Giữ vững và phát huy tinh thần ngày Đại đoàn kết dân tộc

(PLVN) - Vào ngày 18/11 hằng năm, tại các khu dân cư lại sôi nổi diễn ra các hoạt động nhân kỉ niệm ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để người dân ôn lại truyền thống quý báu của dân tộc cũng như thắt chặt, giữ vững và phát huy tinh thần đại đoàn kết.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đại đoàn kết dân tộc đang là động lực, kết nối sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam.

Điều 11 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) đã quy định: “Ngày 18/11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sang tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, miền, từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hóa.

Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng gia đình, tạo tiền đề cho việc xây dựng mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đến mối xã, phường, huyện, tỉnh. Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Hàng năm, đến ngày 18/11, Mặt trận các cấp đã đề ra chương trình, nội dung mới và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư”.

Người dân xã Chu Hoá tham gia Ngày hội Đại đoàn kết

Người dân xã Chu Hoá tham gia Ngày hội Đại đoàn kết

Đến nay, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước nói chung.

Cứ đến tháng 11, người dân các khu phố trên địa bàn cả nước lại họp mặt cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương, để chia sẻ tình thân ái, những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là công tác vận động tập hợp quần chúng vào các tổ chức đoàn thể của địa phương...

Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng sinh hoạt với nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ với nhân dân; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” đã trở thành hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực, thực sự là ngày hội của toàn dân. Các hoạt động này sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đọc thêm