Giữ đất cho “Mũi thuyền” Cà Mau - Bài 2: Những nỗ lực giảm thiệt hại

(PLVN) -Trước tình trạng sạt lở đất ở Cà Mau đang diễn ra ở mức rất đáng lo ngại, Cà Mau đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để giữ đất, ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.
Giữ đất cho “Mũi thuyền” Cà Mau - Bài 2: Những nỗ lực giảm thiệt hại

Thưa ông, trước tình trạng sạt lở đất rất nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã nỗ lực ứng phó như thế nào?

- Tình hình sạt lở ở Cà Mau xảy ra từ nhiều năm qua, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục nên cũng đã hạn chế được nhiều thiệt hại. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực sạt lở nâng cao nhận thức được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, ngành chuyên môn sẽ xác định các vị trí đã và có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương phối hợp triển khai đến người dân, nơi nào bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng như thế nào? Từ đó, bà con chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Đối với những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc người dân phải di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn. Đối với những vị trí đã và đang sạt lở, chúng tôi đánh giá mức độ tác động, nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại và đưa ra những giải pháp, đầu tư phù hợp.

Tại các vị trí sạt lở bờ sông, chúng tôi ưu tiên thực hiện xử lý, khắc phục bảo đảm giao thông thông suốt; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ để ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý các hộ xây dựng nhà ven sông, kênh rạch trái quy định. Còn với các công trình dọc theo các tuyến sông, lựa chọn phương án tuyến, phạm vi lấy đất đắp nền đường để hạn chế tối đa việc sạt lở, sụt lún trong quá trình khai thác, sử dụng.

Nếu không triển khai các giải pháp như đã nêu, hệ lụy sạt lở gây ra cho tỉnh Cà Mau sẽ cực kỳ lớn, khó có thể tưởng tượng được. Chúng tôi xác định, không thể ngăn chặn sạt lở nhưng được sự hỗ trợ từ Trung ương và với nguồn lực có hạn của địa phương, tỉnh đã ưu tiên những nơi cần thiết nhất, triển khai những biện pháp phù hợp nhất để giảm thiểu tác động, thiệt hại của sạt lở ở mức thấp nhất.

Về lâu dài, chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển; xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng tiêu chuẩn hướng dẫn quản lý dải ven bờ; khôi phục bãi. Cùng với đó, xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đến năm 2025 tập trung hoàn thành cơ bản việc xử lý tại các trọng điểm xung yếu về sạt lở.

Ông Tô Quốc Nam- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau.

Ông Tô Quốc Nam- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau.

Nói riêng về việc chống sạt lở bờ biển, trong thời qua tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ bờ biển. Theo ông, giải pháp nào đem lại hiệu quả?

- Từ năm 2009 đến nay, trong quá trình bảo vệ đê biển trong mùa mưa bão, Cà Mau đã thực hiện rất nhiều giải pháp kè như: Kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ… với tổng chiều dài khoảng 55km, tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Qua đó, xử lý, khắc phục sạt lở hiệu quả ở những vị trí xung yếu nhất. Trong 5 năm qua, đê biển Cà Mau nhiều lần bị sóng biển uy hiếp nhưng không đoạn nào bị phá vỡ, vừa bảo vệ cho tính mạng và tài sản của nhân dân, vừa bảo vệ trên 10.000ha diện tích sản xuất ven biển.

Trong các giải pháp trên, theo đánh giá của chúng tôi, giải pháp kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc có nhiều ưu điểm. Loại kè này vừa khắc phục sạt lở vừa giữ phù sa bồi đắp tạo bãi tái sinh cây mắm để khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển, thích nghi với tình hình của biển đổi khí hậu, nước biển dâng. Giá thành đầu tư loại kè này cũng thấp hơn nhiều so với các loại kè biển cơ bản khác.

Ông có hiến kế gì để có thể góp phần khắc phục tình trạng sạt lở của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới?

- Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng dân cư nâng cao ý thức, chủ động và có trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường công tác bảo vệ rừng, thảm thực vật ven bờ biển, khôi phục và phát triển rừng cây chắn sóng phòng, chống sạt lở.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, sắp xếp bố trí lại khu dân cư, lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh (chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình sắp xếp bố trí dân cư,...).

Chúng tôi cũng chú trọng việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc xây dựng công trình, nhà cửa hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở; nghiên cứu các mô hình thực nghiệm, áp dụng công nghệ mới xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cà Mau đang nỗ lực bảo vệ bờ sông, bờ biển chống sạt lở đất.
Cà Mau đang nỗ lực bảo vệ bờ sông, bờ biển chống sạt lở đất.

Cùng với các biện pháp giữ ổn định cho người dân, chúng tôi lập dự án và triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển. Căn cứ tình hình thực tế và đặc thù của các khu vực để triển khai giải pháp đầu tư hệ thống công trình khả thi, phù hợp, thân thiện môi trường và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc sau: Tùy vào đặc điểm từng khu vực để triển khai cứng hóa chân kè, mái kè, đỉnh kè bằng các giải pháp khác nhau (khối bê tông, cấu kiện, cừ bê tông, kè cọc ly tâm, kè đá đổ, kè lát mái...).

Đối với các khu vực sạt lở đi qua các khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa: Áp dụng các giải pháp công trình phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống sạt lở và không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, hiện trạng vùng dự án; Ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông tại các khu vực dân cư tập trung để bảo vệ hạ tầng bên trong với tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đồng thời sắp xếp khu tái định cư, di dời các hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở nói trên.

Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là, các giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và bà con nhân dân, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương thì mới có thể có những giải pháp căn cơ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau), những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài trên 4.900m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn), làm thiệt hại 78 căn nhà. Các vị trí sạt lở đa số đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân. Ước thiệt hại về tài sản gần 14 tỷ đồng.

Tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời. Không chỉ sạt lở bờ sông, bờ biển Cà Mau cũng đang bị đe dọa trầm trọng. Thống kê từ năm 2011 - 2022, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trong tổng số 254km bờ biển của tỉnh. Sạt lở đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương diện tích của một xã). Hiện nay bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, sạt lở bờ sông khoảng 365km, với các mức độ khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của Cà Mau.

Đọc thêm