Ngày càng nhiều người trẻ muốn làm việc cho các công ty đa quốc gia
Sáng 16/8, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa tổ chức buổi công bố một khảo sát mới về các kỹ năng công nghệ đối với tương lai nghề nghiệp của người trẻ trong khu vực ASEAN.
Cuộc khảo sát được tiến hành với 56.000 công dân ASEAN nằm trong độ tuổi từ 15 đến 35. Nghiên cứu này góp phần phản ánh nhận thức và việc chuẩn bị của thế hệ trẻ trong khu vực đối với những thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho thị trường lao động.
|
Ông Justin Wood - người đứng đầu khu vực Châu Á - TBD của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chia sẻ về các dữ liệu vừa được WEF công bố. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Khi được hỏi về mong ước tương lai, 33% giới trẻ Đông Nam Á muốn làm việc trong lĩnh vực kinh tế, 19% bày tỏ khao khát được làm việc tại các công ty đa quốc gia nước ngoài.
Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là xương sống của thị trường lao động tại các quốc gia Đông Nam Á. Hiện khoảng 18% số người được hỏi đang làm việc trong nhóm ngành này. Thế nhưng, có một thực tế là chỉ 8% số người được hỏi muốn tiếp tục làm việc trong các nghiệp vừa và nhỏ, với lý do là bởi các công ty nhỏ mang đến ít cơ hội được đào tạo hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Cũng theo khảo sát này, 5,7% trong số 56.000 người được hỏi cho biết, họ đã mất việc do kỹ năng không còn phù hợp hoặc bị thay thế bởi công nghệ. Có tới 9% giới trẻ cho rằng, các kỹ năng của họ đã trở nên lỗi thời trên thị trường lao động. Trong khi đó, 52% người được hỏi nhận thức rằng họ sẽ phải cập nhật liên tục các kỹ năng trong suốt cả cuộc đời.
Thế hệ trẻ ưu tiên ngoại ngữ và kỹ năng mềm
Theo ông Justin Wood - người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rất khó để có thể dự đoán cách mà công nghệ thay đổi tương lai của các ngành nghề lao động. "Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng, người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc gia tăng, “vòng đời” của các kỹ sư cũng sẽ bị rút ngắn. Thật may là giới trẻ Đông Nam Á thực sự nhận thức được điều này" - Justin Wood nói.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nguồn lao động trẻ cần phải được đào tạo tốt cả về công nghệ lẫn kỹ năng mềm. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Có một điều đáng chú ý khi mà theo khảo sát của WEF, giới trẻ khu vực ASEAN dường như chú trọng đến các kỹ năng mềm nhiều hơn là các kỹ năng về khoa học, kỹ thuật, toán học và công nghệ (nhóm STEM).
Theo đó, người trẻ Đông Nam Á coi sự sáng tạo là quan trọng nhất, kế đó là khả năng nói được nhiều ngôn ngữ. Họ cũng rất tự tin về các kỹ năng mềm của mình. Trong khi đó, toán học và phân tích dữ liệu là những kỹ năng ít được chú ý nhất.
Chuyên gia kinh tế Santitarn Sathirathai của Sea Group đánh giá cao vai trò của các kỹ năng mềm, kể cả đối với lĩnh vực công nghệ: "Trong một thế giới phát triển nhanh như hiện nay, các kiến thức sẽ trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng, do vậy các kỹ năng mềm cho khả năng thích ứng và sáng tạo là vô cùng quan trọng" - ông Santitarn Sathirathai nói - "Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nước trong khu vực ASEAN nên tích cực đầu tư các kỹ năng STEM cho giới trẻ".
Nhiều cơ hội phát triển kĩ năng số cho các bạn trẻ
Làm diễn giả tại Diễn đàn, ông Lê Hồng Minh - TGĐ VNG chia sẻ câu chuyện về cách thức mà chúng ta sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày. "Như các bạn đã biết, chúng tôi có nền tảng nhắn tin Zalo. 18 tháng trước, chúng tôi bắt đầu làm việc với các cơ quan quản lý, các địa phương để giới thiệu về chính quyền điện tử trên nền tảng Zalo. Chúng tôi đã thuyết phục cơ quan quản lý rằng đây sẽ là cách rất hiệu quả để người dân tiếp cận, kết nối với cơ quanquản lý bất cứ khi nào họ cần thông tin, cần kiểm tra xem đơn từ của mình đến đâu,… Cho đến nay, hơn 40 tỉnh thành đã sử dụng chính quyền điện tử do Zalo cung cấp, thậm chí cả những vùng sâu vùng xa ở Việt nam. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là phương thức tối ưu để làm cho công nghệ trở nên gần gũi hơn với mọi người, kể cả những người không sử dụng công nghệ thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày" - ông Minh kể.
|
Ông Lê Hồng Minh - TGĐ VNG - chia sẻ các câu chuyện về kĩ năng số. |
Ông Lê Hồng Minh cũng cho biết, Cty VNG hướng sự tập trung của mình vào việc đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thực tập sinh. Thông qua mối quan hệ với hơn 30 trường Đại học, mỗi năm VNG tuyển dụng khoảng 200-400 thực tập sinh cho chương trình Fresher Program để tham gia vào chương trình đào tạo của VNG. Nhưng rào cản lớn nhất mà VNG gặp phải là số lượng người đào tạo (trainers) đáp ứng được yêu cầu, đủ tốt và chuyên tâm với nghề. Do vậy, việc tạo ra đội ngũ trainer giỏi sẽ là ưu tiên của Cty này trong thời gian tới.
Đối với FPT, theo ông Trương Gia Bình - TGĐ FPT, tập đoàn này đang hướng tới việc đào tạo kĩ năng số cho khoảng 50.000 người. Điều này sẽ được thực hiện bằng việc xây dựng và phát triển một trường đại học chuyên đào tạo các ngành công nghệ mới cho hàng ngàn sinh viên với chất lượng quốc tế.
|
Các diễn giả tham gia Diễn đàn. |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh, nhưng người dân và chính phủ thì lại không thể thay đổi nhanh như vậy. Đây chính là thách thức lớn nhất của Việt Nam.
"Một Asean là sáng kiến tuyệt vời, Asean số sẽ làm cho Asean trở thành một khối: Một thị trường chung ASEAN, Một khung chính sách ASEAN cho CMCN 4.0, Một ASEAN roaming chung giá cước, Một trường đại học ICT ASEAN, Một trung tâm đổi mới ASEAN, Một trung tâm an ninh mạng ASEAN, v.v. Là một khối Asean, chúng ta trở nên lớn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Do đó, một trong những việc mà Việt Nam đã thực hiện chính là thay đổi con người, để họ có thể thích nghi tốt hơn đối với sự thay đổi. “Muốn làm được điều đó, chúng ta không chỉ đào tạo về công nghệ mà còn phải đào tạo họ cả về kĩ năng mềm” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.