Gia đình - hạt nhân quan trọng giúp tháo gỡ áp lực học tập cho con trẻ
Bố mẹ nào cũng muốn con mình hạnh phúc. Trải qua tuổi thơ khổ cực, thiếu thốn, nhiều bố mẹ cho rằng học là cách giúp con mình “đổi đời”, có cuộc sống ấm no, sung sướng, đỡ vất vả hơn các thế hệ trước đây. Thêm vào việc mỗi gia đình ngày nay có ít thành viên hơn trước, kì vọng vào từng đứa con cũng trở nên to lớn. Thậm chí, thành tích học tập của con nhiều khi còn được sử dụng làm “đồ trang sức” cho bố mẹ để tự hào với xã hội. Nhìn thấy hầu hết trẻ khác đi học thêm nhiều thì con mình cũng phải đi học thêm cho bằng bạn bằng bè, sợ con thành tích không bằng thì sau này ra đời khó kiếm được công việc tốt.
Theo GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, một số trường hợp trẻ tự tử trong thời gian vừa qua chủ yếu là do cha mẹ không hiểu được tâm lý học sinh. Báo cáo của cuộc khảo sát được thực hiện chỉ ra tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%. Tỷ lệ này có thể còn thấp hơn thực tế, đặc biệt là ở các gia đình vùng nông thôn.
Có một thực tế, bố mẹ nào cũng thương con nhưng sự tôn trọng lại không nhiều. Nhiều phụ huynh cho rằng “trứng không thể khôn hơn vịt” nên bản thân luôn đúng, là bố mẹ thì có quyền áp đặt lên ý kiến chủ quan lên con. Không nhận được sự đồng cảm của bố mẹ, con trở nên khép kín, không còn muốn tâm sự với gia đình là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Gia đình là nơi con được nuôi dưỡng và có tác động lớn tới việc hình thành cách trẻ nhìn nhận bản thân và thế gới. Điều đầu tiên gia đình có thể làm để con bớt áp lực học hành chính là giải tỏa sự căng thẳng về điểm số ở chính mình. Chị Quỳnh Hương, một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, chia sẻ: “Khi trường báo điểm kiểm tra giữa kỳ 2, tôi ngỡ mình nhìn nhầm, phải dụi mắt mấy lần để đọc lại. Điểm của con giảm mạnh so với đợt học kỳ 1. Tôi có mắng con và hơi bực khi thấy con im lặng, vào phòng đóng cửa. Rồi khi đọc được thông tin về cậu bé 15 tuổi hủy hoại bản thân vì áp lực học hành, phản ứng của tôi là chạy vào phòng và ôm con. Tôi thấy mình đang may mắn vì tôi vẫn còn có thể được ở bên con. Khi ấy mới thấy điểm số không phải điều gì quan trọng. Vậy mà lúc thường thì điểm số lại luôn là thứ ám ảnh trong đầu. Đôi khi nó làm tôi tăng xông, không thể kiềm chế để không mắng mỏ con”.
Sau khi có tâm lý thoải mái, phụ huynh có thể giúp con giải toả áp lực học tập bằng việc thừa nhận và cảm thông với những căng thẳng con đang phải đối mặt. Cố gắng chối bỏ và ngó lơ những khó khăn chỉ khiến con cảm thấy cô độc, mệt mỏi và xa cách hơn. Chỉ khi cha mẹ chấp nhận lắng nghe không phán xét, là bạn của con thì mới thấu hiểu được nỗi niềm tâm tư, mới bước chân vào được thế giới của con. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên chân thành bày tỏ cảm xúc của bản thân với con, để con thấy bố mẹ không phải những tượng đài hoàn hảo mà cũng có đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố giống mình. Điều này tạo nên được sợi dây gắn kết giữa bố mẹ và con cái, khiến con thấu hiểu, sẵn sàng hỗ trợ bố mẹ. Khi bản thân gặp chuyện, con tin tưởng muốn tìm đến bố mẹ để tâm sự thay vì tự mình giải quyết và đôi khi dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Ngoài việc giảm áp lực học hành từ bên ngoài, bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng việc làm tăng nội lực bên trong của trẻ. Ngay từ nhỏ, bố mẹ nên xây dựng cho con lòng tự trọng để con hiểu rằng dù không mạnh ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, con vẫn là người có giá trị. Trước những vấn đề của cuộc sống, thay vì chỉ trích hay áp đặt, yêu cầu con phải làm thế này, thế kia, bố mẹ nên đưa ra những lời khuyên, định hướng đúng đắn và trao quyền quyết định cho con cái.
Cần sự chung sức của cả cộng đồng
Để trút bỏ gánh nặng áp lực học hành khỏi con trẻ, vai trò của cha mẹ cần thiết nhưng sự chung sức của toàn xã hội cũng quan trọng không kém. Các tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền nên tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí lành mạnh, giảm bớt sự bức bối về mặt tâm lý. Ngoài ra, việc đánh giá bằng điểm số là một phương thức nhận biết năng lực của học sinh để thuận tiện trong giáo dục, nhưng điểm số chỉ là một phần, không thể đánh giá hết năng lực toàn diện một học sinh. Nghiên cứu của nhà khoa học Howard Gardner năm 1983 đã chứng minh có đến 9 loại hình trí thông minh liên quan tới logic - toán học, ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, cơ thể, thiên nhiên, nội tâm, tương tác giữa các cá nhân và hiện sinh. Một học sinh điểm thấp trên trường không có nghĩa chúng không thể thành công với tài năng riêng biệt của mình.
Áp lực học hành dễ hủy hoại tinh thần con trẻ. (Ảnh minh họa) |
Việc những buổi dạy về kỹ năng sống như nhận biết cảm xúc, đối diện với cảm xúc khó, khám phá bản thân, vượt qua khó khăn trong học tập, xác lập mục tiêu… được tổ chức sẽ giúp người trẻ được trang bị thêm các công cụ hữu hiệu đối mặt với căng thẳng. Các hoạt động truyền thông về chủ đề căng thẳng tâm lý ở học sinh để các cấp quản lý, nhà trường, cha mẹ hiểu đầy đủ hơn về thực trạng đáng báo động này cũng nên được tăng cường. Nhà trường cũng cần tổ chức tốt hoạt động tham vấn và trị liệu tâm lý nhằm hỗ trợ học sinh kịp thời khi gặp khó khăn tâm lý.
Làm sao giảm áp lực trong học đường là một chủ đề nóng hổi. Có tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều các dự án được lập nên để hỗ trợ giải quyết vấn đề này. “Lớp học Vòng tròn” là một trong số đó, nhằm giới thiệu phương pháp Vòng tròn tới cộng đồng giáo viên phổ thông tại Việt Nam. Với phương pháp này, tất cả mọi người đều được nhìn thấy, được chia sẻ, lắng nghe và cảm thấy an toàn trong một vòng tròn. Sau giai đoạn tập huấn, nhóm dự án sẽ đồng hành cùng các thầy cô trong việc tổ chức vòng tròn xây dựng cộng đồng trong lớp học để học sinh cũng được chia sẻ và lắng nghe tiếng nói của mình. Bên cạnh đó, “Đường dây nóng Ngày mai” cũng là một dự án ý nghĩa, cung cấp thông tin về sức khoẻ tinh thần và sơ cứu tâm lý trực tiếp qua điện thoại miễn phí cho người trầm cảm, người gặp khủng hoảng tâm lý và người thân của họ. Chỉ cần cầm điện thoại lên, bên kia luôn có người lắng nghe và thấu hiểu. Chính điều này đã hỗ trợ rất nhiều người lấy lại niềm tin, chọn ở lại với cuộc sống, trong đó có những người trẻ gặp áp lực lớn trong học tập. Đây đều là những dự án phi lợi nhuận, giúp cho bất kì ai có nhu cầu đều có thể tiếp cận dễ dàng và nhận được sự hỗ trợ phù hợp.
Nhờ sự quan tâm, phối hợp đúng cách của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giảm áp lực học đường, người trẻ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tối đa phát triển hết tiềm năng của bản thân, tiếp tục mang nhạt giống hạnh phúc gieo trồng lên những mảnh đất tương lai.
TS. Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không chỉ có học sinh mà giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý. Ở các trường học, đặc biệt là các trường công lập, bệnh thành tích còn khá nặng nề. Trường nào cũng mong mình có tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đỗ cấp 2, cấp 3, đại học ở tỉ lệ cao. Vậy nên, trường luôn đặt ra chỉ tiêu, bắt giáo viên phải đạt được bằng mọi cách, từ đó tạo thêm áp lực học tập nặng nề cho con trẻ. Thêm nữa, sau đại dịch COVID-19, sức khỏe tinh thần của giáo viên ít nhiều bị ảnh hưởng, nên đối tượng này cũng rất cần được chăm sóc hỗ trợ. Khi có những giáo viên hạnh phúc, chúng ta cũng dễ dàng hơn bắt gặp những đứa trẻ hạnh phúc.