Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long vào tháng 3/2016, trong gần 2.000 người dân các làng chài vùng lõi Vịnh Hạ Long được đưa lên bờ, 70% mù chữ, 889 người trong độ tuổi lao động nhưng không thể tìm nổi việc làm vì không biết chữ. Kết quả, có duy nhất 1 người học lái taxi, 222 người tham gia tuyển dụng vào 11 đơn vị để làm công nhân chỉ có 56 người “trúng tuyển”, 166 người rớt, 4 người làm vệ sinh môi trường tại chỗ, 9 người làm nghề chạy xe ôm. Số còn lại không thể tìm được việc làm thì làm nghề tự do, “buôn thúng, bán bưng” hoặc quay về với biển.
Ông Nguyễn Văn Kỵ - tổ trưởng dân phố làng chài Hà Phong cho biết, từ khi dân chài về đây, số người chết đã gần 20 người, trong đó chết do tai nạn giao thông 7 người. Đó là điều không bao giờ xảy ra khi họ sống trên biển. Mỗi sáng sớm tinh mơ, hơn 700 con người tỏa đi khắp nơi, từng đoàn người đi hàng chục cây số lại xuống biển để kiếm sống.
Mô hình thí điểm “Nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường trên Vịnh Hạ Long” được triển khai từ giữa năm 2016 trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện trong 3 năm (2014-2017), đã góp phần “phục sinh hồn cốt” làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, với tổng nguồn vốn thực hiện 17,016 tỷ đồng, trong đó có 13,083 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại, Dự án gồm có 4 nội dung chính yếu: Hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch gắn với bảo tồn di sản; Cộng đồng tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện thí điểm trình diễn nuôi trồng thủy sản bền vững; Tăng cường tuyên truyền; Tăng cường năng lực thực hiện, giám sát. Mô hình sẽ lắp đặt 32 nhà bè và bè nuôi trồng thuỷ sản, phân chia thành 5 cụm, phù hợp với địa hình kết hợp với dịch vụ tham quan du lịch. Đối tượng tham gia là người dân làng chài Vung Viêng tái định cư ở phường Hà Phong, TP Hạ Long. Trước năm 2014, làng chài Vung Viêng có 60 nhà bè với 260 nhân khẩu sinh sống. Với 32 nhà bè và bè, có 32 hộ gia đình ở Vung Viêng (hơn 50%) đã trở về sống với biển.
Theo quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long, mỗi hộ tham gia mô hình được cấp 300m2 diện tích mặt nước và 180m2 nhà bè. Theo lộ trình, các nhà bè và bè nuôi cá được lắp đặt trong 3 năm: Năm 2016 lắp đặt 7 nhà bè, năm 2017 lắp đặt 10 cái và năm 2018 lắp đặt 15 cái. Trong đó, 50% nguồn vốn của dự án hỗ trợ, còn lại là do Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, Quảng Ninh (HTX Vạn Chài) đối ứng.
Như vậy, các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá. Sau 3 năm, các hộ muốn tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản sẽ được HTX chuyển nhượng lại các nhà bè với kinh phí phù hợp. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao. Đến nay, mô hình đã có 7 nhà bè hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, 10 hộ nuôi trồng thuỷ sản phải đầu tư 70% kinh phí, còn lại là do HTX Vạn Chài hỗ trợ để xây dựng 10 bè nuôi. Đến năm 2018, mô hình sẽ hoàn thành tiếp 15 bè nuôi thuỷ sản.
Ông Tăng Văn Phiến-Giám đốc HTX Vạn Chài cho biết: “Nhằm tạo sự gắn kết, dự kiến 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản đầu tiên sẽ tự nguyện trích một phần kinh phí để hình thành Quỹ sản xuất. Từ đó, người nuôi trồng thuỷ sản có khó khăn về kinh phí được vay không tính lãi. Như vậy, trách nhiệm của các thành viên được nâng lên và khả năng duy trì mô hình ngày càng bền vững”.
Xây dựng tour du lịch có trách nhiệm
HTX Vạn Chài được thành lập vào năm 2008 với 100 thành viên và người lao động, chủ yếu là người làng chài Vung Viêng, trong đó có khoảng 60 lao động chèo đò, đưa khách tham quan. Các dịch vụ của HTX Vạn Chài gồm chèo thuyền đưa khách du lịch thăm làng chài và Vịnh Hạ Long; giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của ngư dân; trải nghiệm hoạt động đánh cá. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức vớt rác giữ gìn môi trường Vịnh Hạ Long xanh, sạch. Trong đó, sản phẩm du lịch chính là chèo thuyền (với 60 thuyền nan, 115 thuyền kayak và 5 thuyền rồng). Giá thuê thuyền, đi đò khá rẻ. Vé đi đò là 60 nghìn đồng/người, thuê thuyền kayak giá 30 nghìn đồng/1 chiếc.
Trước đây, tour du lịch có trách nhiệm ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia của du khách. Với hình thức tổ chức là kết nối để du khách giúp đỡ, hỗ trợ bằng cách ủng hộ máy tính, sách vở, quần áo, dụng cụ lao động hay dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh giấy cho người dân và học sinh ở làng chài. Để đáp lại tấm lòng mà các du khách mang đến, người dân làng chài sẽ mời họ ở lại ăn cơm, đi đánh cá và vui chơi ở làng chài. Từ năm 2008-2013, HTX Vạn Chài đã tổ chức, kết nối được rất nhiều các tour du lịch có trách nhiệm ở Vung Viêng, qua đó đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho người dân làng chài. Khi người dân lên bờ, hoạt động này kết thúc.
Du lịch có trách nhiệm còn được HTX Vạn Chài thực hiện thông qua việc duy trì thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng. Nếu như trước đây, còn ngư dân, du khách có thể ghé thăm từng nhà, uống nước, nói chuyện với họ thì nay họ chỉ ngồi thuyền nan ngắm nhìn làng chài và được hướng dẫn viên thuyết minh. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, HTX Vạn Chài đã đầu tư xây dựng Khu thực hành. Tại đây, du khách được ngắm nhìn những hình ảnh sinh hoạt, sản xuất và các ngư cụ sản xuất, lớp học, nhà bè sinh hoạt của người dân, khu nuôi trồng thuỷ sản... để hình dung lại cuộc sống trước đây của làng chài. Đây chính là mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm mà HTX duy trì. Tuy nhiên, Khu thực hành vẫn còn khá đơn sơ, chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Kỳ 5: Thấy gì từ dự án vay 3 nghìn tỷ xử lý nước thải Vịnh Hạ Long?