Giới trẻ với khát vọng trở thành vị tướng

Trở thành một vị tướng không phải chỉ là khát vọng của những người đang làm nhiệm vụ trong Quân đội mà là khát vọng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để trở thành một vị tướng cần phải có những phẩm chất gì?

Trở thành một vị tướng không phải chỉ là khát vọng của những người đang làm nhiệm vụ trong Quân đội mà là khát vọng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để trở thành một vị tướng cần phải có những phẩm chất gì?

Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra khẩu phần ăn của chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, BTL Thủ đô Hà Nội

Bắt đầu ra mắt độc giả từ tháng 9/2009, đến nay, Trang Quốc phòng-An ninh Báo Pháp luật Việt Nam đã có hơn hai năm đồng hành với độc giả trong và ngoài Quân đội. Theo nhận xét của nhiều độc giả, nếu như trước đây các hoạt động của Quân đội thường chỉ được đăng tải, đưa tin trên Báo Quân đội Nhân dân, Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân và do những người trong Quân đội viết về Quân đội thì sự ra đời của Trang Quốc phòng - An ninh của Báo Pháp luật Việt Nam đã mang đến một hơi thở mới, một góc nhìn đa diện, đa chiều, sắc sảo về Quân đội.Vì vậy, PLVN đã nhận được rất nhiều phản hồi, nhận xét từ độc giả nhất là các độc giả trẻ.

Trở thành Tướng không chỉ là khát vọng của những quân nhân đang phục vụ trong quân ngũ mà với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiều bạn trẻ chia sẻ mong muốn được cống hiến trong quân đội và băn khoăn để trở thành Tướng thì cần những điều kiện gì?

Như chúng ta đều biết, dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mãi là một tượng đài thiêng liêng trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Tầm vóc của ông vượt lên trên chiến tranh và những vinh quang của chiến thắng để đạt tới những giá trị bất biến của lương tri con người. Đó chính là tinh thần nhân văn cao cả trong khát vọng và sự cống hiến quên mình. 

Với những vị tướng đang trong quân ngũ, chúng tôi không trả lời câu hỏi của các bạn mà trích dẫn chính những nhận xét, bình luận của chính  bạn đọc khi đọc hay xem một bức ảnh được đăng tải trên trang Quốc phòng - An ninh.

Độc giả Cao Thanh Đông ở Hòm thư 3KC - 890 Hà Lầm, Hạ Long, Quảng Ninh thay mặt anh em ở Đơn vị H13, Đoàn B63, Quân chủng Phòng không - Không quân gửi tới chúng tôi những băn khoăn khi Bộ quốc phòng ban hành Thông tư số 73/2011/TT/BQP quy định mức tiền ăn cơ bản của Bộ binh là 37.000đồng/ngày (tăng 4000đồng/ngày), được áp dụng từ ngày 1/5/2011.

Ngay sau đó, trên trang Quốc phòng - An ninh đã đăng tải bài viết có trả lời của Thiếu tướng Phạm Tiến Luật - Cục trưởng Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) giải đáp thắc mắc của cán bộ, chiến sĩ về việc tăng tiền ăn cơ bản của bộ đội và khẳng định Tổng cục Hậu cần, Cục Quân nhu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân chú trọng quản lý chặt chẽ, sử dụng tiền ăn hiệu quả, tránh thất thoát, bớt xén tiêu chuẩn, chế độ của bộ đội. Kèm theo bài viết là hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đang cầm trên tay khẩu phần ăn của chiến sĩ.

Khi bài báo được đăng, anh Cao Thanh Đông đã viết một bài khá dài nói rằng bài báo đã giải tỏa được những băn khoăn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và anh em rất xúc động khi biết rằng không phải Bộ trưởng không biết tình hình giá cả sinh hoạt đắt đỏ ảnh hưởng lớn đến đời sống cán bộ chiến sĩ nên ông đã trực tiếp kiểm tra bữa ăn của chiến sĩ. Sự quan tâm của Bộ trưởng Quốc phòng đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ làm anh em rất phấn khởi.

Tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Học viện Kỹ thuật Quân sự, Thượng tướng Trương Quang Khánh (lúc đó mới là Trung tướng) -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Hôm đó, trời mưa tầm tã, lạnh tê tái. Trung tướng Trương Quang Khánh đã có bài phát biểu dài 3 phút 28 giây. Có lẽ đó là bài phát biểu ngắn kỷ lục. Tuy nhiên, ông đã nói hết những điều cần nói: Sự chia sẻ với “thử thách nho nhỏ” của các học viên đang dầm mình dưới mưa.

Khẳng định những đóng góp của Học viện trong 45 năm qua và định hướng phát triển của Học viện trong thời gian tới. Bài phát biểu ngắn kỷ lục của ông thành một ấn tượng đẹp đối với hàng nghìn học viên quân sự và dân sự đứng dưới sân. Nếu không có tình tình thương yêu cán bộ và chiến sĩ - những người đang ướt sũng và run lên vì lạnh với tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử”, ông sẽ “hành” các học viên bằng bài diễn văn dài mấy trang giấy.

Bức ảnh Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội động viên chàng tân binh trẻ lên đường nhập ngũ nhận được nhiều phản hồi nhất của độc giả. Hai người lính, một tóc đã bạc, một đầu còn xanh, một người là Tướng quân, người kia là tân binh, nhưng giữa họ không có khoảng cách. Cả hai với nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay siết chặt trở thành biểu tượng của ngày hội tòng quân.

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn-Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội - động viên thanh niên quận Hà Đông lên đường nhập ngũ

Độc giả diepnt@vinaphone.vn nhận xét: Hình ảnh vị tướng và anh lính trẻ trong cái bắt tay thật chặt không chỉ là hình ảnh đẹp cho hai thế hệ quân nhân - một người đã khẳng định mình và người kia bắt đầu cuộc đời quân ngũ với khát vọng tuổi trẻ có thể có một ngày mình sẽ là Tướng mà còn là hình ảnh của người cha với người con, sự tiếp nối thế hệ thể hiện tính nhân văn cao đẹp của “anh bộ đội cụ Hồ”.

Hiện nay, khi có rất nhiều người trốn tránh nghĩa vụ quân sự với tâm lý ngại khó, ngại khổ thì hình ảnh đẹp này là lời động viên, khích lệ những bạn trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ. Đó cũng chính là sức mạnh nội tại để Quân đội ta tạo ra các giá trị tinh thần khác trong mọi hoạt động của mình.

Lam Hạnh

Đọc thêm