Giật mình tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở Cà Mau chỉ đạt trên 10%

(PLVN) - Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong khi đó năm 2018 trên địa bàn chỉ xảy ra 5 trường hợp. Theo thống kê năm 2018 trên địa bàn tỉnh chỉ tiêm phòng bệnh dại được 10% so với tổng đàn chó. 
Chích ngừa bệnh dại cho đàn chó là biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa bệnh dại hiệu quả
Chích ngừa bệnh dại cho đàn chó là biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa bệnh dại hiệu quả

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, trong số 5 người chết do bệnh dại thì huyện Đầm Dơi 2 người, huyện Cái Nước 1 người, huyện Trần Văn Thời 2 người. Tiêm phòng vắc-xin dại trên chó, mèo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng chống bệnh dại, nhằm hạn chế tối đa bệnh dại ở người. Tuy nhiên, qua rà soát tổng đàn với trên 161.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt trên 10%. Trong khi đó, hầu hết các hộ nuôi chó theo hình thức thả rông. 

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người chăn nuôi chó phải tiêm ngừa đạt trên 70% và những trường hợp bị chó, mèo cắn đi tiêm ngừa bằng vắc xin ngừa bệnh dại đầy đủ đạt 100% mới tránh được hậu quả. Đáng tiếc, có nạn nhân ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), bị chó cắn vào mặt dù có tiêm ngừa nhưng vẫn tử vong. 

Khi bị chó dại cắn, thì người bị cắn phải lập tức đi tiêm phòng, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị hoặc đi lấy nọc
Khi bị chó dại cắn, thì người bị cắn phải lập tức đi tiêm phòng, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị hoặc đi lấy nọc

Ông Nguyễn Thành Huy - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau, cho biết: “Khi bị chó dại cắn, thì người bị cắn phải lập tức đi tiêm phòng, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị hoặc lấy nọc. Để khống chế bệnh dại, ngành chức năng cũng chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở vận động người dân chủ động mang chó đi tiêm phòng. Mặt khác vận động người nuôi có trách nhiệm, phải tuân thủ lịch tiêm phòng và phải đăng ký vật nuôi với đơn vị quản lý”.

Cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động người nuôi chó, mèo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành rà soát, lập danh sách hộ gia đình có nuôi chó, mèo để vận động đăng ký tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi. Đối với địa bàn có ổ dịch cũ, ổ dịch mới phát sinh các ngành chức năng sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình hình bệnh dại có những diễn biến phức tạp, UBND huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo các ngành có liên quan kịp thời phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh chủ động tiêm phòng, khoanh vùng để khống chế, không để bệnh dại lây lan ra diện rộng. Trong công tác chuẩn bị vắc xin trên địa bàn, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị khoảng 9.000 liều, để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng nhắc lại tại các ổ dịch cũ trong năm 2018.

Ông Đinh Tấn Lạc – Phó chủ tịch UBND xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời cho biết : "Song song với việc vận động người dân đăng ký tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo, về phía lãnh đạo còn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức nhốt hoặc giữ vật nuôi trong khuôn viên gia đình, rọ mõm, không ảnh hưởng xấu, gây nguy hiểm đến những người xung quanh. Hộ nào không tiêm ngừa vắc xin cho vật nuôi thì ký cam kết, nếu xảy ra bệnh dại thì hộ gia đình phải chịu trách nhiệm.”

Đọc thêm