Gìn giữ, phát huy 'tài sản đặc biệt' Vịnh Hạ Long (Kỳ 2): Ngư dân tìm đường về biển

(PLO) - Những ngư dân làng chài lên bờ nhưng mù chữ, không có việc làm đã mắc cạn trên bờ. Một nửa số hộ tái định cư đã bán nhà. Để mưu sinh, ngư dân tìm mọi cách trở về với biển.
Làng chài Vung Viêng đẹp như cổ tích thế này tại sao phải di dời?
Làng chài Vung Viêng đẹp như cổ tích thế này tại sao phải di dời?

Đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ năm 2008. Tháng 10/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai thực hiện phương án di dời đối với các nhà bè và hoàn thành sau đó 2 năm. Dự án tiêu tốn 167 tỷ đồng này được tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá là đề án có tầm chiến lược, nhằm bảo vệ tính mạng tài sản ngư dân, tạo cho ngư dân cuộc sống có tính bền vững, giúp trẻ em có điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh trật tự, hạn chế tác động tiêu cực tới Vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường sinh thái biển... Nhưng những điều đẹp đẽ đó chỉ được ghi trên giấy. 

Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 335km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Trước khi đưa dân lên bờ, Vịnh Hạ Long có 7 làng chài. Với diện tích mênh mông như vậy, mấy trăm hộ ngư dân của 7 làng chài không phải là sự đe dọa đối với di sản.

Năm 2014, khi thực hiện Đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long, các làng chài nổi từng sinh sống trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh di dời lên bờ định cư. Ban đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã kiểm đếm, xác nhận có 614 hộ nhà bè, lập phương án hỗ trợ cho từng hộ dân nhà bè với tổng kinh phí trên 39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định của Ban Bồi thường, nhà nào có bè từ ngày 21/3/2008 trở về trước thì được giải quyết tái định cư miễn phí. Những hộ có nhà bè sau thời điểm này thì được xem xét bồi thường, đóng góp thêm tiền nếu nằm trong tiêu chí được mua nhà diện này. Cuối cùng, 364 hộ, 1.726 nhân khẩu may mắn được cấp nhà tái định cư ở làng chài mới tên gọi làng chài Hà Phong. Những gia đình còn lại bị “giải phóng mặt bằng” phải lên bờ tá túc nhờ họ hàng, đi thuê nhà hay lén lút sống trên những con thuyền nhỏ bé rách nát trên Vịnh.

Làng chài Hà Phong nằm sâu bên trong thung lũng của những dãy núi đá Vịnh Hạ Long, cách quốc lộ 18 chừng 3km thuộc khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long) với diện tích 8 ha, bao gồm 8 dãy nhà cấp 4, nền xi măng, mái lợp tôn với 364 căn hộ liền kề được hình thành. Diện tích mỗi căn hộ trung bình gần 80m2. Với những người dân sống lênh đênh trên thuyền, bè, quang năm trôi dạt quanh những đảo đá thì có được một mảnh đất cắm dùi, một mái nhà che nắng, che mưa, trị giá cả tỷ đồng/1 căn mở ra một tương lai xán lạn và một giấc mơ đổi đời. Thế nhưng không gian sống thay đổi, dự án được thực hiện nửa vời, ngư dân không có việc làm, mắc cạn trên bờ khiến dự án tốn kém này phá sản. 

Mục tiêu của Đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long là tất cả cư dân trên vịnh sẽ được cấp nhà ở miễn phí, được tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đặc biệt là trẻ em sẽ được đến trường. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm lên bờ, kỳ vọng ấy không thực hiện được. Thực tế, cư dân làng chài đều không được học hành nên đa số mù chữ, để kiếm được việc làm trên bờ là bài toán khó có lời giải. Lời hứa của dự án về việc làm trên bờ, rồi những viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp khi rời tay chài, tay lưới vẫn nằm y nguyên trên... đề án. 

Không có việc làm, gia đình đông con, những hệ lụy bắt đầu phát sinh tác động mạnh đến đời sống người dân làng chài. Những thanh niên xưa chỉ quen dọc ngang bám biển, lấy trời làm nhà nay không việc làm, không trợ cấp, xa lạ hoàn toàn với cuộc sống mới, bị kẻ xấu lợi dụng khiến nhiều gia đình trắng tay, con cái rơi vào cờ bạc, hút chích, khiến gia đình túng thiếu, nợ nần. Phố làng chài không còn bình yên như những ngày tươi đẹp trên biển. Những va đập nơi phố thị đang “gây bão” cho nhiều gia đình. Không được về với biển, không có công ăn việc làm và hoàn toàn lạ lẫm với “thế giới trên cạn”, họ quay quắt, vật lộn trong chính giấc mơ của mình.

Trong đề án, ngoài diện tích đất ở (nhà cửa và các công trình phụ) người dân không có đất để chuyển đổi nghề nghiệp sang sản xuất nông nghiệp, trồng trọt hay chăn nuôi phục vụ cuộc sống tối thiểu hàng ngày. Khó khăn này khiến phần lớn trong số họ chỉ còn cách quay lại nghề cũ, mưu sinh trên Vịnh Hạ Long bằng nghề đánh bắt hải sản, chèo đò chở khách.

Những hộ đánh bắt hải sản do phương tiện nhỏ, chỉ đánh bắt ven bờ, sản lượng thấp nên không hiệu quả cuộc sống khó lại khổ thêm. Đã vậy, tàu thuyền của ngư dân muốn ra vào khu neo đậu phải đi một quãng khá xa. Lời hứa khơi thông luồng lạch khi di dân lên bờ trong đề án mất nhiều năm ì ạch thi công, khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân bị “nhốt” nên không thể ra khơi đánh bắt. Có 120 người được nhận vào làm nghề chèo đò chở khách cho các công ty du lịch, lương bình quân được 3 triệu đồng/tháng, tự lo ăn và được nghỉ 2 ngày/tháng về thăm nhà. Các lồng bè nuôi hải sản bị dỡ bỏ vì không nằm trong quy hoạch, chỉ còn sót lại những ngôi nhà cũ không bóng người nằm trơ trọi trong lòng di sản để làm “sản phẩm” du lịch.

Trước đây, có hơn 70% bà con mù chữ, ngay khi lên bờ, lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa được triển khai nhưng sau ít buổi tới lớp, người dân đã nghỉ học. Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1/2 số hộ dân đã lén lút bán nhà, tìm mọi cách để quay về biển. Chuyện những gia đình lén lút nửa đêm lũ lượt kéo nhau xuống thuyền xuôi ra Vịnh để trốn nợ và không có nhà ở không phải là chuyện hiếm.

Kỳ 3: Nghịch  lý di dân lên bờ rồi lại phục dựng làng chài cổ

Đọc thêm