Chỉ số B1 là chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật do WEF tiến hành đánh giá, xếp hạng hàng năm trên cơ sở khảo sát đối tượng là những nhà quản lý cấp cao và tầm trung của các doanh nghiệp. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018, chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.3/7 năm 2017 và đạt 3.1/7 năm 2018 (đứng thứ 96/140).
Vì vậy, Chính phủ yêu cầu cải thiện điểm số, cải thiện xếp hạng, trong năm 2019 tăng ít nhất được 2 bậc và Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì nâng xếp hạng chỉ số này.
Triển khai nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động và cuộc giao lưu trực tuyến là để hiểu rõ hơn về khái niệm, nội dung, phạm vi chi phí tuân thủ pháp luật/chỉ số B1 theo chuẩn mực quốc tế cũng như trao đổi một số nội dung còn vướng mắc về nâng xếp hạng chỉ số B1.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến điểm cầu Bộ Tư pháp |
Rất nhiều vấn đề liên quan được đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam đặt ra. Chẳng hạn như các cơ sở để WEF đưa ra các câu hỏi về chỉ số B1; đối tượng khảo sát hàng năm có thay đổi không; WEF gợi ý gì để Việt Nam có thể tăng được điểm số, xếp hạng; cách tính toán chỉ số năm nay có khác so với các năm trước không…
Chuyên gia WEF – ông Thierry Geiger (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá các nền kinh tế và xã hội mới) đã giải đáp thỏa đáng các câu hỏi trên. Ông giải thích chỉ số B1 là chỉ số phản ánh cảm quan chung về mức độ quan liêu trong lĩnh vực hành chính, chứ không nắm bắt các yếu tố cụ thể. Hơn nữa, đây chỉ là 1 trong rất nhiều chỉ số dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia theo báo cáo của WEF.
Các đại biểu tham dự đã đặt nhiều câu hỏi cho chuyên gia WEF |
“Nếu Chính phủ kiểm soát tốt chính sách, quy định hành chính thì tiến bộ đó sẽ được phản ánh ngay trong bảng điểm” – ông Geiger nhấn mạnh.
Thay mặt các đơn vị, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cảm ơn thông tin, kiến thức mà chuyên gia đã nhiệt tình trao đổi tại buổi giao lưu, đồng thời mong chuyên gia tiếp tục chia sẻ, trao đổi với Bộ Tư pháp để việc cải thiện chỉ số B1 của Việt Nam tốt hơn trong thời gian tới.