Giáp Tết, giá gia cầm lại “nhảy múa”

(PLVN) - Thị trường đang chứng kiến tình trạng thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt gia cầm bắt đầu rục rịch tăng giá trong bối cảnh giá thịt lợn tăng sốc trong thời gian gần đây.
Thịt gà là loại thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết

Tăng từ trang trại tới chợ

Một tháng trở lại đây, giá gà tại các trang trại đã tăng rất mạnh, từ mức 56 nghìn đồng/kg lên đến 67 nghìn – 70 nghìn đồng/kg (tùy vào chất lượng đàn). Với giá bán này, người nuôi gà đã có lãi cao.

Anh Trần Hồng Chiến (Thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) – là  chủ một trang trại với 6.000 gà thịt lông màu cho biết, nếu như cách đây vài tháng gia đình anh vẫn còn phải bù lỗ do giá gà thấp thì từ cuối tháng 11 đến nay cùng với đà tăng của thịt lợn, giá gà cũng bắt đầu tăng và có nhiều khởi sắc. Ví dụ, hai tháng trước gà lông trắng ở mức 42.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên tới 68.000  đồng/kg.

Cũng theo anh Chiến, so với thời điểm này năm ngoái, giá gà năm nay cao  hơn từ 30 - 40%, nếu như thời điểm này năm ngoái giá bán ra chỉ với 54.000 đồng/kg thì nay đã lên tới gần 70.000 đồng/kg.

Lý giải giá thịt gà tăng đột biến, anh Chiến cho rằng, nguyên nhân thứ nhất do giá thịt lợn tăng cao nên nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua thịt gà. Ngoài ra, do nguồn cung thịt gà giảm mạnh hơn trước. “Sau thời gian thua lỗ kéo dài, các trại giảm đàn nuôi, treo chuồng hoặc đua nhau bán để cắt lỗ nên lượng giảm, giá gà mới có cơ hội leo cao”, anh Chiến thông tin.

Hơn nữa, việc tăng giá không chỉ ở các trang trại mà các chợ truyền thống cũng tăng mạnh. Nguyên nhân chính là do các thương lái điều chỉnh giá bán. “Có một khâu trung chuyển từ các trang trại tới tay người tiêu dùng qua các thương lái, họ về các trang trại lấy gà số lượng lớn sau đó tập kết tại chợ đầu mối gia cầm ở Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) rồi điều tiết giá tới người tiêu dùng, vì thế giá gà khi tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao, hiện nay đã là 110.000 đồng/kg tại Vĩnh Phúc”, anh Chiến nói.

Tương tự, gia đình anh Đỗ Xuân Kiểm (xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang chăn 1.000 gà thịt lông màu cũng đang khẩn trương chăm sóc để gà đạt trọng lượng 1,5 - 2kg/con. Anh này cho biết, đến thời điểm từ tháng 11-12, giá gà ta thường tăng mạnh do thị trường cần lượng lớn gia cầm cho những tháng cuối năm tiệc tùng, quà biếu, nên thời điểm này gia đình anh nuôi tăng đàn. 

Ghi nhận tại các điểm chợ truyền thống khác như Ngã Tư Sở, Cầu Giấy,  Yên Hòa, Bưởi (Hà Nội), giá thịt gà đã đồng loạt tăng với mức tăng phổ biến 10.000-30.000 đồng/kg. Cụ thể, gà kiến có giá 145.000 đồng/kg (trước đây 115.000 đồng/kg), gà ri 140.000 đồng/kg tăng 20% so với trước,... 

Chị Kim Liên, tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, thịt gà đã tăng lên 120.000 - 140.000 đồng/kg, tùy loại, đắt thêm 20.000 - 30.000 đồng/kg so với trước. “Từ khi thịt lợn tăng giá, thịt gà đắt hàng hơn vì người dân chuộng ăn gà và một con gà cũng dễ chia khẩu phần ăn, có thể thành 2 bữa hay 4 bữa ăn, tính ra chi phí vẫn rẻ hơn thịt lợn”, chị Liên nói.

“Lo mâm cơm Tết không đầy đặn”

Hết giá thịt lợn tăng cao, giờ đến thịt gà giá cũng “nhảy múa” khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại chi phí tiêu dùng sẽ ngày càng đắt đỏ, khi những ngày gần tới Tết Nguyên đán vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Với đồng lương ít ỏi chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng của nhân viên hành  chính văn phòng, chị Thanh Nhàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng: “Giá thịt lợn tăng cao, các mặt hàng khác như cá, gà, bò cùng đều tăng khiến những người có thu nhập thấp không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Tôi đang lo, từ nay đến Tết không biết mức giá nãy sẽ thay đổi như thế nào. Trong khi Tết, các món ăn chế biến chủ yếu từ thịt lợn, các đồ ăn khác cũng không thể ăn nhiều được mà giá cũng không hề thấp, sợ mâm cơm chẳng còn đầy đặn nữa…”.

Nhiều bà nội trợ than thở, cuối năm, mỗi thứ tăng một ít khiến nhiều gia đình khó cân đối không chỉ túi tiền mà còn thực đơn, cơ cấu bữa ăn. “Từ 2-3 tháng nay, giá thịt lợn tăng cao quá, gia đình tôi cứ quẩn quanh ăn cá, đậu phụ, thịt gà công nghiệp. Giờ những thực phẩm thay thế này cũng dần leo thang thì người dân chúng tôi không biết phải tính toán như thế nào cho cuộc sống, nhất là khi Tết đang cận kề”, chị Kim Huyền (Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) chia sẻ.

Đọc thêm