần đó để học ghép. Nhiều trường hợp khác, giáo viên soạn giáo án cô đọng để truyền tải hoặc liên kết Viettel Post gửi bài đến các em. Đặc biệt, nhiều trường hợp thầy cô còn nhiệt tình hỗ trợ giảng dạy tại nhà và đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Do đặc thù ở Vĩnh Thạnh là một huyện vùng ven, có nhiều kênh rạch và đồng ruộng nên để đến tận nhà các em học sinh các thầy cô phải qua phà hoặc đi đường ruộng để hỗ trợ các em.
Thầy cô giáo tận tình hướng dẫn, giảng dạy trực tiếp cho học sinh không có điều kiện học trực tuyến. |
Suốt 2 tuần qua, nhiều thầy cô Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh đã không ngại mưa nắng khó khăn chỉ mong sao kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ các em tiếp cận kiến thức và học online một cách dễ dàng.
Cô Trương Ngọc Bích (giáo viên bộ môn Toán) cho biết, chúng tôi thường đến hỗ trợ cá em không có thiết bị học trực tuyến. Bài giảng đã được soạn cô đọng, tinh gọn nhưng đầy đủ kiến thức để truyền đạt cho các em. “Mỗi tuần 2 lần chúng tôi dành thời gian đến tận nhà để dạy trực tiếp cho các em. Các em học sinh lớp 6 do mới chuyển cấp mọi thứ còn rất bỡ ngỡ nên nội dung bài giản phải thực sự đơn giản dễ hiểu để các em có thể tiếp cận”.
Em Nguyễn Thị Diễm Hương (HS lớp 6, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh) cho biết, hàng tuần em đều được các thầy cô gửi tài liệu để học. Nhiều lúc thầy cô còn đến tận nhà để giảng dạy giúp đỡ em hiểu rõ kiến thức hơn.
Em Bùi Đăng Khoa (HS lớp 9, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ, do nhà em không có thiết bị học trực tuyến nên em đạp xe đến nhà bạn để học cùng. “Học 2 đứa hay lắm. Cái gì không hiểu thì em có thể trao đổi với bạn”, em Khoa nói.
Trường đã triển khai cho những học sinh không có thiết bị học ghép với những học sinh khác cùng khối và gần nhà. |
Chị Cao Thị Kim Tuyền (phụ huynh em Lê Thị Quỳnh Như, HS lớp 7) bày tỏ, “Gia đình không đủ điều kiện mua điện thoại để con học nhưng cũng may mắn được thầy cô, nhà trường hỗ trợ nên con của tôi có thể theo kịp tiến độ học. Thấy nhà trường tạo điều kiện và thầy cô quan tâm mang tài liệu đến nhà lại còn tận tình hướng dẫn tôi rất xúc động”.
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố lập ra nhiều phương án để hỗ trợ cho các em như không có thiết bị học trực tuyến. Nhiều nơi đã tổ chức giao và nhận bài giảng, tài liệu học tập cho học sinh. Với những địa phương đang áp dụng chỉ thị 15, phía nhà trường cần triển khai cho các em học nhóm để tăng khả năng học hỏi, hỗ trợ nhau trong quá trình học.