Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.
Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)

Sân khấu “bén duyên” học đường

Ngày 18/3 vừa qua, chương trình "Sân khấu học đường" đã được khởi động tại Trường THCS Khánh Hội, quận 4, TP Hồ Chí Minh với vở kịch văn học "Chí Phèo". Chương trình do CLB Sân khấu Lạc Long Quân và Đoàn văn nghệ "Tình ca Bắc Sơn" thực hiện. Bên cạnh vở diễn dàn dựng từ tác phẩm văn học quen thuộc với các em học sinh, chương trình còn có những tiết mục ca hát mang âm hưởng dân ca, những hoạt động giao lưu giữa nghệ sĩ và học sinh. Chương trình đã gây xúc động mạnh mẽ và nhận được sự cổ vũ của đông khán giả trẻ.

Sắp tới, chương trình "Sân khấu học đường" với sự tham gia của các nghệ sĩ như ca sĩ Hạ Châu, diễn viên Phước Bảo, Hoàng Trung Anh, Châu Nhật Tín, Trương Huy... sẽ thực hiện một sê-ri các vở kịch dựa theo tác phẩm văn học của dòng hiện thực phê phán 1930 - 1945 với nhiều thông điệp nhân văn, biểu diễn tại các trường trung học với khán giả là các em học sinh cấp 2, cấp 3. Đến nay, chương trình đang được nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quan tâm, “đặt hàng” để trình diễn cho học sinh.

Cũng mới đây, Nhà Văn hoá Sinh viên TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Sân khấu học đường xoay quanh nghệ thuật hát Bội. Tại chương trình, sinh viên rất hào hứng tham gia giao lưu với các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu về nghệ thuật hát Bội, một trong những loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam. Chương trình đã giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về âm nhạc dân tộc, làm dấy lên tinh thần yêu mến, giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Những năm qua, nhiều dự án đưa các tác phẩm sân khấu vào học đường với đề tài đời sống học đường, đề tài lịch sử, văn học... được nhà trường cùng phụ huynh, học sinh nhiệt tình đón nhận. Một số đơn vị tiên phong nỗ lực đưa sân khấu đến học đường như sân khấu Hồng Hạc, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh...

Có những sân khấu “bén duyên” với học đường từ rất sớm. Như sân khấu Hoàng Thái Thanh, từ năm 2012, khi bắt đầu dàn dựng các vở diễn lấy nội dung từ tác phẩm văn học như “Đèn không hắt bóng”, “Nửa đời ngơ ngác”, sân khấu đã bắt đầu hợp tác với các trường trung học để dàn dựng vở diễn, biểu diễn cho các em. Có thời điểm, gần 20 trường trung học kí kết hợp đồng dài hạn với trường về việc cung cấp suất diễn cho các em học sinh.

Hay sân khấu Hồng Vân và Câu lạc bộ Lạc Long Quân đã rất thành công với chương trình mang tên "Kết nối cộng đồng" được xây dựng từ hơn 10 năm trước đây, xây dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm với chủ đề an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh... biểu diễn cho hàng loạt trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Tháng 12/2022, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và sân khấu kịch Hồng Vân cũng đã hợp tác ra mắt sân khấu kịch học đường, xây dựng hẳn sân khấu UEH trong khuôn viên trường để biểu diễn cho sinh viên xem.

Kỳ vọng xây dựng lớp khán giả mới

Trong thời điểm ngành sân khấu dần thu hẹp vì có quá nhiều loại hình giải trí cạnh tranh, các nghệ sĩ với lòng yêu sân khấu đã nỗ lực bằng nhiều phương thức đưa vở diễn đến với khán giả. Tiếp cận với khán giả học đường cũng là một trong những cách mà người làm nghệ thuật sân khấu nỗ lực để giữ cho sân khấu tiếp tục duy trì và phát triển.

Theo thống kê, năm học 2021 - 2022, TP Hồ Chí Minh có hơn 1,71 triệu học sinh. Con số này chứa đựng tiềm năng lớn cho những người làm nghệ thuật hướng đến đối tượng khán giả là các em học sinh. Chưa kể đến con số hàng trăm ngàn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn thành phố.

Chính vì thế, việc các đơn vị nghệ thuật tư nhân tìm đến khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học được xem là giải pháp hữu hiệu để xây dựng lớp khán giả mới. Đưa nghệ thuật sân khấu vào học đường, ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sân khấu, còn mang nhiều lợi ích như khuyến khích sự sáng tạo, khơi gợi tình yêu đối với nghệ thuật của học sinh. Thông qua các tác phẩm sân khấu, các em được tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử, học thêm nhiều kiến thức, thêm kĩ năng sống, được gieo trồng những giá trị tốt đẹp về chân - thiện - mỹ, về tinh thần nhân văn cao cả...

Tuy nhiên, hiện nay cách làm này chủ yếu là “tự phát” bởi sự năng động, nỗ lực của các đơn vị sân khấu. Cách đây hơn 20 năm, giai đoạn 2001 - 2010 từng có đề án triển khai sân khấu học đường trên khắp cả nước do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp thực hiện. Hoạt động này được đánh giá là rất sôi nổi, thành công đưa nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu như kịch nói, chèo... vào học đường, được các em học sinh đón nhận, yêu thích. Tuy nhiên, hoạt động này đã ngưng lại hơn 10 năm nay. Hiện nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân đang kì vọng sự trở lại của một dự án mới, có quy mô được cơ quan quản lý chủ trì.