Thời nay không nhiều bạn trẻ còn say đắm với nghề cổ truyền |
Du khách đến với thôn Quất Động sẽ không khỏi chạnh lòng khi làng nghề thêu tay một thời hoàng kim nay chỉ còn lác đác một số hộ gia đình nghệ nhân, xưởng thêu tay. Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, hiện Quất Động chỉ còn vài hộ gia đình mưu sinh được với nghề thêu truyền thống.
Phần lớn người dân chuyển sang làm công nghiệp, kinh doanh, người đi làm công nhân, thanh niên kéo nhau lên phố tìm việc. Chính vì vậy mà những vật dụng để thêu thường chỉ để làm kỷ vật hay bỏ xó bếp. Giới trẻ không quan tâm nhiều đến ngành thêu như trước nữa.
Trước thực tế này, chị Hoàng Thị Khương ở thôn Bình Lăng, là một trong số ít thợ giữ được nghề, cho thêu và mở xưởng sản xuất với ý định góp phần vực dậy làng nghề và giúp chị em khuyết tật có thêm công ăn việc làm.
Còn nhớ những ngày đầu bắt tay vào việc, chị Khương không ngừng đi học hỏi những người có tay nghề trong làng để tích lũy kinh nghiệm, cách làm nghề. Sau một thời gian, chị quyết tâm gây dựng nên cơ sở tranh thêu tay của riêng mình. Vừa đi vào hoạt động, cơ sở tranh thêu tay hiếm hoi của tổ nghề Bình Lăng đã giải quyết được công việc cho một phần lao động khuyết tật trong xã.
Nghề thêu tay đòi hỏi sự cần cù, chăm chỉ mỗi ngày để không ngừng tích lũy thêm kinh nghiệm. Vì công nhân trong cơ sở đa phần là người khuyết tật nên mỗi lúc trở trời, căn bệnh lại hoành hành chị em khiến công việc trở nên trì trệ hơn. Trung bình, chị em trong xưởng thu nhập từ 1 – 2 triệu đồng/tháng. Con số này tuy ít hơn so với những người bình thường nhưng nó giúp họ có việc làm, thu nhập tạm thời hàng ngày.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục sinh ra trong thời hoàng kim của nghề thêu tay, lớn lên, ông cũng chứng kiến sự mai một nhanh đến chóng mặt của làng nghề thêu. Không đành lòng nhìn nghề tổ cha ông để lại bị thất truyền nên ông đã quyết tâm phục dựng lại nghề thêu tay truyền thống.
Để làm được điều đó, ông đã không quản khó khăn ban đầu để tình nguyện truyền lại nghề cho giới trẻ. Đến nay, học sinh của ông trưởng thành và mở xưởng thêu trong làng, người thì tìm ra các thành phố lớn để mở phòng trưng bày, tìm cơ hội làm ăn, quảng bá sản phẩm tranh thêu truyền thống để xuất khẩu.
Gắn với phát triển du lịch khám phá làng nghề
Bên cạnh những nghệ nhân lớn tuổi tìm cách cứu vãn nghề tổ thì một số nghệ nhân trẻ trong làng cũng rất năng động khi mở xưởng quảng bá sản phẩm ở các thành phố lớn, khu du lịch để thu hút khách hàng, tìm nguồn xuất khẩu đi các nước Âu, Mỹ. Nghệ nhân trẻ Lê Văn Hưng (sinh năm 1978) là một trong số những người như thế.
Ngay từ những năm 2000, anh Hưng đã chủ động đưa tranh thêu quảng bá ở khu du lịch trung tâm Hà Nội, dạy nghề thêu ren cho người dân Đường Lâm vừa mở xưởng để quảng bá sản phẩm đến khách du lịch. Anh Hưng cho biết, làm nghề thêu cần phải có sự cần cù, tâm huyết với nghề. Người có tư tưởng ăn xổi thì không hợp với nghề thêu tay vì nó đòi hỏi sự cần mẫn, cầu kỳ đến từng chi tiết. Để xây dựng cơ nghiệp như hôm nay, anh Hưng luôn phải vận động, tích cực chủ động đi trước trong mọi khâu để nắm bắt tâm lý, đón đầu thị trường…
Xung quanh vấn đề khôi phục làng nghề, ông Nguyễn Huy Hưng - Chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết, làng nghề thêu tay ở xã Quất Động cần nhiều hơn nữa những người trẻ dám làm, dám đổi mới như anh Hưng, chị Khương hay người tâm huyết với nghề từ khi lọt lòng đến khi tóc bạc như nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục để giúp làng nghề dần được vực dậy và phát triển đi lên.
Cũng theo ông Hưng, hiện chính quyền đang xem xét để học hỏi mô hình làng nghề ở Bắc Ninh, cho phép du khách đến tham quan, đích thân khám phá nghề thêu tay để họ được trải nghiệm. Bên cạnh đó, làng nghề có thể gắn kết phát triển du lịch làng nghề với du lịch khám phá di tích xung quanh như một cụm du lịch để tiện cho khách tham quan.