Giữ tiếng nhạc xưa giữa lòng phố thị

(PLO) - Đến phố Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), hỏi ông Kỉnh “đàn, ca, sáo, nhị” thì rất nhiều người biết. Đối với những người hàng xóm ở đây, ông Kỉnh là: “Người mà đồ đạc của gia đình có thể đặt chồng chéo lên nhau nhưng mấy nhạc cụ dân tộc đàn, sáo, nhị ông làm ra…là phải được treo trịnh trọng và được chăm chút hàng ngày”.
Giữ tiếng nhạc xưa giữa lòng phố thị

“Tiếng đàn đi sâu vào tận tâm can”.

Trong căn nhà nhỏ số 101 B4 Bắc Thành Công của ông Kỉnh, dù có chút tồi tàn và chật chội nhưng ai bước vào đây cũng đều choáng ngợp bởi khá nhiều loại nhạc cụ dân tộc “chen vai, sát cánh”, trong có những loại đàn lần đầu phóng viên được nghe tên và “mục sở thị”. 

Ông Cao Kỳ Kỉnh xuất thân từ làng Quế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có nghề làm nhạc cụ. Ngay từ thuở bé, ông đã biết đến tiếng đàn, dụng cụ làm đàn. Năm 2004, vợ chồng ông lên Hà Nội bán hàng mưu sinh. Nhớ quê, những lúc rảnh rỗi, ông lựa gỗ đẽo làm đàn rồi chiều tối mang ra chơi. Dần dần, nghe tiếng đàn, nhiều người ưa thích tới đặt mua nên từ đó ông Kỉnh mở xưởng chế tác đàn ngay tại nhà. Và cứ như vậy, ông bén duyên với nghiệp làm đàn như một lẽ thường tình vốn có bởi những kiến thức và tình yêu âm nhạc dân tộc của cha mình đã ăn sâu vào trong tiềm thức của ông. 

Ông Kỉnh bằng chính khả năng thẩm thấu âm nhạc dân tộc “thần kì” của mình mà có thể tự mày mò làm được rất nhiều nhạc cụ từ đàn, sáo, khèn và một số nhạc cụ hiện đại khác như ghita, măngđôlin. Cũng có rất nhiều người tìm đến ông để sửa đàn và đặt riêng kiểu đàn cho mình. Cũng có những sản phẩm ông sáng tạo thêm dây kéo, thêm hộp tích âm để tiếng đàn có chất lượng, âm thanh nghe vang rõ hơn.

Thi thoảng ông làm ra bị sai hoặc bị lạc tiếng khiến ông vô cùng trăn trở và lại có động lực để tìm tòi. Ông không dùng thiết bị nào để kiểm định chất lượng âm thanh, tất cả nhạc cụ đều thẩm thấu qua tai thường. Vừa đùa vừa thật, ông cười nói: “Đó chắc là do cái duyên trời ban cho mình đấy”! Có lẽ, bí quyết quan trọng để cải thiện âm sắc nhạc cụ dân tộc không nằm ở kỹ thuật cao siêu gì, mà chủ yếu vẫn là sự tỉ mẩn chăm chút và “tình yêu” của người làm đàn dành cho sản phẩm đó.

Ông còn nói thêm: “Từ sau khi nước nhà độc lập, các loại nhạc phương Tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Nhạc truyền thống cũng vì thế mà không được nghe nhiều, dần dần mất chỗ đứng. Giá như cái mạch tồn tại của nhạc dân tộc không bị gián đoạn thì giờ đây những người yêu nhạc cụ dân tộc như tôi đã không canh cánh nỗi lo mất đi nét văn hoá đặc sắc này của đất nước.

Chân dung người đàn ông “giữ hồn” âm nhạc cổ.

Chân dung người đàn ông “giữ hồn” âm nhạc cổ.

Trăn trở người “giữ hồn” tiếng nhạc xưa

Ông Kỉnh cho hay, nhiều sinh viên đam mê nhạc cụ dân tộc tới đây chơi đều kêu ca là dù thích nhưng nhạc cụ dân tộc rất khó chơi mà giờ cũng ít người nghe rồi nên ngại theo đuổi. Ông cũng rất buồn khi có những sinh viên đến được một thời gian rồi bỏ cuộc, lúc đó ông chỉ nghĩ chắc là người ta hết duyên với nhạc cụ dân tộc rồi. Và cứ mỗi lần nghĩ như vậy, trong lòng ông lại canh cánh nỗi lo rồi mai này khi ông không còn sức làm đàn, chơi đàn nữa ai sẽ thay ông sản xuất ra những nhạc cụ dân tộc để “giữ hồn” cho một phần văn hoá âm nhạc Việt.

Ông Kỉnh luôn tin tưởng còn có không ít người yêu say đắm nhạc cụ dân tộc và không ngừng sáng tạo nó để ghi dấu lại trong đời sống tinh thần của người dân, giống như ông. Ông lạc quan hơn khi thấy hiện có nhiều người trẻ đã tìm cách đưa yếu tố âm nhạc dân tộc vào các loại nhạc hiện đại, hoặc biểu diễn miễn phí trên đường phố.

Việc kết hợp truyền thống và hiện đại diễn ra tự nhiên và được mọi người đón nhận, ông Kỉnh cũng hy vọng đây là một cách giúp hồn nhạc xưa không phai dấu trong lòng người dân. Ông tâm sự: “Ngày ngày tôi vẫn cố gắng đưa tình yêu nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với mọi người, chí ít là với hàng xóm của tôi. Cứ chiều chiều tôi kéo đàn bầu, thi thoảng lại thổi sáo. Hôm nào bận quá không chơi thì thế nào cũng sẽ có người chạy sang hỏi: “Hôm nay ông làm sao thế, sao không chơi đàn?”. Thực sự những lúc như vậy tôi rất vui”. 

Giữa nhịp sống đô thị hiện đại xô bồ và nhiều áp lực mà vẫn một lòng giữ hồn nhạc xưa như ông Kỉnh là một điều đáng ngưỡng mộ. Nhưng sẽ tự hào hơn nữa, nếu thế hệ trẻ có những người nối gót ông Kỉnh, để mai sau đâu đó nơi ngóc ngách của đất nước phồn hoa người ta vẫn có dịp lắng lòng với tiếng nhạc dân tộc.